- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Hình phạt nào hiệu quả cho bé hiếu động?
Việc sử dụng hình phạt cũng là một cách hữu dụng để giảm bớt những hành động nghịch ngợm, bướng bỉnh của trẻ.
Trong số vô vàn những bài học để dạy trẻ sống có nề nếp, vâng lời cha mẹ, thì việc sử dụng hình phạt cũng là một cách hữu dụng để giảm bớt những hành động nghịch ngợm, bướng bỉnh của trẻ. Vậy nhưng làm sao để phạt trẻ hiệu quả thì không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Dưới đây là chia sẻ của chị Khánh Vân, một bà mẹ có cậu con trai hiếu động và bướng bỉnh.
Con trai tôi năm nay hơn 4 tuổi và có đủ những "thói xấu" như lười ăn, bướng bỉnh, hay mè nheo, nghịch ngợm, ít khi chịu nhường nhịn ai…
Tôi đã tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp dạy con nhưng thường không mấy hiệu quả. Một phần do con bất hợp tác, một phần do tôi thiếu kiên nhẫn, thực hiện được nửa vời, thấy chưa hiệu quả là lại bỏ cuộc.
Khi đối diện với những "thói xấu" của con, tôi thường mắc vào vòng luẩn quẩn: nhắc nhở - yêu cầu chấm dứt - dỗ dành - phân tích đúng sai - dọa nạt - quát tháo - đánh đòn. Sau những trận đánh đòn là mẹ khóc con khóc, mỗi mẹ con một góc. Tôi từng cảm thấy bất lực.
Tôi tiếp tục tìm hiểu về hình phạt đối với trẻ nhỏ: Nó không chỉ là biện pháp tốt để chúng ta dạy con cách chịu trách nhiệm về hành vi của mình, dạy con sống có nguyên tắc mà còn hạn chế việc đánh con. Vậy là tôi thử áp dụng. Những lần đầu tôi vẫn thất bại vì thằng bé bướng bỉnh nhất định không thực hiện hình phạt mẹ đưa ra. Sau một thời gian kiên trì thực hiện, tôi rút ra được những hình phạt, cách phạt hiệu quả đối với con. Cụ thể như:
- Tạo hình phạt mà bố mẹ là người chủ động: Điều này đặc biệt hiệu quả với những bé hiếu động như con tôi, thường là tước đi một quyền lợi của trẻ thay vì yêu cầu bé làm một điều gì đó. Chẳng hạn, tôi không thể bắt con đứng im úp mặt vào tường trong 5 phút, nhưng tôi có thể trừ sao của con (mỗi khi làm việc tốt con tôi được thưởng 1 sao, và ứng với số lượng sao đạt được con sẽ được chọn một quyền lợi như đi siêu thị, mua đồ chơi, đi công viên….). Thằng bé rất sợ điều này và đã chịu thực hiện yêu cầu của tôi.
- Ra hình phạt phù hợp với tính cách của con: Tôi thấy nhiều mẹ phạt con rất dễ dàng như: quỳ 5-10 phút, ngồi im trong góc phòng 30 phút không được ra ngoài… Tôi nghĩ với những bé trầm tính hay bé gái dễ bảo có thể hiệu quả nhưng với đứa trẻ lúc nào cũng luôn chân luôn tay như con tôi thì gần như là không thể. Thay vào đó, tôi phạt con ở nhà không được đi chơi cùng bố mẹ và em (vẫn có bà giúp việc ở nhà giám sát) hoặc phạt không cho con ăn một món yêu thích khi cả nhà cùng ngồi ăn...
- Hình phạt đơn giản và thực hiện được: Nhiều bố mẹ và bản thân tôi trước đây thường xuyên mắc lỗi đưa ra hình phạt một cách phi lý với con trẻ. Trong lúc nóng giận, người lớn thường có xu hướng đưa ra một điều rất đáng sợ để dọa trẻ nhiều hơn là nhằm mục đích phạt. Chẳng hạn: Con không nghe lời mẹ sẽ ném con qua cửa sổ ngay lập tức; bỏ ngay điện thoại của mẹ xuống, nếu còn tiếp tục nghịch mẹ chặt tay con bây giờ… Những câu nói “phũ mồm” như vậy thường chẳng có hiệu quả gì, thậm chí phản tác dụng vì lặp lại nhiều lần mà không làm, bé sẽ hiểu bạn chỉ nói suông và bé không phải sợ gì cả.
- Bố mẹ kiên định và thống nhất thực hiện hình phạt: Khi đã đưa ra hình phạt và thông báo với con, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải dứt khoát và nhất quán trong việc thực hiện theo đúng những gì bố hoặc mẹ đã nói. Có 3 thực tế trước đây tôi hay mắc phải: Một là mẹ phạt, con cứ lờ đi không thực hiện, mẹ nóng giận đánh đòn con. Thứ 2 là sau khi phạt, thay vì thực hiện bé quay ra gào khóc, ăn vạ rất rất lâu, mẹ sốt ruột nên lại tha, dỗ dành. Thứ 3, hình phạt của tôi đổ bễ giữa chừng vì ông xã bênh con và can thiệp.
Để có thể phạt được con hiệu quả, tôi đã phải đàm phán nghiêm túc với chồng, bàn bạc và thống nhất cách thực hiện đúng đắn nhất. May mắn với những thay đổi tích cực từ phía bố mẹ, con trai tôi cũng đã dần biết nghe lời và hợp tác hơn. Việc dạy con cũng có hiệu quả hơn và chính bản thân tôi cũng biết kiên nhẫn hơn. Tôi nghĩ, không có gì là quá muộn, mắc lỗi để nhận ra sai lầm và khắc phục được cũng là một thành công.
Tintuconline mời độc giả chia sẻ quan điểm và giải pháp về việc này bằng cách gửi mail về địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Chúng tôi xin cảm ơn! |
Khánh Vân/VietNamNet