Loạn bình luận về quyết định tặng 99% cổ phần của CEO Facebook

Bạn tưởng rằng cư dân mạng toàn cầu sẽ vỗ tay nhiệt liệt trước tuyên bố hiến tặng 99% cổ phần Facebook

Bạn tưởng rằng cư dân mạng toàn cầu sẽ vỗ tay nhiệt liệt trước tuyên bố hiến tặng 99% cổ phần Facebook cho hoạt động "phát triển tiềm năng con người và thúc đẩy bình đẳng xã hội" của Mark Zuckerberg? Thực tế không hề như vậy.

Trái lại, đang có những tranh cãi nảy lửa, trái chiều xung quanh quyết định này. Người thì cho rằng Mark đang giở "chiêu trò", số khác chỉ trích Mark không biết cách làm từ thiện, nhưng cũng có không ít người bảo vệ Mark mạnh mẽ.

Facebook, Mark Zuckerberg, Chan Zuckerberg Initiative, tu thien, từ thiện
Mark Zuckerberg

1. Phe "Thuyết âm mưu"!

Trang BuzzFeed nhanh nhảu chỉ ra rằng tổ chức mà Mark cho tiền - Sáng kiến Chan Zuckerberg - là một công ty TNHH chứ không phải là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Ngoài ra, sáng kiến này không hẳn sẽ quyên toàn bộ số tiền nó có cho các mục đích từ thiện. Nó còn có thể đầu tư cũng như tham gia vào các hoạt động như vận động hành lang chính sách...

Dù vậy, doanh nhân Anil Dash thừa nhận, gần như tất cả các tổ chức phi lợi nhuận đều được thành lập như những công ty TNHH thông thường, sau đó mới chuyển đổi mô hình cho phù hợp điều kiện thực tế. Vì thế, việc khởi sự với tư cách 1 công ty TNHH không nói lên điều gì về mục đích hoạt động trong tương lai của Sáng kiến Chan Zuckerberg cả.

Hãng thông tấn Bloomberg nhanh chóng giải thích, việc chọn mô hình TNHH cho phép công ty này chi tiền cho các hoạt động lobby, kiếm tiền từ việc tái đầu tư, liên doanh mà ít phải chịu các quy định hạn chế hơn. Ngoài ra, Sáng kiến Chan Zuckerberg còn có thể giải ngân và quyên tặng tiền với tốc độ theo ý muốn, thay vì khoản chi bắt buộc 5% mỗi năm của các tổ chức phi lợi nhuận.

2. Phe "Zuck trật lất!"

Trang Gawker thì mỉa mai rằng khoản quyên tặng của ông chủ Facebook chỉ nhằm vào những vấn đề chủ quan mà "anh ta tưởng là sẽ giúp thế giới". Những vấn đề đó chưa chắc có thể giúp được thế giới thật, theo quan điểm của TẤT-CẢ-MỌI-NGƯỜI.

Lấy thí dụ, tác giả bài viết gọi câu hỏi "Liệu con có thể học và trải nghiệm nhiều hơn 100 lần so với chúng ta hiện nay hay không" là một tầm nhìn mà chỉ có những người "phi thực" mới nghĩ ra nổi.

3. "Giới tỷ phú không biết cách làm từ thiện".

Một vài trang lập luận rằng hầu hết những hoạt động từ thiện đều không thực sự giúp ích cho xã hội. Dù cho ý định của họ tốt đến đâu, kết quả cuối cùng cùng lắm là "vô thưởng vô phạt", không thì còn gây tác dụng ngược. Giải pháp tốt nhất là các nhà tỷ phú nên rót tiền cho các nguồn lực từ thiện hiện tại (quỹ, tổ chức, nhân viên từ thiện chuyên nghiệp) và tin rằng những người này am hiểu công việc hơn là một tỷ phú tay ngang đã có quá nhiều trách nhiệm phải lo.

Nhiều người thì liên tưởng đến cuộc phỏng vấn của tạp chí Đức Der Spiegel năm 2010 với doanh nhân Peter Kramer, người giả định rằng các tỷ phú Mỹ làm từ thiện chỉ là cách bất thành văn để khẳng định họ biết cách giúp đỡ xã hội hay hơn chính phủ mà thôi.

4. Phe ủng hộ

"Đó là tiền của Mark. Anh ta kiếm chúng một cách hợp pháp, bằng cách tạo ra một sản phảm mà nhiều người chọn dùng tự nguyện. Anh ta có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn với số tiền đó nếu pháp luật cho phép. Anh ta có thể chôn nó xuống hố, đốt chúng. Anh ta có thể mua súng, tậu thuyền hay mua đảo.

Nhưng thay vào đó, Mark lại cam kết dùng chúng để giải quyết một số vấn đề mà anh ta nhìn thấy trong cuộc sống. "Thật khó để tìm thấy điều gì mà chỉ trích ở đây", phe ủng hộ Mark nêu quan điểm.

Trang Business Insider cho rằng, nhiều phóng viên luôn hoài nghi về điều thiện ở con người, và cho rằng đây chỉ là toan tính của Mark để đánh bóng bản thân, hay để trốn thuế, hoặc để đánh lạc hướng dư luận khỏi những tội lỗi mà Facebook mắc phải.

"Nếu bạn nghĩ như vậy, tốt nhất là nên tắt máy tính và đi dạo đi. Anh ấy vừa có con. Anh ấy đang nhìn về tương lai. Anh ấy sở hữu một núi tiền không bao giờ bị tiêu xài hoang phí. Anh ấy muốn chi nó cho những thứ mà anh ấy nghĩ sẽ giúp thế giới này tốt đẹp hơn", trang này kết luận.

Có chung quan điểm, CEO Sam Altman và nhà sáng lập Paul Graham của Y Combinator nhận xét trên Twitter:  "Hiếm khi Internet gây được bất ngờ cho tôi, nhưng phản ứng của cộng đồng mạng trước lá thư của Mark đã làm được rồi đấy", hay "Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của sự đố kỵ"

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.