- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Chiêu nuôi dạy con siêu nhẹ nhàng, thú vị từng khoảnh khắc
Không chỉ có tác dụng tích cực với trẻ, những bí kíp này cũng khiến ba mẹ thấy việc nuôi con trở nên thú vị trong từng khoảnh khắc...
Điều quan trọng khác, chúng không chỉ có tác dụng tích cực với trẻ mà còn khiến ba mẹ thấy việc nuôi con trở nên thú vị từng khoảnh khắc, mọi thứ không cần căng thẳng như đã từng trải qua.
Gắn mác "chơi" cho "việc"
Chiêu này đòi hỏi ba mẹ phải tư duy sáng tạo một chút để biến những công việc thành những trò chơi hấp dẫn cho bé. Phụ huynh cũng bận bịu hơn nhưng đổi lại trẻ sẽ vui vẻ và hợp tác, cả ngày chỉ toàn là chơi nhưng việc nhà cũng cứ thế mà trôi.Chẳng hạn: Chơi chia bát đũa, chơi trò tắm rửa cho các bạn đồ chơi (thực ra là cọ rửa đồ chơi định kỳ), chơi bán mắc áo cho mẹ phơi quần áo (bạn phải nhìn quần áo và phân biệt đồ của người lớn để đưa mẹ mắc người lớn hay đồ của bạn ấy để đưa mắc trẻ con)...
Hoặc như công việc dọn dẹp là một hành động văn minh trẻ cần được chỉ bảo từ bé. Tuy nhiên khi ta bé, việc nghe hoài “dọn dẹp mới ngoan” e rằng chẳng có mấy tác dụng. Nhưng nếu việc dọn dẹp ấy lại biến thành một trò chơi thì thật hấp dẫn. Trò chơi có thể là: tìm và dọn màu xanh trước nhé – bé đi dọn đồ chơi màu xanh vào nơi quy định, rồi tới màu vàng, màu đỏ… Hoặc mẹ hát bài hát, hát nhanh bé sẽ dọn nhanh, hát chậm bé sẽ đi thật chậm…
Biến mọi thứ thành cuộc đua
Cũng tương tự việc bày trò chơi, nhưng ba mẹ cần thêm chút “gia vị” khích tướng để tạo động lực cho trẻ:
"Cún sẽ không thể đánh răng và chải đầu xong trước khi mẹ uống hết ly cà phê đâu. Con nghĩ con có thể ư? Không đâu. Mẹ không tin". Và đương nhiên đó trở thành một thử thách đã có kết quả sẵn. Tất nhiên là bạn chỉ cần thảnh thơi ngồi thưởng thức cà phê và giành phần thua về mình.Nếu nhà bạn có nhiều hơn 2 đứa trẻ thì càng dễ hơn. "Ai có thể chải răng xong trước, ai có thể mặc quần áo nhanh hơn nào? Ai sẽ ăn sáng hết trước tiên nhỉ?".... - biến mọi thứ thành cuộc đua sẽ khiến mọi công việc cần trẻ phải tự làm sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Hình phạt vui vẻ
Ba mẹ nào nuôi con mà chưa từng dùng đến hình phạt? Tuy nhiên phạt trẻ thế nào cho hiệu quả là cả một nghệ thuật. Thực ra công thức phạt trẻ rất đơn giản: chúng ta không phạt trẻ để trẻ đau mà sợ, mà là để trẻ nhớ không quên. Điều này rất quan trọng trong giáo dục trẻ. Không giống như người lớn có ý thức về hành động của bản thân, trẻ rất hay quên, không phải vì con “hư” hay con ngỗ nghịch đâu, mà bởi con “chưa nhớ” đấy.
Hãy phạt con thật nhẹ nhàng bằng cách: vẽ 1 hình tròn, và con sẽ đứng vào trong vòng tròn đấy mỗi khi con phạm lỗi. Lưu ý, con trẻ chỉ có thể đứng 1 chỗ trong thời gian rất ngắn, hãy áp dụng: 2 phút - 2 tuổi, 3 phút - 3 tuổi, 4 phút – 4 tuổi … nếu ép trẻ đứng quá lâu, sẽ chỉ có tác dụng ngược thôi. Bạn đừng cho rằng phạt nghĩa là làm con đau hay sợ hãi thì con mới nhớ và sợ, quan trọng là con có nhận ra ĐÚNG – SAI hay không. Mỗi khi con đứng vào hình tròn, dù chỉ vài phút ngắn ngủi, con đã 1 lần ghi nhớ về hành động con mắc phải là việc làm không đúng, nếu con lại mắc lỗi thì lại đứng vào hình tròn đó, càng nhiều càng nhớ.
Vậy nhưng ba mẹ nhớ hãy thỏa thuận những việc ĐÚNG – SAI và giao quy định trước khi phạt nhé, chẳng hạn nếu chưa bao giờ nhắc trẻ về việc xé giấy là không đúng thì không thể phạt khi trẻ mang giấy ra xé . Chúng ta chẳng thể phạt "vô lý" được vì sẽ làm trẻ trở nên cứng đầu hơn.
Khích lệ bằng phần thưởng
Thực ra với trẻ, giá trị của phần thưởng không nằm ở giá tiền mà nằm ở “cảm giác”. Trẻ chưa có khái niệm về giá trị vật chất, có khi món đồ chơi đắt tiền mà con lại không thích bằng cái hộp carton cũ, có khi bữa tiệc sinh nhật ngàn đô con lại thấy không vui bằng thổi nến với 5 – 3 người bạn. Đối với trẻ, nhận được phần thưởng, nghĩa là con đã được công nhận – điều đó quan trọng hơn giá trị của phần thưởng.
Hãy vẽ hoặc in một số tờ giấy nhỏ, trên đó ghi sẵn các “đặc quyền” cho bé: Được ngủ trễ 30 phút - chơi game 10 phút - được đi công viên – mua truyện mới – một cái ôm thật chặt … Mỗi lần con hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ/công việc nào đó, hãy cho con chọn ngẫu nhiên một trong số những phần thưởng trên. Trẻ sẽ vô cùng phấn khích khi NHÌN THẤY sự công nhận của người lớn, dù đó chỉ là 1 tờ giấy nhỏ tự vẽ nguệch ngoạc với phần thưởng không thể đơn giản hơn như một cái ôm chẳng hạn....
Bé sẽ rất thích cảm giác đó và phấn đấu để ngày nào cũng được nhận phần thưởng cho mà xem!
* Bài viết tham khảo Fb Vũ Thị Thu Hằng, Fb Minh Trang Nguyen....
V.K (tổng hợp)/VietNamNet