- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Tiến sĩ tâm lý: Học ngoại ngữ sớm trẻ dễ trầm cảm
Trong khi nhiều cha mẹ đua nhau cho con 3, 4 tuổi học ngoại ngữ vì coi đó là lứa tuổi vàng để tiếp nhận ngôn ngữ thì tiến sĩ tâm lý học Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cho biết, trẻ học ngoại ngữ sớm có thể gây ra rối loạn ngôn ngữ, thậm chí trầm cảm.
Nhiều cha mẹ đua nhau cho con đi học ngoại ngữ sớm với mong muốn con sẽ trở thành công dân toàn cầu. Ảnh minh họa internet. |
Con mới 3, 4 tuổi, nhiều cha mẹ cuống cuồng cho con đi học trung tâm ngoại ngữ có giáo viên người bản xứ với mong muốn con có thể “tắm” ngôn ngữ từ khi còn nhỏ. Chính vì thế, trung tâm ngoại ngữ dành cho trẻ mầm non “mọc lên như nấm”. Bố mẹ không tiếc tiền tiếc của, công sức đưa đón con, mong con sau này sẽ trở thành “công dân toàn cầu” bởi tin vào quảng cáo: 3-4 tuổi là lứa tuổi vàng để tiếp nhận ngôn ngữ hay trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt…
Trước việc các cha mẹ “cuồng” cho con học ngoại ngữ sớm, TS Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) khẳng định: Trẻ không nhất thiết phải cho học ngoại ngữ sớm vì sẽ gây ra rối loạn ngôn ngữ, thậm chí trầm cảm.
TS Vũ Thu Hương dẫn chứng bằng chính trường hợp của con gái chị: Con gái của tôi sang Đức cùng cha mẹ lúc 3 tuổi. Ở nhà con nói tiếng Việt, đến trường giao tiếp bằng tiếng Đức và con không nghỉ học buổi nào. Thế nhưng, năm 4, 5 tuổi, con không nói bất cứ thứ tiếng gì, dù tiếng Đức hay tiếng Việt. Con bị loạn ngôn ngữ nên phải giao tiếp bằng cách…chỉ chỏ. Từ một đứa trẻ tự tin, con rơi vào khủng hoảng, tự ti, co lại, đôi khi hung bạo (bởi không thể trình bày được suy nghĩ của mình) với bạn bè. Vì thế, con bị trầm cảm.
Là người nghiên cứu về giáo dục, tôi đã hiểu ra vấn đề của con và trợ giúp con tối đa. Vì thế, con đỡ hơn. Tuy nhiên, năm 6 tuổi, khi tôi về Việt Nam thì con lại gặp vấn đề với biểu hiện trầm cảm nặng hơn. Con đột nhiên không giao tiếp nữa. Tôi đã quyết định cho con về Việt Nam. Sống ở Việt Nam, con thoát khỏi cảnh song ngữ và dần lấy lại tự tin, thoải mái. Sau 3 tháng, con quên hẳn tiếng Đức.
Sau khi học chuyên Văn những năm THCS, đến năm lớp 10, con học tiếng Anh, Đức khá dễ dàng. Đó là do hiểu biết của con được mở rộng, được định hình rõ nét bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, khi học ngoại ngữ có thể hiểu ngay và ghi nhớ.
Học ngoại ngữ tốt, điều quan trọng là phải giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài. |
TS. Vũ Thu Hương cho biết, để học ngoại ngữ tốt, trẻ phải có sự hiểu biết tổng thể thật tốt (cả về vốn kiến thức lẫn khả năng diễn đạt). Thực tế, nhiều bạn trẻ có điểm tiếng Anh rất cao, nhưng khi gặp người nước ngoài là “im như thóc” vì “đầu rỗng, không biết nói gì”.
Ngoài ra, sau khi học ngoại ngữ 1-2 năm, nên đi du lịch hoặc làm việc tại các vùng nói ngôn ngữ đó hoặc thường xuyên nói chuyện với những người nói ngôn ngữ đó qua việc kết bạn trên mạng xã hội. Nếu thường xuyên sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là hàng ngày, sau vài tháng, ngoại ngữ sẽ trở nên thông thạo.
Việc đọc sách bằng ngoại ngữ đó cũng rất quan trọng. Ban đầu, cha mẹ hãy cho con đọc truyện ngắn và yêu cầu con kể lại cho cha mẹ nghe bằng tiếng Việt. Dần dần, rèn thói quen cho con đọc truyện dài hơn.
Điều lưu ý khi học ngoại ngữ là liên tục ôn luyện. Ngoại ngữ rất nhanh quên nếu không được sử dụng. Chính vì thế, trẻ không cần học ngoại ngữ sớm. Khi các con đã đủ hiểu biết và có sở thích, biết trách nhiệm của mình, các con sẽ học nhanh và có ý thức ôn luyện để không quên.