- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Nghỉ học thêm, quyết cho con học bơi vì sợ bị đuối nước
Đó là một thực tế đang diễn ra, khi các bậc phụ huynh “tỉnh ngộ” nhận ra rằng, nếu biết bơi khi gặp nạn ở sông, hồ... con sẽ biết tự cứu mình.
Đó là một thực tế đang diễn ra, khi các bậc phụ huynh “tỉnh ngộ” nhận ra rằng, nếu biết bơi khi gặp nạn ở sông, hồ... con sẽ biết tự cứu mình.
Trước thực trạng đó, để phòng chống đuối nước cho trẻ, rất nhiều gia đình đã bỏ tiền triệu thuê hồ bơi, huấn luyện viên để cho con học bơi. Theo nhận định của các chuyên gia đây là hành động cần thiết và suy nghĩ tích cực của các bậc phụ huynh, nhằm giúp trẻ có thêm kỹ năng sống và biết tự sinh tồn khi gặp nạn. Vậy, thực tế của việc cho trẻ đi học bơi là như thế nào? Mục đích là gì? Cũng như những hướng dẫn của các huấn luyện viên, bác sĩ khi gặp phải tai nạn đuối nước ra sao?...Tất cả sẽ được giải đáp qua tuyến bài dưới đây: Bài 1: Nghỉ học thêm, quyết cho con học bơi vì sợ bị đuối nước Bài 2: Hướng dẫn cách học để sau 4 ngày bơi được như ếch Bài 3: Chuyên gia hướng dẫn người không biết bơi ứng phó khi bị đuối nước Bài 4: Kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước ai cũng nên biết |
Bỏ tiền triệu cho con học bơi
Đó là thực tế đang diễn ra hàng ngày tại các bể bơi ở Hà Nội, và lý do được các phụ huynh lý giải cho việc sẵn sàng “móc hầu bao” cho con đi học bơi đó là: lo sợ một ngày nào đó, khi đi đâu đó tai nạn sẽ xảy đến với con mình.
Điều đó có thể thấy được, suy nghĩ về việc rèn luyện kỹ năng sống cho con trẻ đang được các bậc phụ huynh rất quan tâm. Nhiều phụ huynh thậm chí còn không quan tâm đến việc bơi rèn luyện sức khỏe, mà chỉ cần làm sao cho con biết bơi để tự cứu mình nếu có tai nạn xảy ra.
“Mục đích của tôi khi quyết định chi 150.000 đồng/ngày để cho cháu đi học bơi là để khi không may ngã xuống nước cháu có thể tự cứu được bản thân mình trước, còn việc tốt cho sức khỏe thì tôi không chắc, vì không phải mình đi bơi thường xuyên như vận động viên”, chị Thanh Hào đang cho con đi bơi ở Làng Quốc tế Thăng Long (Nghĩa Tân – Cầu Giấy) chia sẻ.
Còn chị Hoàng Ngọc Diễm Quỳnh, đang cho con đi học bơi ở bể bơi Tuổi trẻ (Võ Thị Sáu – Hà Nội) cho biết: “Con tôi năm nay 10 tuổi nhưng cháu chưa biết bơi, cũng định cho cháu đi học bơi mấy lần, nhưng do bận học hè nên chưa có thời gian.
Năm nay, chưa vào hè đã nghe thấy những vụ chết đuối thương tâm quá, nên quyết định gác chuyện học thêm thanh nhạc của cháu lại 1 tháng để cho đi học bơi. Khi cháu biết bơi rồi, gia đình đi du lịch hay đi về quê ở những vùng có sông nước cũng đỡ lo hơn”.
Nói về chi phí cho cháu học bơi, chị Quỳnh chia sẻ: “Cũng chẳng ít ỏi gì đâu, một khóa học của cháu cũng hết gần 2 triệu. Nhưng dù khó khăn cũng nên cho cháu đi học, vì có những lúc tiền không thể mua được tính mạng con người”.
Những suy nghĩ trên của chị Quỳnh cũng là suy nghĩ chung của không ít bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi, thậm chí có những trường hợp gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà trọ nhưng bố mẹ vẫn dành dụm để hàng ngày cho con đi bơi, với hy vọng biết bơi là biết tự cứu mình.
