Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng

Người Việt ở Anh và Pháp chia sẻ họ sợ đi phương tiện công cộng vào mùa hè do không có điều hòa, nhiều người cao tuổi còn ngất xỉu vì cảm giác quá bí bách và nóng nực.

“Tôi ở Anh từ năm 2013. Qua bao nhiêu mùa hè vẫn chịu được, mà đến hôm qua (18/7), tôi quyết tâm mua quạt nhỏ để bàn vì quá nóng”, chị Hoàng Nhật - sinh sống tại Newcastle, Anh - chia sẻ với Zing, nói thêm đó là nhiệt độ chị cảm nhận khi ở trong nhà, cửa sổ và cửa phòng đều mở để hút gió.

“Ra ngoài đường còn kinh khủng hơn, trời nắng chang chang mà không có gì (để che chắn). Đi khoảng 10 phút thôi là mồ hôi đầm đìa. Hôm qua tôi định ra ngoài chụp (ảnh), nhưng vì nóng quá nên đi thẳng một mạch về nhà”, chị cho biết thêm.

Đây cũng là cảm nhận của chị Tracy Nguyen sống ở Brighton, South West England. “Hôm nay (19/7) là ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ban ngày lên tới 32 độ C. Sống ở đây 3 năm tôi chưa bao giờ thấy nóng như thế. Bình thường chỉ 27-28 độ”, chị nói.

Chị cho hay khu vực chị sống đã có báo động “amber” - tức là nhiệt độ trên mức 30 độ C. “Thông thường chỉ báo động ở mức ‘yellow’. Chỗ tôi chưa bao giờ có mức ‘red’ giống như ở London”, chị nói.

Theo cơ quan dự báo thời tiết Met Office, lần đầu tiên Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ trong ngày 19/7 trên 40,3 độ C. Trước đó, Anh cũng trải qua đêm nóng nhất từ trước đến nay, khi nhiệt độ vẫn trên mức 25 độ C ở một số khu vực, theo Guardian.

Nước Pháp cũng đang trải qua mùa hè với nhiều ngày ghi nhận kỷ lục nhiệt độ. Chị Hà Linh - sinh sống tại Paris - chia sẻ vào mùa hè, nỗi sợ lớn nhất của chị là đi phương tiện công cộng.

“Ở Pháp, không hiểu lý do gì mà đến giờ chỉ có vài tàu trang bị điều hòa, xe buýt hầu như không có. Mỗi lần đi tôi cảm giác rất oi và bí bách. Thậm chí, nhiều khi đi tàu xe có điều hòa nhưng tài xế không bật, tôi cũng phải chịu. Hôm nào vắng người còn đỡ, chứ đông người, chen chúc trên phương tiện công cộng thì ngán ngẩm lắm”, chị nói với Zing.

"Ác mộng" không điều hòa khi nhiệt độ chạm ngưỡng 40

Theo New York Times, hầu hết tòa nhà ở Anh được thiết kế để giữ nhiệt, vì cái lạnh từng là mối quan tâm lớn hơn trong quá khứ. Ngoài ra, rất ít tòa nhà có trang bị điều hòa, khiến người dân đặc biệt dễ bị tổn thương khi nhiệt độ tăng cao.

Chị Nhật cho hay ngoại trừ công ty, văn phòng, chị rất ít khi bắt gặp tòa nhà nào có lắp điều hòa hoặc quạt. Theo chị, nhiều trường (cấp dưới đại học) khuyến cáo cho nghỉ học khi trời nóng vì “trong lớp không hề có quạt, điều hòa thì càng không”.

“Nhà ở Anh khá cũ với hệ thống sưởi nên không dễ lắp thêm hệ thống điều hòa”, chị nói. “Họ cũng xây để giữ nhiệt. May nhà tôi khá mát so với bên ngoài vì không hướng về phía mặt trời. Gọi là ‘khá mát’ thôi chứ đã nóng thì cũng không chịu được”.

Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-1

Cảnh báo "Amber" ở Brighton hiển thị trên ứng dụng dự báo thời tiết của Anh. Ảnh: NVCC.

