Làm gì để “cứu” ô tô ngập nước?

Khi ô tô đi qua vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh...

Khi ô tô đi qua vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh...

Ô tô bị ngập nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến, hộp điều khiển rất dễ hỏng, nước lọt vào làm giảm hiệu lực của côn - ly hợp, phanh...

Nguyên nhân hầu hết do bị nước tràn qua ống hút khí nạp của động cơ, một số bị chập điện, một số do đỗ chỗ trũng bị nước ngập vào xe, cá biệt có chiếc bị hỏng do thùng xăng chứa đầy nước.

Nếu mức nước cao sẽ bị hút vào đường hút gió (khí nạp) của máy và làm máy hỏng, nhẹ thì cong biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy. Đây chính là hiện tượng “thuỷ kích”, khi máy vận hành bình thường, các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1000 vòng/phút, do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston, khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá huỷ xe của bạn.

Nguyên tắc lái xe khi bị ngập nước

Khi buộc phải đi qua vùng ngập nước, nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào vì đây là vị trí cao nhất, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn. Qua khỏi đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu.

xe ô tô ngập nước, xử lý xe ngập nước, cứu xe ô tô, xe sang ngập nước,
Tắt công tắc điều hòa (nút AC) là điều cần làm ngay khi ô tô buộc phải đi qua vùng ngập nước.

Mức nước an toàn cảnh báo là dưới 25 cm, không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên đi qua. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

Khi đi qua vùng ngập, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.

Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.

Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ. Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, vì thế đừng nên tìm cách tự sửa nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật.

Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).

Ngoài ra, không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

Dọn nội thất, bảo dưỡng

Theo lời khuyên của các kỹ thuật viên và thợ sửa chữa, khi phát hiện nội thất xe của bạn bị ngấm nước, tốt nhất là nhanh chóng tìm một gara ô tô quen thuộc để làm sạch, trước khi nội thất kịp bốc mùi, nhất là với những xe bọc nỉ. Tùy theo xe nội thất nỉ hay da mà việc dọn nội thất được thực hiện với đôi chút khác biệt.

Bản thân chất liệu nỉ rất “nhạy cảm” với các chất bẩn và khoang xe cũng khá hạn chế về mặt không gian, vì thế, toàn bộ phần nội thất phải được làm sạch kỹ càng. Những mảng ốp nhựa sẽ được đánh kỹ bằng bàn chải, cồn và nước tẩy chuyên dùng. Ghế và các tấm chải sàn cũng như những miến bông cách âm dưới sàn đều được tháo ra và giặt sạch.

Riêng ghế xe phải giặt bằng máy mới đảm bảo sạch như ban đầu. Thợ sửa chữa sẽ dùng máy bơm nước và hóa chất vào nỉ và mút xe rồi lại dùng máy hút hết nước bẩn. Thao tác này được lặp lại nhiều lần. Khi đã giặt sạch sẽ, ghế, nệm và lót sàn sẽ được làm khô bằng cách đem phơi hoặc hấp máy. Tiếp đó thợ sẽ tháo các lỗ thoát nước ở sàn xe, dùng nước rửa và xì cho khô sàn. Sau khi đã lắp trả nội thất như ban đầu, việc cuối cùng cần làm là dùng dung dịch làm sạch có hương liệu để đánh lên bề mặt nội thất.

Phần đỡ chắn dưới cùng của sàn xe được làm bằng kim loại và xử lý bằng các vật liệu cách âm nên rất kín. Khi nước theo lối cửa tràn vào và lọt xuống, tạo thành những ngăn chứa nước lớn mà nước không thể tự thoát ra ngoài. Ống dẫn khí điều hòa bị bẩn, thậm chí có thể tắc khi nước bẩn tràn vào.

Sau khi đã hút sạch nước ra, dùng máy sấy khô toàn bộ. Các bu-lông hay vít ngấm nước mưa có thể bị han rỉ nhanh chóng, nên việc quan trọng khi vệ sinh sàn xe là dùng dầu chống rỉ sét và mỡ tra vào.

Hệ thống dây điện và các đầu cắm chạy quanh thân xe, ở khu vực bệ trung tâm rất dễ bị chập và cháy khi còn đọng nước bên trong. Các rắc nối cần được kiểm tra lại và xịt khô để đảm bảo độ tiếp xúc. Cánh cửa xe bị ngập sâu sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hoạt động của các loa và dây dẫn, vì vậy quá trình vệ sinh phục hồi nội thất xe cũng không thể bỏ qua khu vực này.

Quét lỗi hệ thống điều khiển

Trên nhiều dòng xe, đặc biệt là xe Nhật, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Việc vệ sinh và kiểm tra phải được tiến hành hết sức cẩn thận bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống túi khí. 

Trên các dòng xe cao cấp, bộ bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại… Quá trình tiến vệ sinh phải được các chuyên gia có kinh nghiệm xử lý. Các bộ phận điều khiển dễ bị ngập nhất chính là những công tắc điều khiển ghế cùng hàng loạt động cơ/mô-tơ bên trong ghế. Nước làm cháy các mô-tơ và tê liệt bộ điều khiển ghế.

Bảo dưỡng các chi tiết của hệ thống điện và chiếu sáng không chỉ đơn giản là hút sạch nước và sấy khô thông thường, mà còn phải xem xét tình trạng hoạt động của chúng, khả năng xảy ra các rủi ro khi đường dây bị chập, hở hay ăn mòn tại các tiếp điểm, thao tác không thể thiếu với các dòng xe cao cấp là set-up lại hệ thống bằng máy quét lỗi.

Theo VOV



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.