Vụ 9 học sinh chết đuối: Nên đưa bơi lội vào nhà trường

"Chúng ta đang sống trong môi trường mà thường xuyên tiếp xúc với nước. Trẻ con Việt Nam sinh ra đã đối mặt với nước. Thế nên, môn bơi cần phải có trong trường học, các em càng được học sớm càng tốt", thầy giáo Kiền nêu ý kiến.

"Chúng ta đang sống trong môi trường mà thường xuyên tiếp xúc với nước. Trẻ con Việt Nam sinh ra đã đối mặt với nước. Thế nên, môn bơi cần phải có trong trường học, các em càng được học sớm càng tốt", thầy giáo Kiền nêu ý kiến.

Tử thần mang tên... Dòng sông


Đau đớn quá, xót xa, bàng hoàng quá... có lẽ giờ này không có từ ngữ nào lột tả hết được tột cùng của sự mất mát, bi thương của gia đình 9 em học sinh bị đuối nước ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi. Các em đang là học sinh của trường THCS Nghĩa Hà và học cùng một lớp.

Vì yêu thích bơi lội mà cũng có thể chỉ là một phút ham vui, ham chơi trong tiết trời oi nóng mà con sông quê Trà Khúc trông bình lặng đã nhấn chìm, cuốn xoáy các em một cách vô hồn. 9 bạn nhỏ ra đi khi đang học dang dở lớp 6, khi buổi lễ tổng kết cuối năm học cũng chỉ còn tính theo tuần.
vu 9 hoc sinh chet duoi: nen dua boi loi vao nha truong - 1
Khúc sông nơi 9 em nhỏ bị chết đuối.

vu 9 hoc sinh chet duoi: nen dua boi loi vao nha truong - 2

Tang thương bao trùm cả một khúc sông chỉ trong ngày hôm nay thôi nhưng gia đình các em phải sống trong mất mát quá lớn của cả quãng đời và những bạn chung lớp học sẽ trải qua nỗi ám ảnh theo năm tháng. Liệu rằng các em còn dám đụng vào nước không khi mỗi ngày các em đến lớp có đến 9 chiếc ghế từ nay sẽ bị bỏ trống???

Từ khóa mà không ai muốn tìm kiếm là "học sinh bị đuối nước"; "học sinh chết đuối"... nhưng mỗi năm lại tăng thêm nhiều dữ liệu.

Theo thông tin từ Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi ngày trung bình trên toàn quốc có 10 trẻ em tử vong do đuối nước và có khoảng 3.500-4.000 người chết đuối mỗi năm. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển.

15 tỉnh, thành phố có số trẻ em đuối nước cao nhất toàn quốc là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định, Đắc Lắc, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Phòng, Long An, Thái Bình.

Chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014 có 76 em chết đuối. Năm 2015, chỉ trong 6 tháng đầu năm có tới 30 em.

Nói về lý do, đầu tiên phải nhấn mạnh môi trường sống của các em không an toàn. Nước ta có quá nhiều sông, suối, ao hồ, kênh rạch, hàng năm gánh chịu lũ lụt, thiên tai. Tuy nhiên, lý do quan trọng khác đó là nhận thức của người dân về tai nạn đuối nước trẻ em chưa cao trong khi bản thân trẻ nhỏ lại chưa có kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Nhiều em không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước nhưng rất nhiều em lại thích chơi đùa gần sông, suối.

Đưa bơi lội trở thành môn học?

Bơi lội chưa bao giờ lại trở nên cấp thiết cần phải học như bây giờ và càng phải được đẩy mạnh trở thành môn học chính thức trong nhà trường để hạn chế được phần nào tai nạn thương tâm vẫn hàng ngày rình rập các em.

Thầy giáo Phan Văn Kiền, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, đối với giáo dục phổ thông, ngoài những kiến thức cần được trang bị để học các cấp tiếp theo, một yêu cầu quan trọng nữa là dạy và định hướng cho học sinh cách làm người. Theo thầy Kiền: "Một nền giáo dục có văn hoá, theo tôi, là một nền giáo dục dạy cách làm người trên cơ sở văn hoá của chính xứ sở họ đang sống.

Chúng ta đang sống trong môi trường mà thường xuyên tiếp xúc với nước. Trẻ con Việt Nam sinh ra đã đối mặt với nước. Hay nói như nhiều nhà nghiên cứu văn hoá vẫn nói: Về cơ bản, văn hoá Việt Nam có thể gói gọn trong một chữ Nước.

