Học sinh sắp trở lại trường học tập trung, bố mẹ cần chuẩn bị gì cho con?

Covid-19 đã khiến việc học tập của các con bị ảnh hưởng rất nhiều. Thường ngày ở nhà luôn có bố mẹ ở bên hỗ trợ, nay phải đến trường trẻ sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng, đôi khi không biết xoay sở thế nào.

Sau một thời gian dài học sinh phải học online tại nhà do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Giáo dục đã có kế hoạch để học sinh các cấp ở vùng dịch quay lại trường học tập. Đây là điều rất nhiều bố mẹ mong muốn tuy nhiên vẫn khá lo lắng do dịch bệnh còn đang hoành hành, hơn nữa tinh thần, thói quen học hành của các con thời gian qua có phần đảo lộn, giảm sút. 

Vậy phụ huynh phải chuẩn bị gì cho trẻ khi đi học lại để đảm bảo an toàn và bắt nhịp tốt với thời khóa biểu mới? Mời độc giả cùng Tintuconline cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có sự chuẩn bị tốt nhất cả về thể chất và tinh thần cho con em mình trước khi đến trường.

Học sinh sắp trở lại trường học tập trung, bố mẹ cần chuẩn bị gì cho con?-1


Chuẩn bị tâm lý cho trẻ


Đây có thể coi là một trong những bước quan trọng nhất phụ huynh cần chú trọng cho con em mình khi chuyển từ học online ở nhà sang đến trường học trực tiếp. Thực tế, qua một thời gian dài học tập từ xa qua màn hình máy tính, khả năng tập trung của hầu hết học sinh đều bị ảnh hưởng, trẻ có phần ỷ lại, thiếu tự giác, kỹ năng giao tiếp giảm sút….  

Vì vậy, trước khi trẻ chính thức đi học lại sau nghỉ dịch, ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện, nhắc nhở trẻ về việc đi học; cùng trẻ thiết lập lại thời gian biểu sinh hoạt, kế hoạch học tập, chuẩn bị sách vở, tư trang trước khi  đi học. Nếu trẻ tỏ ra chán nản khi phải đến trường thì hãy giúp con tìm lại hứng thú học tập với những câu chuyện vui ở trường, những điều đang chờ đón con như sẽ được gặp lại bạn thân, được tham gia các hoạt động ngoại khoa ở trường,...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải cung cấp cho con thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, nhắc nhở con các biện pháp đảm bảo an toàn nhưng cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ thêm hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp… Tóm lại, hãy chuẩn bị cho trẻ tâm lý thoải mái, sẵn sàng gặp gỡ, khám phá điều mới khi đến trường học.

Rèn lại thói quen, tác phong thường ngày khi đi học tại trường

Đó là thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, thói quen ăn uống sinh hoạt đúng giờ, thói quen học bài, chuẩn bị bài... Bởi sau một thời gian dài học online tại nhà vừa qua thực sự lịch sinh hoạt của nhiều trẻ rất lộn xộn. Nhiều trẻ dậy muộn sát giờ học còn chưa kịp ăn sáng nên có tình trạng vừa học vừa ăn, bài vở không chịu ghi chép, thậm chí không chuẩn bị bài… Do vậy, bố mẹ phải điều chỉnh và rèn lại nhịp sinh học cho con khớp với khi học tại trường để khi trở lại học off-line trẻ không cảm thấy hụt hẫng hay mệt mỏi.

Ngoài ra, thời điểm này học sinh cần được tách dần khỏi thiết bị điện tử - là thứ quen thuộc nhưng lại dễ gây nghiện trong thời gian học tập trực tuyến vừa qua. Phụ huynh nên dành thời gian cho con ra ngoài tiếp xúc với bạn bè, người thân, cách ly khỏi thiết bị điện tử để chuẩn bị tâm thế cho con đi học trực tiếp trở lại. 

