Thua Iran, nhưng nên nhớ tuyển Việt Nam đang ở sân chơi châu lục

Trước khi bóng lăn, hiếm người dám tin đội tuyển Việt Nam sẽ kiếm được một điểm nào trước đối thủ ở tầm vóc khác.

Thua Iran là điều không có gì đáng thất vọng. Trước khi bóng lăn, hiếm người dám tin đội tuyển Việt Nam sẽ kiếm được một điểm nào trước đối thủ ở tầm vóc khác.

Nên nhớ, HLV Carlos Quieroz từng là người được Sir Alex Ferguson gửi gắm kỳ vọng sẽ kế tục ông ở Man United. Ông Quieroz khi ấy là một trong số những trợ lý HLV hiếm hoi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác huấn luyện.

Nhưng ông đi khỏi sân Old Trafford quá sớm, nên sự nghiệp không thể thăng hoa vì độ chín chưa tới, và người ta chỉ nhắc về ông qua thất bại trong vai trò HLV ở Real Madrid mà thôi.
Iran đá thế nào? Họ hơn hẳn chúng ta vài tầm đẳng cấp. Họ thư thả, không vội vã. Họ đá với thái độ nhìn vẻ ngoài là tôn trọng đối thủ nhưng thực tế, họ chơi nhàn vì họ trên chân. Chúng ta cứ lo về hạn chế chiều cao và nghĩ rằng họ sẽ chơi bóng bổng để chiếm ưu thế.

Nhưng hóa ra họ không dùng ưu thế chiều cao ấy. Họ không chơi tạt cánh đánh đầu dù bàn mở tỷ số của họ đến từ cú tạt và đánh đầu. Họ đánh ở rìa trung lộ, khu vực gọi là hành lang trong (half-space), trục dọc chuyển tiếp giữa biên và trung lộ.

Cầu thủ Iran thoắt ẩn thoắt hiện

Ở hiệp 1, tính đến khi chúng ta thua bàn đầu tiên, họ có 3 lần đánh vào half-space cực hay. Chúng ta vẫn giữ khoảng cách rất tốt giữa hàng thủ 3 người với hai cầu thủ chạy cánh và các tiền vệ trung tâm nhưng họ không phải các đối thủ ở Đông Nam Á.

Thua Iran, nhưng nên nhớ tuyển Việt Nam đang ở sân chơi châu lục-1

Công Phượng không thể tận dụng cơ hội thuận lợi trong trận gặp Iran. Ảnh: Minh Chiến.

Họ di chuyển không bóng nhanh và hay đến mức như thoắt ẩn thoắt hiện. Và những đường xẻ nách của họ ở vị trí giữa trung vệ và cầu thủ đá biên của chúng ta hoàn hảo tới mức ta không hiểu tại sao họ có thể chơi bóng hay và bén đến thế.

Bàn thua đầu tiên cũng là cú đánh ở nách kiểu đó. Và khi cả hàng thủ bị xô lệch vì di chuyển của đối phương, chuyện đường tạt trở thành pha kiến tạo đẹp là dễ hiểu. Chúng ta vẫn dùng quân số đông hơn, chơi giữ khoảng cách tốt mà vẫn thua. Điều đó chứng tỏ, họ hơn chúng ta cả một tầm vóc lớn.

Bây giờ, quay lại với cơ hội của chúng ta, thực sự chúng ta nhận thấy rằng Việt Nam không thể chơi bóng trước đối thủ “đai đẳng” hơn hẳn. Chúng ta có cả thảy 3 cơ hội cả trận.

Thứ nhất là pha phối hợp của Văn Toàn với Công Phượng ở hiệp 2 và Phượng dứt điểm không quá hiểm đối với thủ thành đội bạn. Thứ hai là pha đá phạt hàng rào ở phút 76 của Quang Hải sau khi đối thủ phạm lỗi với Ngân Văn Đại. Và thứ 3 là ở phút 88 với cú dứt điểm ra ngoài của Quang Hải. Chấm hết. Chỉ 3 nhưng nó đủ nói lên nhiều điều.

Hãy động viên nhau khi thất bại

Hãy nhìn chỉ vào một cơ hội ở phút 76 để hiểu chúng ta đang ở đâu. Vị trí đá phạt, cự ly đá phạt chả khác gì cú để thua của Việt Nam trước Iraq ở bàn thắng cuối cùng của trận mở màn vòng bảng ấy. Thủ thành của Iran chọn vị trí thế nào? Cũng 3-7 như Văn Lâm đã từng chọn lựa.

Hàng rào của họ ra sao? Chỉ 2 người so với 5 người mà ta đã từng. Còn cú sút phạt thì sao nữa nhỉ? Adnan sút góc gần, góc chữ A. Còn Quang Hải sút góc mà thủ môn Iran chọn trấn giữ. So sánh ấy nói lên điều gì? Họ hơn chúng ta cả một khoảng cách rất lớn về đẳng cấp.

Thua Iran, nhưng nên nhớ tuyển Việt Nam đang ở sân chơi châu lục-2

Quang Hải cũng không tận dụng được cơ hội. Ảnh: Minh Chiến.

Ta không thể cầm bóng để chơi bóng. Iran chưa cần tăng tốc. Và ta nhận ra ở đấu trường châu lục là câu chuyện khác xa so với Đông Nam Á như thế nào. Mà khi ta đã thua xa họ như thế, ta nên nhìn vào điểm tích cực nhất mà các tuyển thủ đã thể hiện.

Họ không sợ hãi, không nao núng, họ chiến đấu đến phút cuối cùng bằng hết sức mình. Đó là điều đủ để chúng ta cần phải khen ngợi và vỗ tay cho họ. Đừng khen ngợi nhau chỉ khi vinh quang. Hãy biết động viên nhau cả khi thất bại.

Hôm qua, trong một câu chuyện riêng với một tuyển thủ đương thời của chúng ta, tôi có hỏi một câu: “Ngoài huấn luyện bóng đá, ở CLB các em có được tập 1 môn thể thao phụ trợ nào không?”. Câu trả lời của em là “không anh ạ”.

Tôi khá ngạc nhiên. Trước đây, ở các CLB bóng đá của ta thời bao cấp, ngoài bóng đá họ còn được tập phụ trợ bóng rổ hoặc bóng chuyền để bổ sung các yếu tố thể chất cần thiết như gia tốc, sức bền… Bây giờ ta lại bỏ qua, trong khi ở nước ngoài đó vẫn là điều bắt buộc. Phải chăng, cái yếu hơn của chúng ta cũng một phần đến từ chuyện đó?

Câu hỏi ấy tôi để mở cho tất cả cùng tìm hiểu và trả lời. Nhưng có một câu trả lời chung. Đây là cúp châu lục, và chúng ta nên hiểu đội tuyển của mình ở tầm vóc nào để đừng tạo áp lực cho họ quá mức sau khi đã hưng phấn cùng chức vô địch AFF Cup.

Theo Zing


ĐT Việt Nam

Asian Cup 2019


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.