- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Tâm sự của chàng trai nghèo "hái trái ngọt" khiến giới trẻ thức tỉnh
Thời sinh viên là những kí ức trường lớp với những “cuộc vui hết mình”, song cựu sinh viên Kinh tế lại khắc khoải chuỗi ngày vất vả của mình suốt 4 năm trên giảng đường
Thời sinh viên là những kí ức trường lớp với những “cuộc vui hết mình”, song cựu sinh viên Kinh tế lại khắc khoải chuỗi ngày vất vả của mình suốt 4 năm trên giảng đường.
Nội dung câu chuyện, là nỗi lòng của chàng trai trẻ (sinh năm 1992 và từng học trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) về gia cảnh khó khăn của mình, bon chen kiếm nguồn thu nhập để duy trì con chữ và hôm nay chàng trai ấy đã nhận được “trái ngọt” xứng đáng.
Từ mảnh đất nghèo “khăn gói” lên mảnh đất đô hội phồn hoa với bao cám dỗ và chi phí đắt đỏ, suốt 4 năm đại học anh chàng đã phải đi làm hết việc này đến việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống không những thế chàng trai 9X còn chi tiêu tiết kiệm, chắt chiu từng đồng để gửi về cho gia đình.
Những dòng tâm sự về bữa cơm vài đồng bạc chỉ toàn rau, chuyện bị gạt tiền làm thêm… đến ước muốn gia đình chỉ cần sống no đủ, hạnh phúc khiến ai cũng thấy cảm động, bồi hồi.
Sau đây là phần trích nguyên văn “nỗi lòng” của cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội:
"Ai cũng có 1 ước mơ, ước mơ của họ là thành công trong sự nghiệp, có 1 cô vợ xinh đẹp giỏi giang, giàu có, nhưng mình lại hơi khác mình chỉ mong gia đình mình no đủ. Mình xin chia sẻ 4 năm đại học của mình đã diễn ra như nào.
Nhà mình nghèo lắm, nhà có 4 người nhưng bố mình là thương binh không lao động được và bố cũng có tuổi rồi, chỉ ở nhà dạy mình với em trai mình học, nấu cơm, may mắn hồi đó mình học cũng thuộc dạng giỏi có tiếng trong làng.
Bốn miệng ăn phụ thuộc vào mẹ mình và mình, mình chỉ đi làm đồng, nuôi gà, nuôi lợn, giúp mẹ thôi, còn lại phải ở nhà học và chăm em giúp bố nữa.
Ở làng mình khi đó cũng chẳng làm được gì ra nhiều tiền cả ngoài việc làm công nhân xây dựng, còn nếu không thì phải đi làm xa, mà mẹ mình còn phải lo cho cả gia đình nên không đi làm xa được, mà hồi ấy thì có công trình hay có nơi nào xây dựng thì mới có cái làm, chứ không thì 2 mẹ con cũng chỉ ở nhà làm nông, mang rau, trứng ra chợ bán, lợn, gà thì đến kì mới bán được.
Ngày mình nộp đơn thi đại học, mình thì muốn vào quân đội vì ở đó người ta lo ăn, lo mặc, mình ở quê vất vả quen rồi nên vào đó cũng không sao, nhưng bố mẹ lại khuyên thôi cứ thi trường con thích, con có thích thì sau này còn mới đi làm được, với lại học mấy trường quân đội với công an không đi làm thêm được đâu.
Vậy là mình nộp đơn vào NEU vì mình rất thích kinh tế.
Năm nhất lên đại học, mẹ bòn ra được 10 triệu và mua 1 chiếc xe đạp cho mình, mẹ nói đây là tiền học, tiền thuê trọ mấy tháng đầu với thừa ra 1 ít thì cố gắng mua quần áo lấy vài bộ cho bằng bạn bằng bè đi học cho tốt.
Mình vui lắm, nhưng khi lên Hà Nội với 10 triệu đồng ấy, có bao nhiêu thứ phát sinh, nào là tiền đóng học, tiền đặt cọc nhà trọ, tiền mua sách vở và tiền ăn, tiền mua quần áo nữa, mình mua được có 1 bộ và 1 chiếc áo sơ mi.
