Cách nói chuyện "thần kỳ" trị cơn quấy khóc của bé

“Con cũng sẽ chẳng bao giờ nói được chính xác từ "con chó" hay "đi chơi", nếu khi con còn bập bẹ, chính bố mẹ ông bà vẫn nói nựng kiểu "con tó" hay "đi tơi"”.

Không chỉ quen mặt với khán giả truyền hình, MC Minh Trang (đài THVN) còn được đông đảo các bà mẹ bỉm sữa ngưỡng mộ bởi tài nuôi dạy con rất tiến bộ và hiệu quả.

Chia sẻ về những bí quyết nói chuyện cùng con của cô mới đây trên facebook cá nhân đã nhận được rất nhiều sự đồng tình và chia sẻ của độc giả.

Nói chuyện với con
càng nhiều càng tốt

Nếu các bạn nghĩ, cái thai trong bụng người mẹ, bé sơ sinh mới đẻ, em bé dưới 1 tuổi còn chưa biết nói, thì mình có nói chuyện "tử tế", có nội dung, từ ngữ rõ ràng đầy đủ ý, thì em bé cũng làm sao hiểu được. Ngược lại nhé, bé nghe hết, nghe trọn tất cả những âm thanh đó. Tất nhiên lúc đầu những câu nói đó của mình chỉ được bé tiếp nhận là một thứ âm thanh, dần dần, khi được lặp đi lặp lại, bé sẽ nhận biết được những từ vựng khác nhau, ngữ âm, ngữ điệu, cảm xúc trong lời nói...ngay cả khi bé chưa nói được. Đến giai đoạn tập nói, bạn sẽ ngỡ ngàng với trí nhớ từ và vốn từ vựng của bé đấy.

Vậy, nói chuyện gì với con đây?

Tất cả những gì bạn có thể. Bất kỳ khi nào có thời gian với con, hãy "ngôn ngữ hóa" bằng giọng văn miêu tả, tất cả những gì xung quanh bé, tất cả những gì đang diễn ra, kể cho bé bạn đang nhìn thấy gì, đang cảm thấy như thế nào... Hãy luôn nhìn vào mắt con khi nói, để con cảm thấy sự kết nối và tình cảm qua từng từ ngữ mà bạn nói với con. Nói chuyện còn là cách tuyệt vời nhất để gắn bó với con, dỗ con khi quấy khóc, làm con cảm thấy an toàn và thoải mái.

MC Minh Trang và con gái Daisy

Dừng ngay những từ vô nghĩa khi nói chuyện với con

Con bạn sẽ chỉ biết nói "âu âu, ơ ơ, tèn tèn, chậc chậc" khi bé tập nói, nếu những âm thanh vô nghĩa đó là tất cả những gì bé được nghe từ bạn và người thân của mình! Và vì vậy, cũng đừng hy vọng con sẽ biết nói sớm, và biết nói nhiều từ phong phú nhé.

Không phải chờ đến khi đi nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, con mới được "đi học". Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng mình, giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi là thời kỳ vàng phát triển kích thước, cấu trúc bộ não của trẻ, là giai đoạn trẻ có khả năng tiếp thu nhanh, nhiều, hiệu quả nhất. Khi mới sinh, trẻ đã có toàn bộ những nơ-ron thần kinh cần thiết, kích thước của bộ não tăng gấp đôi sau năm đầu tiên, và đến khi 3 tuổi, nó sẽ đạt đến 80% cấu trúc hoàn thiện của một người trưởng thành.

Đừng cố nói “ngọng” theo kiểu của con

Trong chia sẻ của mình MC Minh Trang cũng đã đề cập: “Con cũng sẽ chẳng bao giờ nói được chính xác từ "con chó" hay "đi chơi", nếu khi con còn bập bẹ, chính bố mẹ ông bà vẫn nói nựng kiểu "con tó" hay "đi tơi"”.

Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của MC Minh Trang và thấy rằng đây là sai lầm phổ biến của rất nhiều người lớn khi chơi và nói chuyện với trẻ nhỏ. Khi trẻ con tập nói, những từ ngữ bập bẹ không rõ ràng đối với người lớn sẽ trở nên vô cùng dễ thương, đáng yêu. Có lẽ chính vì vậy, thay vì nói chuẩn để chỉnh cho bé, nhiều ông bà, bố mẹ lại bắt chước nói theo con. Ví dụ: quả hế thay vì quả khế, của coong thay vì của con.... Như vậy bé sẽ vô tình hiểu là mình nói đúng, không có ý định sửa chữa và khi lớn lên việc khắc phục sẽ khó hơn nhiều.

Nói chuyện với con cũng rất hữu ích khi con khóc quấy


Có 1 thực tế là khi chưa biết nói, thì khóc chính là cách con có thể làm để giao tiếp/thể hiện thái độ/nhu cầu với bố mẹ. Nhiều khi 1 đứa trẻ khóc, đơn giản vì bạn ấy cảm thấy chán.

MC Minh Trang kể câu chuyện một em bé khoảng 6-7 tháng tuổi khóc trên máy bay rất lâu nhưng hết ông bà đến bố mẹ vừa bế tại chỗ, vừa đứng dậy bế dong, nhưng dù ở tư thế nào cũng luôn miệng nói đi nói lại 1 số từ/cụm từ sau và không hiệu quả: "ờ...ờ...ờ.... nín đi...nín đi..nín đi....mẹ thương...mẹ thương...mẹ thương...mẹ thương... Ngoan nào...ngoan nào... ngoan nào... thôi...thôi...thôi.....".

Theo Minh Trang thay vì như vậy, hãy nói chuyện với con. Đừng lo là con không hiểu hay con có biết nói đâu mà trả lời... Vì lời nói, câu chuyện, ánh mắt, ngữ âm ngữ điệu trong từng câu nói của bố mẹ, chính là thứ vô cùng thú vị và thu hút với bọn trẻ con!

Hãy thử:

- Nói cho mẹ nghe thử vì sao con lại khóc thế?

- Để kiểm tra xem bỉm có bẩn không nhé? Hay là đau ở đâu nhỉ? Hay ngứa ở đâu nhỉ? Có phải ở đây không? Hay ở đây? (Vừa nói vừa kết hợp kiểm tra cơ thể bé, khi bé vừa đc nghe, vừa đc thay đổi cảm giác, phần lớn sẽ nín khóc, hoặc tập trung theo di chuyển của bàn tay mẹ trên người bé...mà quên mất là mình đang phải khóc tiếp!)....

Hãy nói chuyện với con, càng nhiều càng tốt, về càng nhiều thứ càng tốt, điều đó không chỉ giúp hình thành ngôn ngữ, thế giới quan cho con, đó còn là sự gắn bó, còn là biểu hiện của tình yêu thương, cảm giác an toàn, sự thú vị, háo hức mà mình dám đảm bảo, 100% em bé từ trong bụng mẹ hay mới đẻ được 1,2 ngày đều cảm nhận được.

V.K/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.