Bảng điểm toàn 10 thi vào Amsterdam: Lo ngại 'phong trào' làm đẹp học bạ

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam quy định, học bạ suốt 5 năm tiểu học có quá 1 điểm 9 cũng bị loại.

Cùng với việc kiểm tra, đánh giá năng lực, hầu hết các trường “nóng” tuyển sinh lớp 6 Hà Nội năm nay đều có vòng xét tuyển hồ sơ. Theo đó, điểm tổng kết các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh được quy định phải đạt điểm 9, 10. Thậm chí Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam quy định, học bạ suốt 5 năm tiểu học có quá 1 điểm 9 cũng bị loại. Nhiều người cho rằng, quy định này có thể “lọt” học sinh có năng lực cũng như làm nảy sinh phong trào chạy điểm, làm đẹp học bạ.

Bảng điểm toàn 10 thi vào Amsterdam: Lo ngại phong trào làm đẹp học bạ-1Học sinh thi vào Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam

Quy định làm khó học sinh?

Ngày 11/6, 933 thí sinh vượt qua vòng sơ loại với bảng điểm hầu hết toàn 10 tham gia bài kiểm tra, đánh giá năng lực vào Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Những trường chất  lượng cao hay trường có lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu khác như THCS Cầu Giấy; THCS Thanh Xuân; Lương Thế Vinh; Marie Curie…, năm nay ngoài kiểm tra, đánh giá năng lực cũng đưa ra điều kiện xét tuyển hồ sơ.

Cụ thể như Trường THCS Thanh Xuân, bài kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 đều đạt điểm 9 trở lên. Riêng môn Tiếng Anh cho phép đạt điểm 8. Ngoài ra, thí sinh phải được đánh giá kết quả cuối năm về năng lực và phẩm chất là Đạt.

Trường THCS Cầu Giấy cũng căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt  lớp  1,2,3,4,5  và môn Tiếng Anh lớp 3,4 trong học bạ của học sinh để xét tuyển. Theo đó, để qua vòng loại, điểm kiểm tra cuối kỳ đạt điểm 10 được quy đổi ra thành 2 điểm; môn nào đạt 9,5 sẽ quy đổi ra 1,5 điểm và điểm 9 quy đổi ra 1 điểm để cộng vào điểm kiểm tra, đánh giá năng lực các môn. Nếu điểm kiểm tra định kỳ môn Toán, Tiếng Việt đạt 1 điểm 8 sẽ bị trừ 1 điểm.

Sau nhiều năm xét tuyển, việc quy định kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 các trường chất lượng cao, trường đặc thù khiến nhiều phụ huynh thở phào, ủng hộ. Tuy nhiên, cũng nhiều người trong số họ tiếc nuối, trượt vòng hồ sơ khi chẳng may trong bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm của con có một điểm 8, thậm chí điểm 9.

Trong ngày 933 thí sinh nhí bước vào cuộc đua thi tuyển lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, một giáo viên ở Hà Nội viết trên diễn đàn đồng hành cùng học sinh qua các kỳ thi cho rằng: “Trưa nay, trên đường về nhà, thấy trời nắng nóng quá, mình nghĩ mà thương các học trò nhỏ phải thi cử giữa thời tiết như thế này. Nhưng cô thương hơn những con chỉ vì “bị” một điểm 9 ở năm lớp 4, lớp 5 nên “không đủ tiêu chuẩn” thi vào trường Ams”.

Theo giáo viên này, cô là người dạy kèm một số nhóm học sinh nên hiểu, nhiều khi những học sinh “không đủ tiêu chuẩn” chỉ vì 1 điểm 9 lại là những em thông minh. “Có thể vì một lý do không cẩn thận nào đó trong bài kiểm tra cuối kỳ em được điểm 8,9. Có những học sinh thông minh nhưng viết nhanh, hiếu động, phá cách khiến các em không đạt điểm 10 theo đúng “quy cách” hoặc dàn ý quen thuộc. Cô giáo này cho rằng, giá mà tất cả học sinh có nguyện vọng đều có thể dự thi thì chưa biết “mèo nào sẽ cắn mỉu nào”.