Bởi vậy, theo tôi, một trong những kỹ năng cơ bản cần trang bị cho học sinh khi lớn lên là cách ứng phó với nước. Thế nên môn bơi lội là môn không thể thiếu trong trường trung học cơ sở, thậm chí là tiểu học Việt Nam".
vu 9 hoc sinh chet duoi: nen dua boi loi vao nha truong - 3
Nên đưa bơi lội trở thành môn học (Ảnh Infonet)

Thầy Kiền cho rằng, nên đưa môn bơi lội trở thành môn học chính thức trong nhà trường. Tuy nhiên, ý kiến này nhận được nhiều nghi ngại tính khả thi bởi không phải trường nào cũng có điều kiện xây bể bơi cho học sinh. Trao đổi với chúng tôi, vị giảng viên này nhấn mạnh: "Thực ra chúng ta hay đặt ra các tiêu chuẩn, và hay lệ thuộc vào đó. Nên nhớ rằng mục tiêu của việc dạy bơi là để học sinh làm quen và ứng phó được với môi trường nước.

Ở nhiều địa phương, người dân vẫn sinh hoạt bằng nước ao. Cho nên việc xây dựng bể bơi không nhất thiết phải như bể bơi chúng ta vẫn bơi ở thành phố. Mỗi trường hoàn toàn có thể đủ kinh phí để xây một bể bơi lát gạch men, thậm chí không lát gạch mà dùng vữa trát cũng được. Hệ thống nước chỉ cần thiết kế để có thể bơm nước vào, thay ra hàng tuần hoặc hàng tháng.

Chúng ta nên hình dung việc dạy bơi như là việc hướng dẫn cho học sinh tắm sông một cách chủ động và có các kỹ năng ứng phó với nước, thay vì ngồi nghĩ ra việc phải có bể bơi tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ. Học sinh ở các vùng quê vẫn tắm sông, thâm chí tắm ao thường xuyên.

Về đồng phục bơi, ở các vùng khó khăn, học sinh cũng không nhất thiết phải mặc đồ bơi tiêu chuẩn mới có thể bơi được. Hàng ngàn người trẻ ở nông thôn lớn lên biết bơi có cần bộ quần áo tiêu chuẩn nào đâu!

Cho nên vấn đề này cần được tiếp cận dưới góc độ nó là vấn đề khẩn thiết, bắt buộc phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho học sinh, chứ đừng tiếp cận dưới góc độ tiêu chuẩn. Nhiều môn thể dục ở các địa phương vẫn dạy theo kiểu này. Thí dụ: Môn điền kinh, học sinh thường chạy quanh một cánh đồng hay một làng chứ lấy đâu ra đường chạy tiêu chuẩn. Hay sân bóng đá, sân bóng chuyền… cũng tương tự".

Chia sẻ thêm về kỳ vọng của mình, thầy Kiền cho biết: "Thực ra ở Việt Nam từ lâu nay, nhiều đề xuất vẫn chỉ là đề xuất. Cho nên nói là kỳ vọng thật lớn thì tôi cũng không dám. Nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tân bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ như tôi biết là rất quyết đoán, cấp tiến (Bộ trưởng Nhạ là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tôi đang công tác), tôi hy vọng đề xuất này sẽ được Bộ bàn bạc kỹ để có những quyết sách phù hợp.

Tôi chỉ muốn khẳng định lại: Một nền giáo dục có văn hoá là giáo dục con người dựa trên nền văn hoá đặc thù của dân tộc họ".

vu 9 hoc sinh chet duoi: nen dua boi loi vao nha truong - 4
Thầy Phan Văn Kiền, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Thành Long)

"Tôi khẩn thiết đề nghị tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký ngay quyết định đưa hai môn học Bơi lội và Giáo dục giới tính thành hai môn chính thức trong chương trình đào tạo Trung học cơ sở (với Bơi lội, thậm chí là Tiểu học).

Vấn đề tầm quan trọng của các môn học này tôi xin không trình bày nữa vì ai cũng có thể thấy được mức độ khẩn thiết của nó, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Còn vấn đề về người dạy và đào tạo người dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể mở thêm ngành bơi lội ở các trường sư phạm thể dục thể thao, ngành sư phạm giáo dục giới tính trong cách trường sư phạm khác.

Mỗi năm, các trường đại học trên cả nước đều mở thêm rất nhiều ngành mới thì việc mở thêm hai ngành này trong các trường sư phạm không hề là vấn đề khó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ một vài năm lại thay hệ thống sách giáo khoa một lần, tôi nghĩ xây dựng thêm bộ sách cho môn bơi lội và giáo dục giới tính cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của Bộ".
















Theo Khám Phá

học sinh bị chết đuối

đuối nước


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.