Chị Tracy cũng đưa ra thông tin tương tự: “Có quạt và điều hòa, nhưng không phổ biến. Giờ trời nóng hơn nên họ cũng lắp nhiều hơn trước. Thông thường chỉ có văn phòng dùng điều hòa, còn ở nhà chỉ dùng quạt”.

Do đó, đổ xô đi mua quạt và điều hòa là cảnh tượng chị Tracy chứng kiến khi trời quá nóng. Chị Nhật cũng cho biết các trang web bán hàng online còn “cháy” cả quạt lẫn điều hòa.

“Tuần trước tôi tìm quạt trên mạng thấy vẫn còn, nhưng chần chừ không mua. Hôm qua (18/7) quyết tâm mua thì loại quạt đó đã hết, tiếc hùi hụi”, chị nói. “Hôm qua nóng quá tôi còn phải gấp quạt giấy”.

Tình trạng khan hiếm quạt và điều hòa không chỉ xảy ra ở Anh. Tại Pháp, nhà nào cũng có lò sưởi, nhưng không có điều hòa hay quạt.

“Nhà bạn bè và nơi tôi ở không bố trí quạt sẵn, nếu muốn phải tự đi mua quạt nhỏ. Một số khách sạn ở Paris cũng chỉ có quạt nhỏ”, chị Việt Hà - sinh sống tại thành phố Reims, phía bắc của Pháp - cho hay. “Gần đây, nhiệt độ ở Pháp khá cao, có lúc lên tới hơn 40 độ C nên không có điều hòa thì đúng là ác mộng”.

Do đó, Pháp dần bố trí điều hòa cùng quạt tại nhà và ở các toa tàu điện mới lắp đặt, theo chị Việt Hà. Sau 3 năm sinh sống tại Paris, chị Hà Linh cũng thấy nhiều người bắt đầu trang bị quạt và điều hòa vì mùa hè càng ngày càng nóng. Đặc biệt với những nhà ở tầng cao, hướng nắng và không có cây cối bên cạnh, việc mua quạt là không thể tránh khỏi.

“Bạn tôi thuê căn nhà ở tầng 8 nên mùa hè gần như lúc nào cũng bật quạt. Lúc đầu chỉ cần dùng quạt giá rẻ, nhưng trời ngày càng nóng hơn nên phải chuyển sang điều hòa mini”, chị Hà Linh cho hay.

Tuy nhiên, nhiều người ở Anh thường cố chịu cái nóng này, thay vì đi mua quạt và điều hòa bởi giá cả và nhu cầu sử dụng không quá hợp lý. “Điều hòa di động khoảng £100, lắp trên tường tầm £2.000, mà chỉ để dùng trong một tháng”, chị Nhật lý giải.

Chị cũng cho rằng điều khiến đợt nóng ở Anh “kinh khủng” là do không có quạt với điều hòa.

“Vốn là nước lạnh, người dân bản địa không nghĩ sẽ có ngày nóng như vậy để chuẩn bị. Một năm chỉ có vài ngày/tuần nóng, nên khi trời nóng họ không biết làm thế nào, và cơ thể cũng không kịp thích ứng”, chị chia sẻ.

Tuy vậy, ở Anh và Pháp, dù trời nóng, chỉ cần đi vào bóng râm, công viên hoặc về nhà riêng hướng gió là có cảm giác dịu hẳn. Buổi tối khi mặt trời lặn, không còn nắng oi ả thì nhiều người cảm thấy tiết trời khá mát mẻ.

“Tháng 6 vừa qua có một tuần nắng nóng gay gắt, cực khó chịu, nhưng sau đó thì trời lại mát”, chị Hà Linh chia sẻ. “Bên này đợt nóng đỉnh điểm thường kéo dài khoảng mấy ngày, sau đó hết, rồi quay lại trong vòng 2,3 ngày chứ không dai dẳng suốt cả mùa hè”.

Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-2
Bản đồ nhiệt tại Anh lúc 13h ngày 19/7. Ảnh: Met Office.

“Tàu điện ngầm như lò nung”

Giữa thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, chị Tracy Nguyen chia sẻ việc di chuyển, đi lại bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là với những người có thói quen sử dụng phương tiện công cộng.

