Nhiều người lao đầu vào bài kiểm tra tuổi thật của cơ thể: Chuyên gia nhận định thế nào?

"Có bạn nào quan tâm tuổi thật của cơ thể không? Nếu có, vậy thì cũng làm theo bài tập này để kiểm tra tuổi thật của cơ thể nhé!", "chuyên gia Tiktok" chia sẻ.

Xuất hiện trào lưu tự kiểm tra tuổi thật của cơ thể trên Tiktok thu hút nhiều người quan tâm

Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok đang xôn xao bàn tán về một bài tập được cho là giúp kiểm tra tuổi thật của cơ thể. Tức là, giờ đây bạn có thể đoán được bên trong cơ thể mình - bộ xương này ở độ tuổi nào - chỉ thông qua một bài tập.

Các "chuyên gia" trên Tiktok truyền tay nhau bài tập xác định tuổi thật của cơ thể bắt đầu bằng những lời khơi gợi như sau: "Có bạn nào quan tâm tuổi thật của cơ thể không? Nếu có, vậy thì cũng làm theo bài tập này để kiểm tra tuổi thật của cơ thể nhé!".


Bài tập được cho là giúp kiểm tra tuổi thật của bạn đang được nhiều người quan tâm trên Tiktok.

Bài tập kiểm tra tuổi thật của cơ thể đang lan truyền trên MXH được mô tả cụ thể như sau:

- Đầu tiên ngồi xuống bằng 2 gối, 2 chân mở rộng bằng vai.

- Xoay cánh tay để làm sao cánh tay chạm được vào gót chân tương ứng. Bên còn lại làm tương tự như vậy.

- Ngửa cổ xuống và thả lỏng, không được gồng cổ.

- Giữ nguyên tư thế này trong vòng 20 giây.

"Chuyên gia" Tiktok lưu ý, trong lúc đang ở tư thế này, bạn thả lỏng toàn bộ cơ thể vì càng gồng thì càng khó thực hiện. Bên cạnh đó cần nhắm mắt và hít thở đều đặn. Cứ từ tốn giữ, giữ được đến lúc nào thì giữ, không cần cố gắng quá.

"Nếu bạn giữ được 20 giây thì xin chúc mừng bạn, cơ thể của bạn đang ở độ tuổi 20. Nếu bạn giữ được không quá 10 giây thì cơ thể của bạn đang ở độ tuổi 30. Còn bạn có thể ngửa về sau, 2 tay không chạm gót chân thì cơ thể của bạn đang ở độ tuổi ngưỡng 50", video kết luận đanh thép.

Không ít chị em làm thử theo video này và để lại những lời bình luận phía dưới muôn hình vạn trạng cảm xúc. Có người sung sướng vì mình làm được mấy phút. Có người than không làm được vì tay bị trẹo. Cũng có người kêu trời khi thực tế mình 22 tuổi mà xương cốt như của người độ tuổi 50...

Nhiều người lao đầu vào bài kiểm tra tuổi thật của cơ thể: Chuyên gia nhận định thế nào?-1
Nhiều chị em cảm thấy khá lo lắng khi mình không vượt qua thử thách bài tập đặt ra.

Nếu như làm được như video đưa ra, dù chưa biết thực hư ra sao, chị em vẫn có thể cười nụ cười hạnh phúc. Thế nhưng rất nhiều người không thể làm được thì sao? Nhất là nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy khá lo lắng bởi chị em đa phần sợ già trước tuổi. Bây giờ bạn mới 20, 30 tuổi mà chỉ vì một bài kiểm tra "tuổi thật" như này phán cho bộ xương của người 50 tuổi, thử hỏi có ai lại không đau lòng. Thế nên, hôm nay, chuyên gia sẽ lên tiếng tìm lại công bằng cho những chị em đang đau khổ sau khi kiểm tra "tuổi thật" nhé!