Học sinh sắp trở lại trường học tập trung, bố mẹ cần chuẩn bị gì cho con?-2

Nhắc con những điều cần làm ở trường, tốt nhất vẫn thực hiện 5K
 

Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ cần tăng cường nhắc nhở con biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch mọi lúc mọi nơi, tốt nhất vẫn là thực hiện 5K đầy đủ.

Cụ thể, cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể. 

Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang đúng cách. Dặn dò trẻ hạn chế tập trung ở những nơi đông người, sân trường. Chuẩn bị cho trẻ bình đựng nước, khăn mặt, khăn tay riêng để sử dụng nếu lớp học không có vật dụng riêng cho từng trẻ. Cần dạy trẻ không chia sẻ đồ dùng và ăn uống cùng bạn bè. Bởi virus và vi khuẩn có thể dễ dàng lây truyền qua đường nước bọt thông qua các vật dụng...

Ngoài ra, các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh đường hô hấp. Trước khi đi học, gia đình cần kiểm tra thân nhiệt của con. Nếu con trẻ có biểu hiện của ốm, sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin cho nhà trường được biết và liên hệ với các cơ sở y tế. Có thể, đây chỉ là biểu hiện của cảm cúm thông thường, nhưng bệnh cũng có thể lây lan cho các bạn học khác. Khi trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly. 

Học sinh sắp trở lại trường học tập trung, bố mẹ cần chuẩn bị gì cho con?-3

Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức đề kháng cho trẻ
 

Không chỉ dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng và thói quen lành mạnh, gia đình cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ thật tốt, tăng cường thể lực để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp con phát triển tốt nhất, có sức đề kháng để chống lại cảm lạnh, cúm và cách bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, ngủ đủ giấc, bổ sung các thực phẩm giàu protein. Tăng cường thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh. Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Bữa ăn của trẻ luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, đồ nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas, đồ ăn nhanh,...

Ngoài ra, cha mẹ nên nhắc con súc họng bằng nước muối trước khi đi ngủ và khi thức dậy, xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý để nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, không nên cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử nào khác khi có thời gian ngồi một chỗ.

Luôn tạo sự kết nối trẻ với nhà trường, thầy cô và bạn bè
 

Để trẻ không cảm thấy đột ngột hoặc không hào hứng khi đi học trở lại sau một kỳ nghỉ dài, ba mẹ nên thường xuyên để trẻ kết nối với thầy cô và bạn bè. Những giờ học online hoặc trò chuyện cùng bạn bè, thầy cô qua điện thoại sẽ giúp trẻ luôn nhớ về trường học. 

Ngoài ra, kết nối với nhà trường, thầy cô còn giúp phụ huynh cập nhật kịp thời các thông báo của trường; cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe của học sinh toàn trường để cùng nhà trường và các phụ huynh khác đề xuất và thống nhất phương án cho trẻ đi học trở lại sau nghỉ dịch đảm bảo an toàn. Qua đây, bố mẹ cũng sẽ nắm bắt kịp thời tình hình của con khi trở lại trường để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu cần thiết.

Học sinh sắp trở lại trường học tập trung, bố mẹ cần chuẩn bị gì cho con?-4

Quan tâm, động viên con
 

Covid-19 đã khiến việc học tập của các con bị ảnh hưởng rất nhiều. Thường ngày ở nhà luôn có bố mẹ ở bên hỗ trợ, nay phải đến trường trẻ sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng, đôi khi không biết xoay sở thế nào.

Vì vậy, bố mẹ hãy luôn quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để có những phương pháp hỗ trợ cho trẻ kịp thời và đúng cách nhất. Luôn khuyến khích con học tập, trở thành bạn thân thiết của con để chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong học tập. Bởi học là một quá trình dài, bố mẹ không nên quá áp đặt hay trách mắng trẻ. Hãy học cùng con, chơi cùng con và giúp con quay lại trường lớp sau dịch bệnh một cách thoải mái, an toàn và khỏe mạnh nhất.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con

Nuôi con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.