“Gần đây, việc di chuyển trên phương tiện công cộng rất hay bị trễ hoặc hủy chuyến, vì thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến tín hiệu và đường ray. Ngoài ra, hành khách cũng cảm thấy khó chịu. Trên xe buýt còn không có điều hòa như trên tàu, nên nhiều người thậm chí ngất xỉu trên xe”, chị nói.

“Tôi chưa trực tiếp chứng kiến trường hợp nào như vậy, nhưng có nghe thông báo qua loa đài khi di chuyển. Thường tình huống cũng không quá nghiêm trọng, chủ yếu là người cao tuổi tụt huyết áp, choáng váng đầu óc”, chị nói thêm.

Ở Brighton, chị Tracy di chuyển bằng tàu hàng ngày, cả đi làm hay đi chơi vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trễ chuyến và hủy chuyến diễn ra thường xuyên, “buộc hành khách phải chờ chuyến sau rất tốn thời gian”.

“Chúng tôi phải chờ đợi ít nhất 15 phút và muộn giờ làm. Do đó, gần đây, tôi phải đi sớm hơn bình thường”, chị chia sẻ.

“Đôi khi, tàu đang đi thì dừng giữa chừng. Nếu muộn giờ, họ đuổi khách xuống bến luôn và bắt chờ đi chuyến sau. Vì ở Anh các hãng tàu phải hoàn tiền khi bị chậm quá lâu, họ muốn cho khách xuống chờ chuyến sau để tránh hoàn tiền và không khiến cả chuyến tàu sau cùng trễ”, chị cho biết thêm.

Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-3


Nhiều tuyến tàu điện ngầm ở Anh oi nóng do không trang bị điều hòa. Ảnh: Reuters.

Giống như chị Tracy, chị Hoàng Nhật cũng chia sẻ việc di chuyển trên các phương tiện công cộng ở Anh ngày càng khắc nghiệt do thời tiết nắng nóng.

“Khi tôi còn ở London, nhiều tuyến tàu điện ngầm nóng như cái lò nung, đến mức người ta phải viết lên bảng thông báo là mọi người nhớ tắm rửa và uống nước đầy đủ, nếu không khi ở dưới tàu điện ngầm, ‘người bạn sẽ có mùi như một miếng thịt xông khói’”, chị kể lại.

“Nhiệt độ cao ảnh hưởng đến đường ray và cả năng lượng của tàu. Một lần tôi đang ngồi trên tàu thì phải dừng vì nhiệt độ nóng quá, thời tiết lúc đó gần 40 độ C mà còn dừng ngay chỗ toàn cỏ chứ xung quanh không có cây, tưởng như đang bị ‘nướng’ vậy”, chị nói với Zing.

Trước tình hình này, chính quyền địa phương và nhiều công ty ở Anh khuyến cáo người dân làm việc tại nhà và hạn chế đi lại khi không cần thiết.

Trong khi đó, nhớ lại năm đầu tiên đến Pháp, chị Hà Linh rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tấm áp phích dán trên tường và phương tiện công cộng để nhắc nhở người dân và khuyến cáo các cách bảo vệ sức khỏe.

“Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nếu không có việc gì quan trọng tôi sẽ ngồi ở nhà, hạn chế ra đường. Nhà tôi ở tầng thấp nên được cây cối xung quanh che hết nắng. Lúc ấy, ở nhà là thiên đường”, chị Hà Linh nói.

Không thể ngăn cản “đam mê xê dịch”

Italy cũng là quốc gia "nóng như đổ lửa" vào mùa hè. Tuy vậy, thời tiết khắc nghiệt dường như vẫn không thể cản trở đam mê du lịch của nhiều người Việt ở châu Âu. Theo chia sẻ của chị Hà Linh, chị đã đến Italy vào đầu tháng 7/2020 và cảm giác như “bị sốc vì nhiệt”.

“Từ Pháp qua Italy, tôi cảm giác như bị sốc nhiệt, vì thời tiết quá nóng! Thời điểm đó ở Paris khoảng 24°C, nhưng Italy đã lên tới 34°C, cảm nhận chắc phải 38°C, rất nóng!”, chị nhớ lại.