Chuyên gia nói gì về bài tập xác định tuổi thật của cơ thể?

Theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), thực ra chẳng có bài tập nào có tác dụng xác định tuổi thật của cơ thể. "Mỗi người có một cơ địa khác nhau. Ví dụ như phụ nữ dẻo dai hơn đàn ông. Người hay tập luyện thể thao sẽ dẻo dai hơn người không tập luyện bao giờ. Người lưng dài, tay dài sẽ dễ làm động tác như trong video hơn người có lưng ngắn, tay ngắn...", BS Quang nói.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: "Đương nhiên càng không có một quy chuẩn nào là làm động tác này được bao nhiêu giây thì tương ứng tuổi thật của bạn là bấy nhiêu".

Nhiều người lao đầu vào bài kiểm tra tuổi thật của cơ thể: Chuyên gia nhận định thế nào?-2
Đây là bài tập con lạc đà khá quen thuộc trong yoga.

Thực chất, đây là bài tập con lạc đà khá quen thuộc trong yoga. Khi thực hiện đúng động tác này và giữ được lâu, nó sẽ giúp tăng sức mạnh cơ bắp, giảm đau lưng, tốt cho sức khỏe tiêu hóa, cột sống khỏe mạnh hơn.

Đối với chị em đang trong chu kỳ kinh nguyệt, thực hiện tư thế này sẽ giúp giảm đau bụng kinh. Chưa kể, nhiều chị em sẽ thích mê động tác này bởi sẽ giúp giảm mỡ đùi và bụng, tốt cho mở khớp hông, hỗ trợ điều trị rối loạn nội tiết...

Chính bởi lẽ đó, chuyên gia cho biết thêm, nếu chị em chúng ta làm động tác này đúng cách sẽ không gây hại gì cho sức khỏe. Thậm chí, thực hiện động tác con lạc đà thường xuyên, đúng cách còn giúp cơ thể được hưởng lợi sức khỏe đủ đường.

Nhiều người lao đầu vào bài kiểm tra tuổi thật của cơ thể: Chuyên gia nhận định thế nào?-3
Thực hiện động tác con lạc đà thường xuyên, đúng cách giúp cơ thể được hưởng lợi sức khỏe đủ đường.

Theo trường phái Yoga cổ điển, tư thế con lạc đà là một tư thế khá khó thực hiện, nhất là với những người mới tập, đòi hỏi phải có sự giám sát của người hướng dẫn. Nếu bạn đang gặp các vấn đề ở lưng, cổ hoặc bị các vấn đề liên quan đến huyết áp hãy tạm dừng tập tư thế này vì có thể khiến tình trạng đau lưng, đau cổ thêm trầm trọng cũng như nguy cơ tụt huyết áp nguy hiểm. Chưa kể, những người thường xuyên bị mất ngủ hoặc đang bị đau nửa đầu cũng không nên vội tập tư thế này, có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn.

Ngoài ra, mới tập yoga mà muốn thực hiện động tác con lạc đà có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ưỡn phần thân trên cũng như việc làm sao để tay chạm tới chân. Tốt nhất bạn nên thực hiệc từ từ, chậm rãi, cố gắng mỗi ngày một chút rồi sẽ có ngày bạn thực hiện được.

Đó là đối với những người muốn hưởng lợi từ việc tập luyện động tác này. Còn với những chị em chỉ muốn thực hiện để xác định tuổi thật của mình là bao nhiêu thì thôi có lẽ nên bỏ qua. Bởi với dân yoga thuần thục, họ có thể thực hiện động tác này đến vài phút chứ không đơn giản là mấy chục giây như thử thách bài kiểm tra đưa ra nhưng đâu phải ai cũng mãi mãi tuổi 20, đúng không nào?

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-lao-dau-vao-bai-kiem-tra-tuoi-that-cua-co-the-chuyen-gia-nhan-dinh-the-nao-16221010910091126.htm

trào lưu hot


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.