Smartwatch chậm chạp xâm nhập thị trường Việt Nam

Giá bán cao, pin kém, ít tính năng đột phá, smartwatch chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Giá bán cao, pin kém, ít tính năng đột phá, smartwatch chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Từng được coi là thiết bị di động thay thế smartphone trong tương lai gần, tuy nhiên, smartwatch đang chững lại thời gian gần đây.

Khoảng năm 2014, các cửa hàng điện thoại, phụ kiện di động tỏ ra hào hứng với smartwach bao nhiêu thì hiện tại, họ dè dặt bấy nhiêu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sức tiêu thụ của sản phẩm không cao.

Smartwatch chậm chạp xâm nhập thị trường Việt Nam

Bộ đôi smartwatch Gear S2 và Gear S2 Classic của Samsung lên kệ tại Việt Nam tháng 11/2015. Ảnh: Duy Tín

Anh Trung Trí - Trưởng phòng marketing online của một hệ thống bán lẻ di động cho hay: giá bán cao, pin kém, tính năng đột phá không có là những nhược điểm chí mạng của smartwatch. “Smartwatch chỉ gây được hào hứng với người dùng trong thời gian ngắn (khoảng năm 2013 đến đầu 2015). Khi sự hứng khởi ban đầu về một dòng sản phẩm mới mẻ qua đi, họ nhận ra nhiều yếu điểm chưa thể khắc phục và dần bỏ qua chúng”.

Những smartwatch phổ biến hiện nay như Apple Watch, Samsung Galaxy Gear S2, Moto 360 (thế hệ 2), Huawei Watch đều có giá bán 7-8 triệu đồng, tương đương với nhiều smartphone hàng xịn. Tuy nhiên, hiếm sản phẩm nào có pin dung được khoảng 3-4 ngày trong khi tính năng chính của chúng - ngoài xem giờ - chỉ là theo dõi một vài thông số về sức khỏe và đồng bộ với smartphone để nhận thông báo.

Thời điểm giữa năm 2015, thị trường Việt Nam xuất hiện ồ ạt những chiếc smartwatch xuất xứ Trung Quốc với giá siêu rẻ - từ 800.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Khi đó, nhiều đơn vị bán hàng đã hốt bạc với doanh số cả trăm chiếc mỗi tuần. Trên các trang rao vặt, những màn chào bán đồng hồ thông minh giá rẻ xuất hiện tràn lan.

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, trào lưu này nhanh chóng bị dập tắt. Những chiếc smartwach này có chất lượng phần cứng kém, pin cực yếu, thiết kế đa phần nhào lặn lại từ các model phổ biến. Khi sử dụng, chúng gây phiền toái hơn là tiện ích cho người sử dụng và khó tồn tại lâu bền trên thị trường.

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, smartwatch cần một bước đột phá, giống cách iPhone làm được với thị trường di động trước đây, để thực sự tạo ra sức hút với người dùng. Ở thời điểm hiện tại, chưa có một sản phẩm như vậy.

Trên thực tế, 2016 có thể không phải năm của smartwatch. Bằng chứng là việc tại triển lãm CES vừa qua, người ta chỉ thấy một vài thiết bị đeo tay thông minh xuất hiện, khá nhạt nhòa so với sự bùng nổ của các thiết bị IoT (Internet of Things).

Smartwatch chậm chạp xâm nhập thị trường Việt Nam

Apple Watch chính hãng về nước muộn. Ảnh: Bostino.

Một điểm dễ nhận thấy khác: Việt Nam chưa phải thị trường ưu tiên của các hãng sản xuất đồng hồ thông minh. Sony sau khi tung 2 thế hệ smartwatch và thu được kết quả khiêm tốn đã bỏ qua thị trường Việt Nam ở thế hệ Smartwatch 3. Apple Watch chính hãng phải đợi gần một năm sau khi ra mắt (tháng 4/2015) mới bán ở Việt Nam (cuối tháng 1 này). Nhiều hãng sản xuất khác như LG, Huawei, Motorola, Asus không bán smartwatch tại Việt Nam. Chỉ có Samsung là ông lớn duy nhất đều đặn cập nhật tất cả sản phẩm dạng đeo tay thông minh của mình với người dùng trong nước.

Tuy nhiên, cũng theo anh Trung Trí, từ chối mua sản phẩm không đồng nghĩa người dùng không quan tâm đến chúng. Anh này đang quản trị một fanpage về đồng hồ thông minh có lượng theo dõi lớn. Theo đó, lượng tương tác của thành viên duy trì ở mức cao, mức độ quan tâm lớn khi có sản phẩm mới ra mắt. “Vấn đề lớn nhất vẫn là giá bán. Nhiều người hỏi mua sản phẩm, nhưng chùn tay sau khi biết giá bán của chúng”. Theo anh Trí, smartwatch vẫn là một thị trường tiềm năng, nhưng cần thêm thời gian để các nhà sản xuất hoàn thiện sản phẩm, giảm giá thành cũng như tìm ra các tính năng đột phá.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.