Biếng ăn là tình trạng chung xảy ra chủ yếu với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng biếng ăn sẽ được cải thiện sau một thời gian chán ăn bé sẽ tự khắc muốn ăn, tuy nhiên số đó không nhiều. Đối với một số trẻ nhỏ tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, thậm chí còn ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Điều này chính là nỗi lo của rất nhiều phụ huynh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng Nhi khoa, việc thay đổi khẩu phần ăn, thay đổi nhóm dinh dưỡng cho trẻ hay thay đổi cách thức trang trí món ăn cũng là một cách "refesh" thực phẩm kích thích trẻ chán ăn thèm ăn hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần phải tham khảo một số phương pháp trị biếng ăn cho trẻ được áp dụng từ các nghiên cứu khoa học hoặc các kinh nghiệm nuôi dạy con từ nhiều nước trên thế giới.
Anh Vỹ Long và bé Soda
Bé Soda (20 tháng tuổi), tên thật là Đinh Vĩ Hoàng Sơn, là con trai ông bố trẻ Vỹ Long (kỹ sư xây dựng ở Sài Gòn) cũng đã từng có những khoảng thời gian lười ăn.
Theo chia sẻ của anh Vỹ Long, Soda được nuôi dưỡng trong môi trường “tích cực”, bé lúc nào cũng vui vẻ, hoạt bát, và rất tò mò. Tuy nhiên, về chuyện ăn uống, bé cũng có lúc không chịu ăn uống, bất hợp tác với bố mẹ.
Không để tình trạng này tiếp tục kéo dài, anh Long cùng vợ (chị Hòa) quyết định tìm hiểu nhiều phương pháp để áp dụng cho con, tránh trường hợp con bỏ ăn dài ngày sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Dưới đây là 4 mẹo hay mà anh Long sau khi áp dụng thành công cho Soda, giúp con hoàn thành bữa ăn ngon lành mà cha mẹ không phải đau đầu thúc ép.
Chị Hòa và anh Long cùng chung tay tìm cách trị chứng biếng ăn cho con Soda.
(Bài viết được đổi cách xưng hô “ba Long”, “mẹ Hòa” theo yêu cầu của tác giả)
#Mẹo_số_1: Bất chiến tự nhiên thành.
Có hôm Soda lười ăn, “mẹ Hòa mê li” (nick name đặt cho mẹ Hòa, được ba Long và Soda nhất trí cao độ) mới để 1 dĩa trái cây trên cái bàn nhỏ vừa tầm với của Soda. Chỉ để đấy và không nói gì. Không "rắc thính câu like", không chào mời dụ dỗ ép buộc. Soda tha thẩn chơi trong nhà, thỉnh thoảng chạy lại nhón 1 miếng nho, rồi 1 lát sau quay lại măm thêm miếng xoài. Chẳng mấy chốc, đĩa trái cây sạch veo.
Mẹo này ít tốn công sức nhất, và cũng khá hiệu quả.
#Mẹo_số_2: Mãn thiên quá hải.
Đây là 1 trong “Tam thập lục kế”, trong đó 1 vị quân sư mời nhà vua vào ngôi nhà của mình để đàm đạo. Ngôi nhà này thực chất là 1 cái thuyền khổng lồ, giúp nhà vua vượt biển mà không bị say sóng (do tâm lí sợ biển).
OK, giờ đến phần áp dụng cho Soda.
Có mấy hôm “Soda diệu kì” biếng ăn do bị bệnh, “ba Long biết tuốt” vừa đút cho Soda ăn vừa kể 1 câu chuyện với giọng điệu vô cùng hào hứng: “Hôm nay ba đi làm, gặp 1 bạn hươu cao cổ. Ba hỏi bạn ấy đang làm gì thế. Hươu cao cổ nói là đang ăn lá cây. Rồi ba thấy bạn hươu cao cổ há miệng to, ăn rất giỏi. Bạn ấy cũng rất thích những em bé há miệng to và ăn giỏi. Soda cũng há miệng to nha”. Có thể biến tấu 1 chút tùy theo từng hôm, thay thế “hươu cao cổ” bằng “con lửng”, “sư tử”, “bọ cạp”, (nói chung là nói những con vật mà Soda đã biết), nhưng tập trung mạnh vào từ khóa “há miệng to”.
