Bố mẹ đừng bao giờ giúp con những việc này, vì trẻ hoàn toàn có thể tự làm

Hãy tin tưởng vào khả năng của con thay vì sốt sắng làm hộ con hay lo lắng con không làm được để giúp con tự tin và chủ động hơn với cuộc đời của mình.

Hãy tin tưởng vào khả năng của con thay vì sốt sắng làm hộ con hay lo lắng con không làm được để giúp con tự tin và chủ động hơn với cuộc đời của mình.

Một trong những điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể dành cho con, đó là trao cho con cơ hội được làm những việc mà con có thể tự làm.

Bố mẹ đừng bao giờ giúp con những việc này, vì trẻ hoàn toàn có thể tự làm - Ảnh 1.

Để con tự làm những việc mà con có thể tự làm là bí quyết giúp các bố mẹ nuôi dạy những em bé tự tin, khỏe mạnh và hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Ngay từ khi mới chào đời, trẻ đã là một em bé độc lập và tự tin. Điều đó có nghĩa là trẻ hầu như có thể tự mình làm những hoạt động gắn liền với các nhu cầu bản năng nhất của mình để tồn tại, một em bé ngay khi vừa mới chui ra khỏi bụng mẹ đã biết cách đi tìm bầu sữa mẹ để hưởng trọn những giọt sữa đầu tiên. Việc tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con là dành đủ thời gian để lắng nghe, quan sát con và có đủ kiên nhẫn để thấu hiểu con, đủ tôn trọng để hỗ trợ con. Dưới đây là một số việc mà trẻ ở bất cứ độ tuổi nào trẻ đều có thể tự làm nhưng hầu hết các bố mẹ Việt lại đang "tước" quyền tự làm của con.

Con có thể tự ăn và tự quyết định khi nào mình ăn đã no

Trẻ hoàn toàn biết cách tự quyết định ăn món gì, ăn như thế nào và ăn bao nhiêu ngay từ bữa ăn đầu tiên trong đời. Với tâm lý lo con đói, sợ con ăn bừa bộn, muốn con ăn được nhiều hơn… các bố mẹ thường rất dễ ép con ăn theo ý mình, nhồi con ăn thậm chí là dọa dẫm, mua chuộc để con ăn được nhiều hơn. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi ăn là bản năng sinh tồn cơ bản nhất của con người, nếu không để con tự được quyết định việc ăn uống của mình, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trẻ đang bị tước đi niềm vui ăn uống và có thể khiến trẻ gặp phải những tổn thương về tâm lý và sức khỏe nghiêm trọng.

Bố mẹ đừng bao giờ giúp con những việc này, vì trẻ hoàn toàn có thể tự làm - Ảnh 2.

Trẻ nhỏ hoàn toàn có thể tự quyết định mình ăn gì, ăn như thế nào và ăn bao nhiêu. Điều bố mẹ cần làm là lắng nghe và tôn trọng các tín hiệu và thông điệp mà trẻ gửi đến. (Ảnh minh họa)

Vì thế, bố mẹ hãy chuẩn bị cho con những bữa ăn ngon lành, đầy đủ dinh dưỡng, theo nhu cầu và sở thích của trẻ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ và để cho con tự quyết định sẽ thưởng thức mỗi bữa ăn theo cách của riêng mình, được ăn theo cách mà con muốn và được ăn theo nhu cầu mà con cần. Điều bố mẹ cần dạy con là thói quen ăn uống lành mạnh, văn minh cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi quyền tự ăn của con được bố mẹ tôn trọng.

Con có thể tự chơi và tự học được những giới hạn an toàn

Vui chơi là bản năng tự nhiên của con người nói chung và của trẻ nhỏ nó riêng. Trẻ nhỏ không cần phải được bố mẹ hướng dẫn để vui chơi hay cần được bố mẹ "tạo môi trường, cung cấp đồ chơi" để vui chơi, chúng cũng không bao giờ đặt các mục tiêu về "học hành, kiến thức" cho mình khi vui chơi. Trẻ nhỏ vui chơi chỉ đơn giản là để lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ.

Bố mẹ đừng bao giờ giúp con những việc này, vì trẻ hoàn toàn có thể tự làm - Ảnh 3.

Vui chơi tự do ngoài thiên nhiên là trải nghiệm tuyệt vời nhất cho tuổi thơ của mọi đứa trẻ. (Ảnh minh họa)

Những trải nghiệm từ việc vui chơi tự do có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành về mặt trí tuệ và cảm xúc của trẻ, ngoài ra, các trò chơi đa đạng, đầy cảm hứng ngoài trời, trong không gian thiên nhiên mở còn giúp trẻ phát triển mạnh mẽ tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm… Đừng cố gắng lên kế hoạch để con vui chơi theo "kịch bản" của mình hay nhốt con trong những lớp học dán nhãn "học mà chơi" hay "dạy trẻ kĩ năng sống/kĩ năng sinh tồn" mà hãy để con được vui chơi tự do càng lâu càng tốt trong suốt tuổi thơ của mình để trẻ nuôi dưỡng sự tò mò và ham học hỏi của mình. Khi trẻ tự mình trải nghiệm, gặp phải vấn đề và tự tìm cách xử lý bằng cách đặt ra các câu hỏi, đó là khi trẻ học được các bài học về giới hạn an toàn và các bài học cuộc sống quan trọng.

Con có thể tự chăm sóc được cho cơ thể và bản thân mình

Khi con còn nhỏ, hãy hướng dẫn và để con tự làm các công việc liên quan đến chăm sóc cơ thể như rửa mặt, rửa tay, xúc miệng, đánh răng, vệ sinh vùng kín, tắm rửa, thay quần áo, đi giày dép… càng sớm càng tốt để phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng. Đối với những trẻ lớn hơn, cần để con tự làm và tự chịu trách nhiệm với các việc phục vụ cho nhu cầu của cá nhân mình như: giặt quần áo, chuẩn bị sách vở, ba lô đi học, chuẩn bị bữa ăn… Đó cũng là một cách hiệu quả giúp các bố mẹ dạy con về an toàn cơ thể và lối sống độc lập, hạn chế phụ thuộc vào những người xung quanh.

Bố mẹ đừng bao giờ giúp con những việc này, vì trẻ hoàn toàn có thể tự làm - Ảnh 4.

Để trẻ có thể tự làm được các kĩ năng chăm sóc bản thân và cơ thể, trẻ rất cần được bố mẹ tin tưởng, hướng dẫn và trao cho cơ hội để trẻ tự làm. (Ảnh minh họa)

Từ những thói quen nhỏ nhặt nhất mà bố mẹ vẫn làm như viết hộ con tên của con, cắt mép một chiếc túi hộ con, chuẩn bị balo thay con… sẽ dẫn đến những sự áp đặt vô hình của cha mẹ lên trẻ khi lớn lên, đứng trước các quyết định quan trọng của cuộc đời như tìm việc, kết hôn, định hình lối sống… Khi bố mẹ luôn sẵn sàng làm thay con mọi thứ, "chỉ đạo, điều khiển" con làm theo ý mình… thì thông điệp duy nhất mà trẻ nhận được không phải tình yêu thương, che chở của bố mẹ mà là "Bố mẹ làm tốt hơn con. Con không làm được gì cả!". Vì thế, hãy tin tưởng con, để con tự làm những việc mà con có thể tự làm và được tự do mắc lỗi chính là cách để các bố mẹ có được những em bé độc lập, tự tin và hạnh phúc.


Theo Helino


Dạy con

tự lập

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.