VFF bào mòn tình yêu bóng đá của NHM Việt

V.League 2015 kết thúc trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của người yêu bóng đá.

V.League 2015 kết thúc trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của người yêu bóng đá. 15 năm tiến lên chuyên nghiệp kể từ mùa giải 2000-2001, từ chỗ mất dần niềm tin nơi cổ động viên (CĐV), giờ đây, V.League và người “đẻ” ra nó là VFF còn bào mòn cả những trái tim nhiệt huyết, chân chính của những người luôn cố gắng nói thẳng, nói thật vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Ai nói nấy nghe

Trao đổi với NTNN sáng 22.9, chuyên gia lão làng Nguyễn Văn Vinh bộc bạch: “VFF giờ đây cứ như một tổ chức để nghỉ dưỡng, việc ai nấy làm, ai nói nấy nghe. Tôi biết, có những người tâm huyết lắm, họ nói mãi cho sự đổi mới, phát triển bóng đá Việt Nam rồi, nhưng cứ như muối bỏ biển, thậm chí còn bị ghét, bị cô lập nên cũng chán, đến họp rồi về thôi. Tôi cũng cảm thông với giới truyền thông, các bạn viết báo bằng sự hiểu biết, muốn đóng góp để thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam (BĐVN). Nhưng trong đội ngũ lãnh đạo VFF lúc này, có ai hiểu gì về bóng đá đâu? Nói mạnh quá, có khi người ta còn không hợp tác thông tin”.

vff bao mon tinh yeu bong da của nhm viẹt hinh anh 1
VFF thản nhiên trước nỗi bức xúc của người hâm mộ xung quanh những trận đấu “có mùi” ở V.League.  Ảnh:   I.T

Theo ông Vinh, trong khoảng 20 năm qua, BĐVN đã chứng kiến nhiều vụ trừ điểm vì biểu hiện tiêu cực của một đội bóng mà không cần chứng cứ. Tại giải vô địch quốc gia 1995, Ban tổ chức đã phạt 2 triệu đồng, trừ 2 điểm đối với Cảng Sài Gòn sau trận thua bất thường 0-1 trước Lâm Đồng. Giải vô địch quốc gia 1998, Ban tổ chức không công nhận kết quả trận CAHN thua CAHP 0-1 và trừ mỗi đội 3 điểm. Tới mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên 2000-2001, Ban tổ chức đã phạt 50 triệu đồng, trừ 1 điểm đối với CAHN do có biểu hiện nhường điểm, để thua TT.Huế 0-2. Tại V.League 2003, Thể Công bị phạt 50 triệu đồng, trừ 3 điểm sau trận thua 1-0 bị cho là “có mùi” trước Cảng Sài Gòn. Gần nhất, VFF đã trừ 4 điểm đối với XMXT.Sài Gòn vì thi đấu thiếu tích cực trong trận thua K.Kiên Giang 1-3 ở vòng 19 V.League 2013.

“Thời điểm năm 2013, chúng tôi đã nói rất nhiều về “hiện tượng” XMXT.Sài Gòn nhưng họ cứ ghi nhận rồi lại “lờ” đi. Cuối cùng, trước sức ép quá dữ dội từ dư luận, XMXT.Sài Gòn mới bị xử. Ban tư vấn đạo đức chúng tôi vì thấy không được ủng hộ nên đã tự nguyện giải thể. Tới V.League 2015, mọi việc vẫn vậy thôi, quen quá rồi. Vấn đề không phải là không xử được khi không có chứng cứ mà ở VFF không ai dám xử. Khi đã mất uy tín quá rồi thì làm gì cũng sợ lòng người bất phục, mà người ta không phục cũng đúng thôi” - ông Vinh nói.

Quá nhiều bất cập

Chia sẻ với ý kiến của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam Trần Song Hải bày tỏ: “Sở dĩ VFF không dám xử các đội bóng là do lãnh đạo VFF không có chuyên môn. Khi không có chuyên môn họ sẽ không “đọc” được trận đấu và không dám đưa ra những quyết định cứng rắn khiến các bên phải tâm phục khẩu phục”.

Dưới góc nhìn của một cổ động viên chân chính, ông Hải luôn theo sát BĐVN thời gian qua và nhận thấy có quá nhiều bất cập đang tồn tại: “Tôi thấy buồn cười khi ông Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức lên tiếng đòi sa thải HLV Miura mà phía VFF không có người nào đứng ra phát ngôn khẳng định đó là phát biểu cá nhân ông Đức hay quan điểm chính thức của VFF, dù VFF có hẳn một Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông. Trước đó nữa, hồi tháng 6 khi SEA Games 2015 đang diễn ra, vụ quan chức VFF bị tố nhận hối lộ, VFF cũng im tiếng. Vụ xử lý trung vệ Quế Ngọc Hải vừa rồi cũng gây ra những phản ứng trái chiều. Khi mọi thứ được tìm hiểu kỹ thì người ta mới té ngửa hóa ra quy định về kỷ luật của VFF với chi tiết buộc Hải phải thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ Trần Anh Khoa là trái với pháp luật Việt Nam, trái luôn với quy định kỷ luật của FIFA” - ông Hải phân tích.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.