“Địa điểm đầu tiên tôi tới là Rome, sau đó là Vatican. Nơi đây thực sự như chảo lửa, đến buổi chiều tối vẫn nắng nóng và oi bức. Vào buổi sáng, ngay 7h-7h30 đã cảm nhận được cái nóng”, chị nói.

Suốt chuyến đi, chị Hà Linh và bạn luôn phải dùng ô che nắng. “Đây là điều tôi chưa từng làm ở Pháp, và cũng không có nhiều người che ô tránh nắng ở Paris”.

Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-4Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-5

Chị Việt Hà trong chuyến du lịch cùng bạn bè đến Italy hồi tháng 6. Ảnh: NVCC.

“Khi đi du lịch Italy, lúc nào tôi cũng phải vác theo chai nước to để uống mà vẫn mệt. Chỉ muốn kiếm nhà hàng nào có điều hòa vào ngồi nghỉ mát. Thấy chỗ nào có vòi phun nước là chạy tới, hất nước vào mặt, vào người cho hạ nhiệt”, chị nói.

Do thời tiết khắc nghiệt, nhiều lần chị Hà Linh phải thay đổi lịch trình để tránh nóng. Chị Linh cùng bạn di chuyển đến Bảo tàng Vatican tránh nắng và ở đó tham quan từ 14h đến 16h30 mới ra ngoài, “lúc ấy mới cảm thấy có thể sống sót và di chuyển tiếp được”.

Chị Quỳnh Anh cũng đến Italy vào giữa tháng 6 vừa qua. “Nhiệt độ lúc đó mới khoảng 36 độ C nhưng nắng chói chang, nếu đứng dưới nắng cảm giác như 40 độ vì rất gắt. Nơi tôi cảm thấy nóng nhất là Rome và Cinque Terre”.

Chị nói mặc dù lịch trình chung không bị hủy bỏ, những người trong đoàn chị đều bị cháy nắng và đen đi nhiều mặc dù có bôi kem chống nắng đầy đủ.

Người Việt ở Anh: Đi tàu điện London như ngồi trong lò nướng-6


Nắng nóng ở Italy khiến chị Quỳnh Anh phải bỏ một vài địa điểm du lịch để nghỉ ngơi. Ảnh: NVCC.

Giống như chị Hà Linh, mùa hè năm nay, chị Việt Hà cũng có chuyến du lịch qua nhiều thành phố ở châu Âu.

“Có lần tôi ở Paris, nắng nóng quá không thể ở ngoài trời lâu, chỉ có cách trốn nắng ở các quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại, chờ tới chiều nhiệt độ dịu lại. Mỗi khi ra ngoài đều mang theo một chiếc quạt nhỏ”, chị nói.

Chị cũng nhớ lại lần đi xem một liveshow ca nhạc ở Paris hồi tháng 6 vừa qua. “Ghế ngồi kín chỗ và khán giá khá đông nhưng không có điều hoà nên ngồi xem ca nhạc mà mồ hôi túa ra”, chị kể.

Trong số những đất nước chị Việt Hà đã tham quan vào mùa hè này, Hy Lạp là nơi nắng nóng nhất.

“Sau một tuần ở Hy Lạp, da tôi đã có hai màu rõ rệt vì cháy nắng. May mắn các khách sạn ở Hy Lạp đều có điều hoà giống Việt Nam, nên tôi và bạn bè khá thoải mái khi nghỉ ngơi tại phòng. Tôi rất ấn tượng với chuyến đi đến Hy Lạp, thời tiết nắng nóng kỷ lục nhưng mọi người vẫn chịu khó ra ngoài trời, xếp hàng chụp hình”, chị nói.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nguoi-viet-o-anh-di-tau-dien-london-nhu-ngoi-trong-lo-nuong-post1337413.html?fbclid=IwAR3vKDMhyPI-7vMxakmNA75_qHr1wI_VwucDu83skFIkPQyp9Gkd3B1OVjw

nắng nóng gay gắt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.