Dọa dẫm con là cách dạy dỗ của những bà mẹ... kém cỏi

Chúng ta làm cho con trẻ sợ hãi, có thật sự là vì chính bản thân chúng hay không?

Có khi nào người hàng xóm sang đập cửa nhà bạn và yêu cầu bạn thay đổi màu sơn trên cửa sổ nhà mình bởi vì họ muốn thế? Không! Con cái chúng ta cũng vậy, đừng ép chúng thay đổi mọi thứ chỉ vì người lớn cảm thấy khó chịu...

Vì sao mẹ phải làm con sợ?

Hơn một lần tôi nghe thấy chị đồng nghiệp khoe rằng con chị rất ngoan, rất biết sợ mẹ, rằng mẹ nói gì cũng im. Chị thậm chí còn nhiều lần đưa ra lời khuyên với những chị em khác mới lần đầu làm mẹ trong công ty, rằng trẻ con bây giờ, đứa nào biết sợ bố sợ mẹ thì mới nên người...

Tôi không biết từ đâu và từ khi nào, người ta tự nghĩ con cái là “cấp dưới” và phải phụ thuộc vào quyền lực của bố mẹ nên nhất nhất đề ra tiêu chuẩn: "con phải biết sợ bố mẹ mới ngoan" như thế.

Vì sao lại cần phải duy trì trật tự, nền nếp một gia đình trong nỗi sợ hãi của bọn trẻ? Và nếu có điều đó thật thì tất cả sẽ kéo dài bao lâu? Liệu đến một ngày bọn trẻ có “giật mình” nhận ra những mong muốn thực sự của mình và bứt phá, trốn chạy khỏi nỗi sợ hãi mà cha mẹ đã chủ đích gieo rắc lên tâm trí mình từ khi còn nhỏ? Chính người lớn cũng không bao giờ mong muốn phải sống trong sợ hãi, vậy tại sao chúng ta định làm điều ấy với con mình?

Động lực nào để con vươn lên?

Không ít những ông bố, bà mẹ vì bận rộn, vì muốn mọi việc vào nề nếp ngay, vì không có nhiều thời gian, vì sợ những hậu quả lớn sẽ xảy ra nếu một việc gì đó tiếp diễn, vì sợ con “nhờn mặt”,... hoặc đơn giản chỉ là cách họ tỏ thái độ với cái sai của con… nên họ cảm thấy cách nhanh nhất và tốt nhất là làm cho con cái biết sợ hãi mình, thông qua sự quát mắng, dọa nạt hoặc dùng đòn roi.

Thông thường, khi dùng biện pháp quát mắng hoặc đòn roi thì hiệu quả rất nhanh. Bởi vì con cái sợ hãi và biến chuyển ngay lập tức. Nhưng ít khi chúng ta nhận ra, rằng hiệu quả ấy đi kèm với nỗi sợ hãi, lo lắng, tủi thân của trẻ. Lâu dần, trẻ sẽ phản ứng bằng cách gạt bỏ nỗi sợ hãi ấy ra khỏi tâm trí, gạt bỏ những thói quen lo sợ nặng nề, theo cách để mặc cho bố mẹ tiếp tục có ý kiến, chê trách hay phản đối, trẻ cũng chỉ nhất nhất làm theo ý mình. Khi đã tập cho mình thói quen “không thèm sợ hãi” này, vô tình trẻ gạt bỏ luôn cả những nền nếp tốt mà cha mẹ đã rèn luyện, những định hướng tốt mà cha mẹ đã cố gắng muốn dẫn dắt con cái thực hiện theo.

Ngược lại, trẻ có thể sẽ quá nhút nhát hoặc lệ thuộc vào ý kiến/phản ứng của cha mẹ. Như vậy thì càng nhanh chóng “thủ tiêu” động lực và mong muốn được vươn lên của trẻ. Tóm lại thì nỗi sợ hãi với cha mẹ mình sẽ không bao giờ là lý do hợp lý để một con người vươn lên và sống tốt hơn. Trái lại, đó là cách tốt nhất để gia đình không còn giữ được mối dây bền chặt và những cá nhân càng ngày càng có xu hướng “bất cần” hoặc cực kỳ lệ thuộc.

Chẳng lẽ chúng tôi phải ủng hộ cái sai của con?

Không ai nói rằng chúng ta cần ủng hộ cái sai, nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ cố tình bắt lỗi? Sẽ thế nào nếu bố mẹ, người lớn chỉ nói quá nhiều về những điều con trẻ chưa làm được mà quên mất đó là một tiến trình phát triển tự nhiên, bình thường của trẻ? Chúng ta có thật sự tin rằng trên đời có những đứa trẻ không bao giờ mắc lỗi? Và sao chúng ta phải bực bội với những sơ suất đứa trẻ nào cũng có: chạy nhảy, nghịch phá, làm hỏng hóc đồ đạc?... 

Hơn nữa, chúng ta làm cho con trẻ sợ hãi, có thật sự là vì chính bản thân chúng hay không? Thông thường, sự quát mắng, đòn roi của ta với trẻ bắt đầu từ việc ta không thể chịu nổi một điều gì đó (do trẻ gây ra) và ta yêu cầu trẻ phải thay đổi nó. Rõ ràng, sự khó chịu bắt đầu từ ta. Nhưng người thay đổi lại là đứa trẻ. Khoan hãy tranh luận rằng sự khó chịu của ta là đúng hay là sai. Hãy nghĩ thật nghiêm túc về việc bố mẹ của đứa trẻ thấy khó chịu về nó, và nó lại phải thay đổi, chứ không phải là cha mẹ? Có khi nào người hàng xóm sang đập cửa nhà bạn và yêu cầu bạn thay đổi màu sơn trên cửa sổ nhà mình bởi vì họ muốn thế? Hay giả sử người hàng xóm ấy có là kiến trúc sư, và những góp ý của họ là đúng thì việc có thay đổi màu sơn cửa hay không và vì lý do gì thì cũng là quyền của ta cơ mà?

Tương tự hoàn toàn với các con. Có những vấn đề ta cảm thấy “phát điên”, vài lối vụng về, vài điều sơ suất,... tất yếu sẽ kết thúc, sẽ không còn là chuyện đáng lo khi trẻ lớn lên. Có những điều đã thuộc về cá tính, sở trường của con mà chính chúng ta dù nói đúng cũng không nên nói nhiều, hãy chấp nhận con như những gì vốn có. Chẳng hạn có những đứa trẻ thông minh nhưng hậu đậu, ngược lại có những đứa trẻ chu đáo, cẩn thận nhưng luôn thiếu sáng tạo trong công việc. Khi chấp nhận một cách bình tâm, ta sẽ giúp con khắc phục những lỗi lầm tốt hơn.

Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.