Người thầy ‘kêu cứu’ cho môn Sử

Thầy Trần Trung Hiếu là người đầu tiên viết thư đề xuất Lịch sử là môn bắt buộc. Trong suốt quá trình đấu tranh đòi lại vị thế cho môn Sử, thầy không khi nào thôi hy vọng.

Thầy Trần Trung Hiếu là người đầu tiên viết thư đề xuất Lịch sử là môn bắt buộc. Trong suốt quá trình đấu tranh đòi lại vị thế cho môn Sử, thầy không khi nào thôi hy vọng.

Nỗi niềm giáo viên... môn phụ

Những bài thi môn Lịch sử cười ra nước mắt với "cơn mưa" điểm 0. Hội đồng thi chỉ có một thí sinh làm bài Lịch sử. Học sinh nghĩ Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em… Nhắc lại những câu chuyện đó, nét mặt ​thạc sĩ Trần Trung Hiếu (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) trùng xuống. Đôi mắt ông ánh lên một nỗi buồn.

Hai mươi năm đứng lớp nhưng có đến gần nửa số thời gian ấy, người thầy thấm nỗi buồn mỗi khi Lịch sử trở thành chủ đề nóng của dư luận.

Nhiều người cho rằng, học sinh ngày càng chán Sử, nhưng thầy Hiếu nghĩ khác: "Đa số học trò bây giờ không chán học, thậm chí vẫn thích, tò mò và muốn khám phá, nhưng các em không chọn Lịch sử là môn thi vì sợ điểm thấp, khó làm bài”.

Theo đánh giá của giáo viên trường Phan, thực tế này do lỗi do hệ thống giáo dục coi đây là môn phụ.

Vị thế của môn Sử trong xã hội khiến nhiều thầy cô tâm huyết chạnh lòng. Không ít người tủi thân vì mình là giáo viên môn phụ.

Không buồn sao được khi ​dư luận phàn nàn cách dạy ​Sử. Học sinh không chọn thi ​Sử. Bộ GD&ĐT lên kế hoạch tích hợp môn Sử.

Rồi đây, môn Lịch sử sẽ về đâu khi bị "thôn tính"? Các thầy cô phải dạy thế nào nếu nó một lần nữa... xuống hạng, trở thành "môn phụ của môn phụ"? Thế hệ trẻ ra sao khi rất có thể ngày càng nhiều những học sinh tiếp tục nhầm tưởng Quang Trung là anh em với Nguyễn Huệ?... Những câu hỏi đó cũng là nỗi trăn trở của thầy giáo xứ Nghệ.

d
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (bên trái) chụp ảnh cùng phó giáo sư Văn Như Cương.

"Các môn học khoa học xã hội đang bị quay lưng. Lịch sử bị hắt hủi. Số lượng học sinh theo học và thi khối C ngày càng giảm. Đó là những yếu tố tác động không nhỏ đến tâm lý và cả những điều tế nhị nhất trong đời thường của những giáo viên Sử”, thầy Hiếu bày tỏ.

"Điều khiến tôi xót xa là những học sinh giỏi quốc gia không chọn theo ngành Sử.​ Nhiều cử nhân Lịch sử ra trường không xin được việc làm. Cơm áo gạo tiền buộc các em phải rẽ hướng khác, đó là sự phí phạm tài năng".

Thầy Trần Trung Hiếu

Đấu tranh đến cùng

Tâm tư như thế, ​khó khăn là vậy, nhưng thầy Hiếu bảo, nếu buông bỏ là thất bại. Chỉ có thể say mê hơn, cống hiến hơn, giáo viên mới kéo học sinh đến với môn học.

Làm việc tại Nghệ An nhưng nhiều ​hội thảo ở Hà Nội hay TP HCM, thầy đều bắt chuyến xe sớm nhất đến dự. Ngay ​sau đó, ông vội trở về trong đêm để sáng hôm sau kịp giờ giảng.

Vị thạc sĩ này chia sẻ, ngày Bộ GD&ĐT công khai Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó nêu tích hợp môn Lịch sử, ông đã vô cùng thất vọng. Tích hợp Lịch sử vào Công dân với Tổ quốc là "khai tử" bộ môn này.

d
Thầy Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông", do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội.

Từ suy nghĩ đó, thầy Hiếu chủ động kết nối nhiều giáo viên và những người quan tâm Lịch sử qua điện thoại, email, Facebook. Sau khi nêu quan điểm trên các phương tiện truyền thông, thầy giáo trường Phan Bội Châu quyết định viết tâm thư gửi lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề xuất Lịch sử phải là môn học bắt buộc và thi THPT quốc gia.​

"Không biết lịch sử, điều gì sẽ xảy ra khi con cái không biết cha mẹ, ông bà tổ tiên, dòng họ mình là ai? Mình sinh ra và lớn lên ở đâu, không biết cội nguồn dân tộc?", tâm thư viết.

Thầy cho rằng, lẽ ra, Bộ GD&ĐT phải xác định được vai trò, vị trí và ý nghĩa của môn Lịch sử đối với việc trồng người, giáo dục truyền thống, nhân cách cho học sinh. Xác định được như vậy sẽ bắt buộc các em phải học và thi chứ không phải để học theo kiểu "ứng thi​", thích gì học nấy, không thi thì không học như hiện nay. Đó là cách học tai họa.

Tâm thư được sự đồng thuận của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nhiều chuyên gia khác. GS Lê khẳng định, sẽ đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử.

Từ lời "kêu cứu" đầu tiên của người thầy xứ Nghệ,vị trí môn Lịch sử trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, với nhiều cuộc họp bàn từ phía Bộ GD&ĐT. Đây cũng là vấn đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT tại Quốc hội.

"Tôi vẫn chờ đợi sự cầu thị, tiếp thu của những người có trách nhiệm. Dù thế nào chúng ta cũng không được mất niềm tin, đặc biệt là khi có tình yêu với Lịch sử", thầy Hiếu nói.

 Sau khi ý kiến cá nhân của thầy Trần Trung Hiếu được đăng tải trên báo chí, cùng sự phản ứng của nhiều chuyên gia, ngày 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ và một số tổ chức liên quan về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, trong đó chủ đề chính là môn Lịch sử.

Ngày15/11, "Hội nghị ​Diên ​Hồng" mang tên "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức cũng thảo luận sôi nổi về vấn đề này.

Ngày 16/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT, các đại biểu Quốc hội xoáy sâu vấn đề “nóng” của môn Lịch sử.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, tích hợp Lịch sử là “sự xáo trộn tận tâm can” và yêu cầu Bộ trưởng nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, đang tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, nếu không hợp lý sẽ không tích hợp môn Lịch sử.


Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.