Ðiểm 9, 10 có đánh giá đúng năng lực học sinh?

GS TSKS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông mới phát biểu trong hội thảo bồi dưỡng giáo viên tiểu học mới đây cho rằng, thời ông đi học rất giỏi tuy nhiên cũng không thể đạt mức điểm như học sinh hiện nay.

Phải kể đến, nhiều năm nay, từ khi đổi mới việc đánh giá học sinh tiểu học bằng Thông tư 30, sau này là Thông tư 22, việc đánh giá học sinh trong suốt năm học đã “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” để học khích lệ mặt mạnh cho học sinh tiến bộ, chỉ ra điểm yếu cho học sinh cố gắng. Vì thế, Thông tư 22 quy định, mỗi năm học, chỉ lấy điểm bài kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều người cho rằng, một bài kiểm tra cuối kỳ hay cuối năm sẽ không thể đánh giá hết một quá trình  học của học sinh. Ví dụ, có học sinh suốt kỳ học tốt nhưng trong lần làm bài kiểm tra có thể sơ suất lại bị điểm xấu.

Hay có phụ huynh một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai kể, con học rất yếu môn Tiếng Việt lớp 3, trong bài kiểm tra cuối năm con chỉ viết được 2 dòng. Nếu thẳng tay, có khi cô giáo chỉ chấm điểm 2-3 nhưng vì cả kỳ chỉ có 1 con điểm nên cô thương tình cho học sinh này về nhà viết lại bài văn, với sự giúp đỡ của mẹ, con đã đạt điểm 8. “Như vậy, có thể nói điểm kiểm tra, đánh giá 1 lần như hiện nay có đánh giá thực sự năng lực của học sinh hay không?”, phụ huynh này đặt câu hỏi.

Hay như trường hợp anh Trần Văn Hoán, ở quận Thanh Xuân năm nay tự tin đăng ký cho con thi tuyển vào lớp 6 tới 3 trường vì con có bộ hồ sơ, học bạ đẹp, đủ điều kiện. Anh chia sẻ, điểm tổng kết các môn của con từ lớp 1 đến lớp 5 đẹp như sao sáng nên kỳ vọng con sẽ đỗ trường top đầu. Vì thế, cách đây nhiều tháng, ngoài học trên lớp, vợ chồng anh đã thay nhau đưa con đến các trung tâm luyện thi để học ôn đến 9 giờ tối mới được về nhà. Trái với kỳ vọng của anh Hoán, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THCS Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) bài kiểm tra đánh giá năng lực của con chỉ đạt 15 điểm; Kết quả trường Lương Thế Vinh, con chỉ đạt 25/100 điểm môn Toán; 35,5 điểm môn Ngữ văn và 60 điểm môn Ngoại ngữ. Với kết quả như vậy, con anh Hoán cách xa điểm tuyển sinh của các trường năm nay.

Giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cũng cho rằng, ông không ủng hộ việc xét tuyển đơn thuần như những năm trước vì hồ sơ, học bạ đẹp không đồng nghĩa với năng lực thực sự. Vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá năng lực như năm nay là phù hợp, đảm bảo yếu tố khách quan. Khi đã có một kỳ thi, học sinh thực hiện 3 bài kiểm tra kiến thức thì không nhất thiết phải quy định xét tuyển học bạ khắt khe bởi vì trong những năm tới, phụ huynh sẽ bằng mọi giá “xin điểm”, “chạy điểm” làm đẹp học bạ ngay từ năm lớp 1 cho con. 
 

 

Theo Tiền Phong

 


thi vào lớp 6

tuyển sinh lớp 6

trường chuyên

học bạ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.