Bé Soda có hứng thú hơn với việc ăn uống khi được ba Long kèm cặp từng li từng tí.
Lại tỉ tê 1 chút về cái từ “há miệng to” này. Số là ba Long đã kiên trì xây dựng khái niệm “há miệng to” cho Soda từ hồi tập ăn. Nếu gia đình có bố mẹ ở các vùng miền khác nhau, thì hãy cùng thống nhất từ khóa để dạy con nhé. “há miệng to”, “há mồm ra”... Thống nhất được cụm từ nào thì dùng xuyên suốt cho bé luôn.
Lại nữa, khi Soda đang tập trung nghe câu chuyện, và đột nhiên nghe đến cụm từ quen thuộc “há miệng to”, cộng với việc thấy ba Long cũng đang há to như thể sắp ăn, thì vùng não điều khiển cái việc “há miệng to” nó sáng lên, gửi mấy bức tâm thư đến cơ miệng, thế là Soda bất giác “há miệng to” mà không hề chủ ý.
Cách này rất tốn noron (để bịa ra câu chuyện), và chỉ áp dụng khi bé biếng ăn bệnh lí thôi nha bạn, đừng lạm dụng nó.
#Mẹo_số_3: Dương đông kích tây.
Bữa nọ mẹ Hòa làm món sinh tố chuối xoài, Soda cứ lắc đầu quầy quậy. Đột nhiên, 1 đám noron thần kinh lạ mặt sáng lên, khiến cho mẹ Hòa thông minh đột xuất. Mẹ Hòa nghĩ ra 1 diệu kế, cười thầm "he he he" mấy tiếng rồi quay sang nói với Soda.
“Soda ơi, con không uống sinh tố, vậy 2 mẹ con mình mang sinh tố cho bạn sóc nhé.”
Rồi 2 mẹ con xuống chỗ cái cây hay xuất hiện bạn sóc, mẹ Hòa cẩn thận để bình sinh tố bên bãi cỏ, rồi í ới gọi: “Bạn sóc ơi, bạn sóc đâu rồi. Xuống đây mà uống sinh tố nè. Bạn ấy đi đâu rồi nhỉ. Chắc là bạn sóc đang ở trong lùm cây kiếm mồi rồi”. Nói chuyện vu vơ 1 hồi thì anh Soda chạy lại cầm bình sinh tố tu ừng ực như thể thèm khát lắm, khác hẳn với cái cậu Soda chảnh chọe cách đây ít phút. Soda uống sinh tố xong rồi, chừa lại chút chút dưới đáy bình rồi nói: “Con chừa lại 1 chút cho bạn sóc”.
Hề hề. Soda vừa uống sinh tố, lại được thêm 1 bài học về sự chia sẻ. Đây gọi là “nhất tiễn hạ song điêu” vậy.
Bé Soda khỏe mạnh, đáng yêu nhờ phương pháp nuôi dạy khoa học của bố Long.
#Mẹo_số_4: Bình mới, rượu cũ
Nếu bạn đã từng đọc qua tác phẩm “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, thì sẽ biết nhân vật chính trong chuyện đã khăng khăng rằng: “Ăn cơm trong thau ngon hơn trong tô”.
Ba Long cũng còn nhớ như in cái lần đầu tiên tự xới cơm ra dĩa, có miếng thịt ram và quả dưa leo mà cảm giác như ăn sơn hào hải vị. (ăn muỗng+ nĩa trong đĩa thay cho ăn trong chén).
Hôm nọ mẹ Hòa thử cho Soda uống sinh tố trong… bình sữa, uống sữa trong… ly rượu, thấy Soda có vẻ hào hứng và uống được nhiều hơn thường ngày.