Đề thi về bán bao cao su gây tranh cãi trên mạng

Câu hỏi và câu trả lời liên quan bao cao su trong đề thi thử dành cho học sinh 15 tuổi ở Malaysia đã gây ra cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng nước này.

Câu hỏi và câu trả lời liên quan bao cao su trong đề thi thử dành cho học sinh 15 tuổi ở Malaysia đã gây ra cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng nước này.

Câu hỏi gây tranh cãi nằm trong bài thi môn Khoa học tại kỳ thi thử dành cho học sinh THCS. Người ra đề hỏi ý kiến thí sinh về việc bán bao cao su, Straits Times cho hay.

Đề bài như sau: "Việc bán bao cao su công khai sẽ tạo ra tác động tiêu cực, gây ra nhiều vấn đề xã hội. Bạn có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?".

Một học sinh trả lời: "Không. Bao cao su là một cách để kiểm soát việc sinh sản, nó cần thiết để tránh thai".

Tuy nhiên, người chấm thi cho rằng đáp án này không chính xác.

De thi ve ban bao cao su gay tranh cai tren mang hinh anh 1
Đề thi và câu trả lời về việc bán bao cao su công khai gây tranh cãi trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, Thứ trưởng GD&ĐT Malaysia - ông Chong Sin Woon - nói: "Chúng ta hãy nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề thực sự là gì. Ở mức độ nào đó, câu trả lời bao cao su được dùng để tránh thai không hoàn toàn chính xác".

Ông Chong nói thêm những câu hỏi yêu cầu khả năng tư duy mức độ cao (HOTS) là một phần trong kế hoạch giáo dục giai đoạn 2013-2025 ở Malaysia.

"HOTS đòi hỏi học sinh biện luận để bảo vệ ý kiến của mình khi trả lời câu hỏi. Chúng ta cần tôn trọng ý kiến của học sinh", ông bày tỏ.

TS Raj Karim, cựu Tổng giám đốc Ủy ban Phát triển Gia đình và Dân số Quốc gia Datuk, cho rằng người chấm bài đã sai khi đánh giá câu trả lời trên không đúng.

Theo bà, giáo dục giới tính và cuộc sống gia đình được đưa vào chương trình nhằm hướng học sinh tới lối sống an toàn và lành mạnh. Việc giảng dạy về kế hoạch hóa gia đình không có nghĩa giáo viên buộc trẻ thực hành ngay sau đó.

"Mặc dù giáo dục giới tính được dạy trong các tiết Sinh học, học sinh không được tìm hiểu các thông tin nhạy cảm. Giáo viên thường ngại hoặc không muốn nhắc đến nó hay chỉ yêu cầu học sinh tự đọc từ sách giáo khoa", bà cho hay.

TS nói thêm những buổi thảo luận thẳng thắn về đề tài nhạy cảm như thế này chỉ nên diễn ra theo nhóm nhỏ, tách biệt nam - nữ chứ không nên mang ra nói trước toàn lớp học với cả nam sinh lẫn nữ sinh.

"Nó nên được tổ chức tại các buổi nói chuyện thân mật để học sinh có thể thảo luận theo nhóm, cũng như với giáo viên", bà Raj khẳng định.

Ông Goh Seng Chui, phụ huynh 46 tuổi, cũng cho rằng giáo viên chấm thi đã không công bằng khi nhận xét câu trả lời của học sinh là sai.

Theo ông, những câu hỏi lấy ý kiến như này không có đáp án cố định và khẳng định vấn đề nằm ở lối tư duy hạn hẹp của giáo viên chứ không ở câu hỏi hay đáp án học sinh đưa ra.

Ông bố 46 tuổi nói thêm những câu trả lời khuôn mẫu không chỉ ngăn cản học sinh bày tỏ ý kiến mà còn tạo cho các em lối học vẹt.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.