Số tiền ấy ngay trong 2 tháng đầu tiên lên Hà Nội đã hết sạch rồi. Cũng may sau này mình là con thương binh nên được miễn học phí gần như 100%, với lại ở làng còn có tiền trợ cấp cho con của thương binh đi học đại học cũng kha khá, tiền đó thì mình kêu bố mẹ giữ lại để lo cho gia đình và nuôi em.
Những ngày tháng đầu tiên lên đại học là những ngày tháng khó khăn của mình, xa bố mẹ, xa gia đình, cái gì cũng phải tự lo.
Mình phải tự đi kiếm nhà trọ, rồi nhớ lại những bữa ăn chỉ dám ăn 6-10k, được 1 miếng thịt còn lại là rau, lạc hoặc rau đậu cùng cơm.
Thậm chí, có bữa thì ăn 1 cái bánh bao, có bữa thì lại đổi qua mì tôm, như vậy đa dạng được món ăn mà không bị ngán vì không tiết kiệm nhỡ có việc gì lại hết tiền.
Để trang trải thêm cuộc sống sinh viên, chàng trai này còn tìm đến những công việc làm thêm khác:
Tháng thứ 3 năm nhất, mình kiếm được làm bưng bê tại 1 quán cà phê, làm gần 1 tháng thì bị đuổi vì lý do là chậm và ăn nói không tốt, họ trả mình có 300 ngàn thôi. Mình thấp cổ bé họng nên cũng đồng ý chứ mà to tiếng chắc bị bà chủ đánh mất, họ đầu gấu lắm.
Đến tháng tiếp thì có 1 bạn trong lớp rủ mình đi làm gia sư. Từ ấy mình đi dạy thêm, mình chả dám nhận nhiều, nhận mỗi buổi dạy chỉ 80k vì sợ dạy không tốt nhưng nhà cô thuê mình trả mình 100k/1 buổi vì thấy mình dạy cũng được và 1 phần thương mình nữa.
Lúc đầu tiêu pha vẫn còn chưa biết làm thế nào cân bằng được, tháng nào thiếu thì về xin mẹ nhưng cũng chỉ xin 200-300k mua thêm mì tôm với gạo trứng rau thì mang từ quê lên rồi, 200-300k thiếu toàn là tiền kiểu đóng đột xuất.
Từ khi hết kì 1 là mình không phải xin mẹ nữa, chỉ có xin mẹ trứng, rau thị, ruốc, lạc, tương ở quê mang lên, tự ăn tự nấu thôi mà mình thích ăn cơm với tương lắm, mình cũng dễ ăn nữa.
Năm thứ 2 thì mình vẫn dạy thêm và học, mình còn đi phát tờ rơi, rồi đi dán quảng cáo nữa, không du lịch, không đi chơi, ít tụ tập bạn bè.
Mình cũng chỉ để ra được 1 ít gửi về cho bố mẹ chẳng đáng là bao, mỗi tháng để ra được khoảng 400k sau khi trừ các chi phí ăn ở đi lại.
Năm thứ 3 khi vào chuyên ngành thời gian có nhiều hơn, ngoài việc đi dạy thêm (lúc này mình dạy được 150k/1 buổi rồi) thì mình còn đi làm part-time, hồi đó còn đi làm dán bao bì, đóng gói hàng, dán nhãn mác,..v...v...vì mình cũng nhanh tay với lại bền, nhiều bạn làm được 1 thời gian thấy nản nên tự rút.
Mình làm nghề này thế thôi chứ được hơn 3 triệu/1 tháng đấy, cả tiền dạy thêm với phát tờ rơi, dán quảng cáo nữa mình phải được gần 5 triệu/1 tháng, có tháng được hơn.
Và tháng 4 năm đại học thứ 3, mình đã mua lại được cho mình 1 chiếc xe Dream tàu để tiện đi lại và 1 chiếc laptop hơn 5 triệu, từ ấy về quê không phải bắt xe nữa không phải đi xe bus nữa, mà mình cũng hàng tháng gửi về cho mẹ với bố và em được hơn 2 triệu.
