Học sinh Nhật được dạy văn minh công cộng thế nào?

Môn học Đạo Đức tại Nhật Bản giữ vai trò nuôi dưỡng tâm hồn học sinh, giúp các em có tính tự lập, trân trọng mọi sự vật và có ý thức văn minh công cộng từ rất sớm.

Môn học Đạo Đức tại Nhật Bản giữ vai trò nuôi dưỡng tâm hồn học sinh, giúp các em có tính tự lập, trân trọng mọi sự vật và có ý thức văn minh công cộng từ rất sớm.

Chị Nguyễn Tâm Như (sinh năm 1983, sống tại Osaka), có con học trường tiểu học Hibiya, tâm sự, lần đầu tiên đọc cuốn sách Đạo Đức của học sinh Nhật Bản, chị thật sự rất bất ngờ.

Trang 1 của cuốn sách in lời nhắn nhủ của nhà xuất bản:“Bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa, các em hãy mở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống, điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của mình”.

Chị Tâm Như cho rằng: Đối với người Nhật, sách giáo khoa Đạo Đức đảm đương vai trò nuôi dưỡng tính nhân văn, dạy trẻ biết suy nghĩ cho người khác, học về bản thân, cách giao tiếp, ý thức, văn minh công cộng để mọi người tự tin sống tích cực và tốt đẹp hơn.

Hoc sinh Nhat duoc day van minh cong cong the nao? hinh anh
Cuốn sách giáo khoa Đạo Đức của học sinh lớp 1 tại Nhật Bản.

Đề cao vai trò con người

Bộ môn Giáo dục Đạo Đức tại Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước này. Môn Đạo Đức có mặt trong tất cả các kỳ thi vượt cấp và thi đại học. Học sinh muốn ứng tuyển vào trường đại học, hồ sơ phải có bài luận về môn Đạo Đức. Nước Nhật nghèo tài nguyên, vì vậy người Nhật đề cao giá trị con người, coi con người là “nguyên khí”, là “tài sản” của quốc gia.

Chị Nguyễn Minh An (sinh năm 1977, sống tại Nakano, Tokyo), có con đang học trường trung học Horikoshi. Chị cho hay, điều cơ bản của giáo dục Nhật là “học bày tỏ suy nghĩ riêng, và thực hành điều đó hàng ngày”. Nhà trường yêu cầu gia đình, hàng xóm, họ hàng cùng giáo dục đạo đức cho học sinh mỗi ngày.

Từ lớp 1, trẻ em học cách chia sẻ suy nghĩ, thể hiện ý kiến cá nhân. Cô giáo chỉ đóng vai trò tổ chức lớp học, đưa ra câu hỏi, chứ không dạy đọc - chép.

Cuốn sách Đạo Đức tại Nhật có 4 phần. Phần 1 giúp khám phá bản thân, tạo thói quen sinh hoạt đúng quy tắc, tự giải quyết vấn đề không nhờ vả người khác, sống trung thực ngay thẳng, không nói dối, không làm điều xấu.

Phần 2, học sinh được dạy chào hỏi, giúp đỡ và sống đoàn kết với mọi người.

Phần 3, trẻ em được giảng dạy về sự quan trọng của sự sống như con người, động vật, cây cỏ. Đặc biệt, học sinh cần nghĩ rằng, bản thân mình cũng là điều kỳ diệu tuyệt vời.

Phần cuối, học sinh học về văn hóa công cộng. Công viên, nhà ga, đường phố… đều là của chung, nên phải có những quy tắc ứng xử phù hợp, nhằm giữ gìn cho cả cộng đồng. Ngoài ra, các em cần yêu lao động, tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Nhà trường yêu cầu gia đình giữ sách Đạo Đức từ lớp 1 đến lớp 9 của học sinh và các em không được phép vứt sách Đạo Đức cũ đi.

“4 hành động im lặng” nuôi dưỡng tâm hồn

Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, cả thế giới phải cảm phục hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ và di chuyển trong im lặng mà không náo loạn hay tranh giành. Đây là kết quả của là bài học đạo đức đầu tiên tại Nhật.

Hoc sinh Nhat duoc day van minh cong cong the nao? hinh anh
Người Nhật xếp hàng và giữ trật tự trong những lúc khó khăn nhất.

“4 hành động im lặng” là triết lý giáo dục sâu sắc tại Nhật Bản, bao gồm: Đọc sách buổi sáng trong im lặng, vệ sinh lớp học trong im lặng, suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng.

Cô Yanaka Fumoshi (giáo viên Trường quốc tế Osaka) cho biết, các trường học tại Nhật dành 15 phút buổi sáng để học sinh đọc sách trong không khí yên tĩnh. Các em được đọc những cuốn sách yêu thích, có thể tự mang đi, hoặc mượn từ thư viện. Việc này giúp học sinh đọc sách nhiều hơn.

Cô cũng thông tin tại "đất nước mặt trời mọc", việc lau dọn lớp học là của học sinh. Đây là bài học để các em “biết suy nghĩ đến người khác”, “biết ơn mọi người”, và rèn luyện tính nhẫn nại, sự tinh ý, tinh thần vươn lên.

Đặc biệt, công việc này sẽ làm trong sự im lặng, tập trung của tất cả học sinh. Sau đó, cả lớp ngồi im lặng suy nghĩ trong vòng 1-2 phút, giúp học sinh chỉnh đốn tác phong, tĩnh tâm.

Cuối cùng là bài học “im lặng khi di chuyển”. Bất cứ ở nơi nào tập trung đông người, học sinh Nhật được dạy giữ im lặng, di chuyển nhẹ nhàng, nhanh gọn, giữ trật tự, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng người xung quanh.

Văn minh công cộng hình thành từ nền giáo dục hiệu quả

Do được giáo dục kỹ về lý thuyết, thực hành, bài học gắn với thực tế mỗi ngày, mà học sinh Nhật Bản hình thành văn minh công cộng từ rất sớm.

Cô Trương Lan Hà (sinh năm 1968) có nhiều năm sống cùng gia đình tại "xứ sở hoa anh đào". Cô kể, người Nhật dạy con những điều rất cơ bản, rất nhỏ bé, nhưng đều đặn mỗi ngày, không quát mắng, không dọa dẫm, nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc.

Hoc sinh Nhat duoc day van minh cong cong the nao? hinh anh
Học sinh Nhật Bản được giáo dục trân trọng mọi loài động vật, cây cỏ.

Cô từng chứng kiến một người mẹ Nhật dạy con “thấy bất cứ nơi nào vòi nước chảy, đóng vòi nước ngay, thấy ánh điện, quạt chạy không người dùng, phải tắt điện ngay".

Ở trường, học sinh tự trồng rau, khoai tây, cà rốt để ăn. Cuối giờ học, cả lớp đồng loạt đứng lên nói: “Cảm ơn thầy đã dạy học cho chúng em”. Trước bữa trưa, học sinh xếp hàng nói cảm ơn đầu bếp: “Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”.

Cô Lan Hà nhận xét, những điều tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé nhưng lại giúp người Nhật rèn luyện tính tự tập, sạch sẽ, trân trọng mọi sự vật, tôn trọng mọi người, nâng niu sự sống, ứng xử văn mình trong từng việc nhỏ.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.