Dịch bệnh phơi bày mặt tối của dân lao động thu nhập thấp ở Nhật Bản

Nhiều người lao động bất đắc dĩ trở thành vô gia cư bởi các quán cafe Internet, "ngôi nhà" duy nhất họ có thể chi trả tiền thuê, bị đóng cửa do dịch Covid-19.

Chạy việc vặt ở các công trường cũng đủ để Takahashi trả tiền phòng tại quán cafe Internet trong thành phố Tokyo. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc không chỉ khiến anh mất việc mà còn đóng cửa cả chỗ trú thân hàng đêm của Takahashi.

Trong 2 tuần qua, người đàn ông 35 tuổi phải ngủ tại bến xe buýt của thành phố. Ngoài ra, anh cũng thường xếp hàng ở khu Shinjuku để nhận bữa ăn miễn phí từ một tổ chức hỗ trợ người vô gia cư mùa dịch.

“Nhiều công ty bị phá sản do dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng nhiều người thất nghiệp như tôi”, anh nói.

Dịch bệnh phơi bày mặt tối của dân lao động thu nhập thấp ở Nhật Bản-1Cafe Internet là "nhà" của nhiều người lao động Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.

Takahashi là một trong 4.000 “dân tị nạn” tại quán cafe Internet. Phần lớn trong số họ là người vô gia cư hoặc có thu nhập thấp. Trước khi dịch bùng phát, họ thường trả 17-28 USD/đêm để ngủ tại một quầy riêng rộng khoảng 2 m2 trong quán.

Tính đến ngày 3/5, theo Đại học Johns Hopkins, Nhật Bản ghi nhận hơn 14.500 ca lây nhiễm, trong đó có 487 trường hợp tử vong. Nhằm ngăn chặn nguy cơ lân lan dịch bệnh, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.

Mọi loại hình kinh doanh phải đóng cửa, bao gồm các quán cafe Internet. Những người thường sống tại đây buộc phải lang thang nơi khác tìm chỗ trú. Trước tình trạng này, chính quyền Nhật Bản đang gấp rút tìm nhà ở cho họ.

Tuy nhiên, đại dịch phơi bày một vấn đề lớn vốn tồn tại hàng thập kỷ qua.

Nơi trú ẩn "lạ kỳ" của người vô gia cư
Theo số liệu của chính quyền năm 2019, Tokyo có hơn 5.000 người vô gia cư dù nơi đây nổi tiếng là một thành phố giàu có. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Khoảng 4/5 trong số đó tị nạn tại các quán cafe Internet. Những người còn lại sống dưới gầm cầu, trong các thùng giấy hoặc dựng lều trong công viên, dọc bờ sông.

Dịch bệnh phơi bày mặt tối của dân lao động thu nhập thấp ở Nhật Bản-2Một quầy trong quán chỉ rộng khoảng 2 m2. Ảnh: Vice.

Giáo sư Tom Gill, nhà nghiên cứu nhân chủng học ở Đại học Meiji Gakuin, cho biết: “Ban đầu, mọi người sử dụng quán cafe Internet như một loại hình khách sạn rẻ tiền. Dần dần, nó trở thành một nơi trú ẩn kỳ lạ cho dân vô gia cư”.

Loại hình cafe này mở cửa 24/7 trên khắp xứ sở hoa anh đào, không chỉ cung cấp dịch vụ Internet, thuê phim hoặc truyện tranh, mà còn có nơi để tắm và phòng giặt là với mức giá phù hợp.

Quan trọng hơn cả, quán có những quầy riêng được phân cách bởi vách ngăn bằng gỗ mỏng để người thuê có thể ngủ thoải mái.

Số lượng công việc bán thời gian ở Nhật Bản gia tăng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, quốc gia này có 22 triệu nhân viên thời vụ vào năm 2019, tăng hơn 5 triệu người so với năm 2011.

Dịch bệnh phơi bày mặt tối của dân lao động thu nhập thấp ở Nhật Bản-3Thậm chí 2 người phải ở chung để tiền thuê một quầy tại quán cafe Internet. Ảnh: EPA.

Nhiều nhân viên bán thời gian không phải lúc nào cũng có việc làm và chỉ được trả mức lương tối thiểu là 9 USD/giờ. Do vậy, họ không có khả năng sở hữu chỗ ở ổn định. Tại xứ sở hoa anh đào, người dân phải đặt cọc ít nhất 3 tháng tiền nhà và trả một số khoản khác nếu muốn thuê một căn hộ.

Trước khi tới thủ đô để tìm mức thù lao cao hơn, Takahashi từng làm công nhân ở một xưởng đóng tàu tại Hiroshima.

Với tiền lương kiếm được ở Tokyo, anh lựa chọn sống tại các quán cafe manga hoặc Internet, nơi anh có thể giải trí và nghỉ ngơi sau giờ làm. Mọi đồ đạc anh để trong ba lô để có thể dễ dàng di chuyển từ quán nọ sang quán kia.

Mọi chuyện thay đổi kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Anh trở thành người vô gia cư do công ty phá sản, và những “khách sạn giá rẻ” thì đóng cửa vô thời hạn.

Giáo sư Gill cho biết những người tị nạn tại cafe Internet xuất hiện từ những năm 1990. Họ không coi bản thân như dân vô gia cư thông thường do vẫn có thu nhập. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ những mặt trái đó.

Nỗ lực giúp đỡ người thu nhập thấp mùa dịch
Ngày 30/4, chính quyền thành phố Tokyo khẳng định sẽ cung cấp nơi ở cho những người như Takahashi.

Họ sẽ được cấp một phòng ngủ tại khách sạn cho tới khi Nhật Bản tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Để được tham gia chương trình hỗ trợ trên, người dân phải xuất trình thẻ thành viên hoặc biên lai chứng minh họ từng sống ở các quán cafe Internet.

Dịch bệnh phơi bày mặt tối của dân lao động thu nhập thấp ở Nhật Bản-4Một người đàn ông vô gia cư trong "căn phòng" tạm ở phòng tập võ. Ảnh: Getty Images.

Tại thành phố Yokohama, một phòng tập võ biến thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư. Những “căn phòng” nhỏ được ngăn cách bằng rèm để đảm bảo sự riêng tư và giữ khoảng cách xã hội tối thiểu 2 m.

Đầu tháng 4, tổ chức từ thiện Moyai đưa ra bản kiến nghị với thành phố, yêu cầu sử dụng làng vận động viên Olympics ở Tokyo làm nơi trú ẩn cho người vô gia cư. Tới nay, bản kiến nghị đã nhận được hơn 53.000 chữ ký đồng tình.

Chủ tịch tổ chức Moyai Ren Onishi cho biết dân vô gia cư và người có thu nhập thấp thường bị đổ lỗi cho hoàn cảnh khốn khó của họ. Do xã hội kỳ thị, họ cảm thấy xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ trong mùa dịch.

Theo giáo sư Gill, đó là hệ quả từ sự bảo thủ tồn tại lâu đời trong xã hội Nhật Bản. Cùng rơi vào tình trạng khó khăn như nhau nhưng phụ nữ thường nhận được giúp đỡ nhiều hơn, còn đàn ông thì không.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dich-benh-phoi-bay-mat-toi-cua-dan-lao-dong-thu-nhap-thap-o-nhat-ban-post1081175.html

Covid-19

virus corona

Nhật Bản

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.