Đã 28 năm kể từ lần gặp cuối cùng giữa 2 cường quốc bóng đá này ở một kỳ World Cup. Điều nghiệt ngã ở đây là nhiều thế hệ cầu thủ xuất sắc của 2 quốc gia láng giềng không bao giờ được so tài với nhau trong một trận cầu đỉnh cao. Đó là : Zidane, Cantona, Desailly, Blanc, Deschamps, Barthez, Makelele (Pháp), Klinsmann, Kahn, Ballack, Effenberg, Sammer, Koepke, Ziege (Đức).
Nhớ lại thời cầu thủ thì Chủ tịch UEFA Michel Platini và Chủ tịch Bayern Munich Karl-Heinz Rummenigger chắc chắn không thể quên được những màn so tài đỉnh cao giữa 2 đội ở World Cup 1982 và 1986. Nói không ngoa, chính đội tuyển Đức của Rummenigger đã khiến 1 thế hệ cầu thủ kiệt xuất của Pháp (vô địch EURO 1984) với Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse… không bao giờ lên được đỉnh cao của bóng đá thế giới.
Thế hệ của Platini thua thế hệ Zidane ở điểm này. Và kể cả trên phương diện cá nhân, chàng hói gốc Algeria cũng hơn đương kim chủ tịch UEFA quá nhiều. Kể từ thời Deschamps, Zidane, Djorkaeff… lần lượt đánh thuê ở giải đấu mạnh nhất một thời là Serie A, triết lý bóng đá của Pháp cũng dần thay đổi. Lối chơi hào hoa nhưng không phát huy được tối đa hiệu quả của thế hệ Platini dần được thay bằng lối chơi thông minh, trực diện và hiệu quả hơn. Lối chơi này đã mang lại 2 chức vô địch World Cup 1998, EURO 2000 và cũng là kim chỉ nam cho những thế hệ sau tiếp bước.
Người Đức ngày nay cũng từ bỏ lối chơi khô cứng nhưng hiệu quả của thời trước. Nhiều người cũng nói rằng họ mất đi hoàn toàn thứ vũ khí đã đánh bại Pháp mấy chục năm về trước: bản lĩnh, kỷ luật, thần kinh thép… Hình ảnh Littbarski tạt 1 đường từ cánh trái vào khu cầu môn để qua 1 nhịp phối hợp bằng đầu, K.Fischer rút ngắn tỷ số trong hiệp phụ xuống còn 2-3 cho Đức ở bán kết Espana 1982 là tiêu biểu cho tinh thần Đức thời đó. Ở thời điểm bị Pháp dẫn 3-1, nhưng nhìn cách chơi của dàn cầu thủ Đức cũng như cú tạt bóng của Littbarski, dường như họ không chịu bất cứ sức ép nào.
Hiện tại, Đức có 1 đội hình với nhiều cầu thủ kỹ thuật rất tốt nhưng khi xem họ phối hợp với nhau trong cự ly hẹp với các đội bóng yếu thật rườm rà, mất thời gian và tính đột biến không cao. Nhiều người yêu bóng đá Đức kiểu truyền thống đã nói rằng Joachim Loew đang mang sở đoản của người Đức ra làm sở trường của mình.
Điểm yếu thứ hai mới là cốt yếu của Đức là sự mềm yếu, ẻo lạ của họ mà những Oezil, Goetze…là điển hình. Ngay cả những cầu thủ Đức thuộc loại mạnh mẽ nhất như Schweinsteiger, Kroos… cũng chỉ là những chú mèo yếu ớt nếu đặt cạnh những mãnh hổ như Lothar Matthaeus, Guido Buchwald, Juergen Koehler, Andreas Brehme… ngày nào.
Đức có nhiều tên tuổi xuất sắc nhưng đánh mất sự thực dụng từng đưa họ lên đỉnh cao. |
Sẽ thế nào khi Đức gặp những đối thủ mạnh như Pháp và Brazil (một khả năng có thể xảy ra ở bán kết)? Rất khó dự đoán vì quả bóng tròn luôn chứa đựng nhiều bất ngờ nhưng một trái tim yêu bóng đá Đức như tôi e ngại khả năng chiến thắng của Đại bàng sông Rhine chỉ là dưới 50% dù Đức sở hữu nhiều tên tuổi nổi bật hơn.