Cho con đi bơi nhưng phụ huynh lại không biết bơi
Qua khảo sát tại các bể bơi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, rất nhiều ông bố, bà mẹ khi đưa con đến bể để học bơi nhưng thực tế bản thân mình cũng không biết bơi. Theo đó, tại hồ bơi Cung văn hóa Lao động và hồ bơi CLB Yết Kiêu (quận 1) mới khoảng 16h, tại đây đã đông nghịt người đang bơi lội, nhất là trẻ em lứa từ 7 – 15 tuổi.
Xung quanh hồ bơi có rất nhiều bậc cha mẹ ngồi xôm tụ lại trò chuyện, chốc lát lại đưa mắt xuống bể bơi dõi tìm con xem đang tập luyện như thế nào. Có cha mẹ ngồi bên cạnh xem con tập rồi chụp hình con bơi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, đưa con đi bơi, nhưng bản thân mình có biết bơi hay không? chị Phạm Thị Noan (38 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) cười rồi lắc đầu nói: “Tôi là tôi sợ cho mấy đứa con lỡ sau này có đi chơi đâu, đuối nước khi không biết bơi thôi chứ tôi tập bơi làm chi, tôi không biết bơi đâu. Thật đấy!”.
Tại hồ bơi Tuổi Trẻ (Võ Thị Sáu – Hà Nội), phải hỏi đến 7 phụ huynh mới có 1 phụ huynh biết bơi. Chia sẻ với phóng viên, chị Quỳnh (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, mình đã biết bơi từ bé, nhưng khi đưa con ra hồ bơi cũng chỉ bơi kèm với con chứ việc dậy cháu bơi vẫn là huấn luyện viên.
“Tất nhiên, việc bố mẹ biết bơi xong đi bơi cùng con thì cháu sẽ tự tin hơn mà mẹ cũng an tâm hơn khi con ở dưới nước”, chị Quỳnh cho biết. Theo chị Quỳnh, phụ huynh chắc chắn học bơi nhanh hơn trẻ nhỏ, bởi vậy các bậc phụ huynh cũng nên đi học bơi, vì không chỉ vì mục đích cho con tự tin, mà còn là giúp cho mình một kỹ năng sống.
Qua khảo sát ý kiến tại các hồ bơi, đa số phụ huynh đều xác nhận, việc biết bơi là rất tốt, kể cả là người lớn hay trẻ nhỏ, bởi không ai biết trước tai nạn sẽ đến lúc nào và tai nạn chắc chắn sẽ không chừa một ai.
Chị Tố Uyên (Võ Thị Sáu – Thanh Nhàn -Hà Nội) cho biết: “Tôi không phải ngại ngùng gì cả, tôi nói thẳng luôn là tôi không biết bơi. Vẫn biết học bơi, biết bơi được là rất tốt cho bất kỳ ai, nhưng vì công việc, thời gian thậm chí là kinh phí… nên có những người không thể học bơi được mà chỉ đầu tư cho con đi học. Tôi nghĩ, đầu tư cho con là đầu tư cho tương lai, chứ không nên suy nghĩ, bố mẹ không biết bơi, thì đừng cho con đi bơi”.
Trước những ý kiến của các bậc phụ huynh, HLV Phạm Huy Hoàng (bể bơi Tuổi trẻ, ởVõ Thị Sáu – Thanh Nhàn – Hà Nội) cho biết, việc phụ huynh đưa trẻ đi bơi, nhưng bản thân không biết bơi rất phổ biến hiện nay. Vẫn biết việc đưa trẻ đi học bơi là rất tốt và cần thiết, nhưng nếu bố mẹ cũng biết bơi sẽ tốt hơn gấp nhiều lần.
Theo lý giải của HLV Huy Hoàng, nếu bố mẹ biết bơi sẽ hỗ trợ cùng trẻ khi học bơi, giúp trẻ biết bơi nhanh hơn vì thường trẻ hay ngại khi người lạ dậy bơi… Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác, đó là chính bản thân những bậc phụ huynh đó đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng sống rất thiết thực và bổ ích.