Năm 3 ăn uống cũng đầy đủ hơn và cũng có gọi là 1 chút kinh phí để đi ăn uống với bạn bè, 1 tháng chắc được 1-2 bữa. Bố mẹ lo cho sức khỏe của mình lắm nhưng mình vẫn nói ko sao, có những hôm ốm vật ra vẫn phải đi làm, nhưng dần dần rồi quen, ốm lại tự khỏi thôi.
Sang năm thứ 4 thì mình không còn đi dạy nữa, mình chuyên tâm vào việc đóng gói bao bì sản phẩm và đi ship hàng.
Thu nhập 1 tháng cũng được hơn 6 triệu rồi, lúc này mình dành ra 3 triệu để gửi về cho bố mẹ, còn 3 triệu mình 1 phần chi trả cuộc sống sinh viên, 1 phần bỏ ra xem tiết kiệm để những dự định cho tương lai: như mua 1 chiếc laptop mới, laptop cũ chuyển về cho em dùng, mua những đồ dùng cho gia đình nữa.
Giờ mình đã ra trường được 2 năm rồi, đi làm với mức thu nhập cũng gần 10 triệu, gồm lương công ty 8 triệu, tiền mình đi ship hàng buổi tối được gần 2 triệu nữa.
Mình cũng để dành được kha khá tiền ở trên này rồi. Mình còn rất nhiều dự định nữa, nhất là sửa nhà mình ở quê, sửa xong sau này còn lấy vợ nữa chứ, nghĩ lại cũng buồn cười, từ học sinh cho đến bây giờ chả dám yêu ai, chả có thời gian cũng như tiền để mà yêu ấy.
Với mình thì không có gì to tát, chỉ cần gia đình mình vui, bố mẹ luôn vui vẻ và tự hào vì mình là được rồi. Với mình, mọi người dù có giàu có, có thành công thì cái cuối cùng họ cũng chỉ hướng tới vui và hạnh phúc mà thôi".
Trong bối cảnh các tệ nạn xã hội ngày càng đầy rẫy làm con người dần bị tha hóa, đánh mất đi chính con người của mình, sống buông thả và chỉ nghĩ đến bản thân.
Thì câu chuyện của nhân vật trên thật sự khiến nhiều người cảm thấy khâm phục trước nghị lực, bản lĩnh đương đầu với thử thách của cuộc sống và cảm động trước tình cảm thiêng liêng dành cho gia đình của mình.
Câu chuyện rất đỗi đời thường và bình dị của chàng trai trẻ này đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Ban đầu ai cũng nghĩ đây là những dòng trãi lòng của một bạn nữ nhưng thật ra đầy là câu chuyện hoàn toàn có thật của một bạn nam từng là sinh Kinh tế Quốc dân. Nhiều bạn trẻ gửi tỏ ra đồng cảm và khâm phục trước nghị lực vươn lên mạnh mẽ của nhân vật.
Facebook Cua Đầu Đỏ bình luận: "Thật khâm phục bạn! Chúc bạn sẽ đạt được điều mà bạn luôn mong muốn!".
Còn bạn Ngọc Linh thì bày tỏ: "Giỏi quá. Có thể bạn nghèo vật chất nhưng không nghèo về ý trí tinh thần. Cố lên nhé!".
Bên cạnh rất nhiều ý kiến tỏ ra khâm phục thì qua câu chuyện xúc động của chàng trai 9X này đã khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy xấu hổ trước cách sống và suy nghĩ tiêu cực của mình để từ đó có thêm động lực vượt qua mọi thử thách phía trước.
Facebook Đậu Tuấn Sơn không giấu khỏi sự hổ thẹn: "Đọc xong mình thấy hổ thẹn thật, 4 năm đại học chỉ học, ngủ với chơi game".
Bạn Phạm Bảo Tuyền bày tỏ nỗi lòng: "Khâm phục anh quá! Mình cũng là sinh viên nghèo, đói ăn nhưng không ý chí được như anh, suốt ngày chỉ biết ôm lấy cái điện thoại, học hành thì lười.
Cũng từng xách đít đi làm thêm rồi ấy, cũng dự định là tháng lương đầu tiên sẽ mua đồ cho mọi người đấy, thế mà do trục trặc bị quỵt mất lương luôn. cũng buồn, nhưng chẳng cãi được. Đời có luật nhân quả cả mà, thôi thì coi như bài học đầu đời cho mình vậy".