Gặp cô hiệu trưởng được học sinh dặn “ngoan, đừng khóc”

Từ Trường Tiểu học Trương Định, chị Lý Thị Mỹ Phượng mới chuyển về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Quận 12, TP.HCM) được hơn một năm. Nhưng qua bức thư chia tay của cô bé lớp 2, có thể thấy học sinh đã rất quyến luyến chị.

Từ Trường Tiểu học Trương Định, chị Lý Thị Mỹ Phượng mới chuyển về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Quận 12, TP.HCM) được hơn một năm. Nhưng qua bức thư chia tay của cô bé lớp 2, có thể thấy học sinh đã rất quyến luyến chị.

Gặp cô hiệu trưởng được học sinh dặn “ngoan, đừng khóc”

"Tôi luôn nghĩ đối xử với các em như thế nào sẽ được nhận lại như thế"

Học sinh ở đâu cũng dễ thương như nhau

Từ một trường thuộc diện “phụ huynh có điều kiện” về một trường dân dã như hiện nay, cảm nhận đầu tiên của chị như thế nào?

- Phụ huynh ở đây là dân lao động nhiều, khác với ở những trường cũ phụ huynh chủ yếu là cán bộ, công chức. Tôi buộc phải thích nghi ngay, như con tắc kè, nếu không thì không làm được.

Nhưng học sinh ở đâu cũng dễ thương như nhau.

Người dân ở đây gọi khu vực này là “Liên hiệp quốc”, dân khắp nơi về sinh sống ở đây, bao nhiêu tỉnh thành ở Việt Nam có hết. Trường Nguyễn Trãi có tới 3.500 học sinh, phụ huynh đa phần là tạm trú, nói vui là quê quán học sinh có từ từ Mù Căng Chải tới mũi Cà Mau.

Vậy nên, học sinh ở đây có điểm đặc biệt là có thể nghỉ học bất thình lình, đang học mà cứ nghỉ ngang luôn. Bố mẹ về quê, đi đám tang, đám cưới… là con nghỉ học đi theo, vì ở nhà không ai trông.

Thậm chí, lúc mới về, tôi còn sốc khi gặp trường hợp một phụ huynh đến xin đón học sinh sớm. Hỏi thì chị này bảo chỉ là dì của cháu thôi, nhưng hiện nay đang nuôi cháu vì bố mẹ cháu đã đi trốn nợ. Chị phải dón sớm trước giờ tan trường vì sợ chủ nợ đến bắt cóc cháu để gây áp lực bắt bố mẹ cháu trả nợ.

Trẻ con ở đây tự lập nhiều. Có nhà, chị lớn đi đón em nhỏ. Rồi hàng ngày, hai chị em đạp xe chở nhau đi ăn suất cơm từ thiện giá 2 nghìn đồng, dù cách trường và nhà khá xa. Bố mẹ khó khăn, chúng ngoan ngoãn đi ăn như vậy mà không kêu ca phàn nàn gì.

Con nít thường không suy nghĩ, so đo tính toán, dù có thiệt thòi. Một nếp của học sinh ở đây là các em nhặt được của rơi là đem nộp cô để trả lại. Đã có trường hợp nhặt được hơn 6 triệu đồng cũng mang nộp. Gia đình khó khăn mà các em không tham, đó là nề nếp mà giáo viên trường này đã rèn được cho các em, mà khi về đây tiếp nhận công việc, tôi rất thích.

Gặp cô hiệu trưởng được học sinh dặn “ngoan, đừng khóc”

"Tôi thấy rằng kiến thức học vừa thôi, cần học kỹ năng nhiều hơn"

Các bé đang rất thiếu sự âu yếm

Trong thư, bé Ngọc Hân viết rằng “Rồi mỗi sáng thứ hai chào cờ con sẽ không còn được nghe giọng nói ấm áp của cô, nụ cười của cô và nụ hôn của cô, chắc con buồn lắm”. Chị có thói quen ôm hôn các bé như vậy, hay ôm hôn là để… lấy lòng học sinh, khi mình là người mới?

- Khi mới về, tôi có buổi chào hỏi, tự giới thiệu trước học sinh toàn trường. Thật không ngờ, giờ ra chơi, cứ từng nhóm học sinh vào thẳng phòng ban giám hiệu, tới gặp tôi và nói “Xin tự giới thiệu em là…, học sinh lớp… Em xin được làm quen với cô”, rất tự tin….

Tôi luôn nghĩ đối xử với các em như thế nào sẽ được nhận lại như thế. Tôi cảm thấy con nít bây giờ cần được ôm hôn, vuốt ve rất nhiều. Có thể ba mẹ các em quá bận đi làm mà quên di, hoặc lơi lỏng đáp ứng nhu cầu này của con trẻ.

Chỉ cần mình vuốt ve mái tóc, lau mồ hôi, ôm hôn các em một chút, là các em sẽ rất yêu quý mình.

Sáng ra, tôi thường đón các bé ở cổng trường. Khi các bé cất tiếng “Con chào cô”, tôi đáp lời "Cô chào con" và nựng gò má chút xíu. Tôi để ý rằng đứa tiếp theo sẽ không vòng qua đi ngay, mà đứng lại chờ để được cô nựng. Có đứa còn nghếch mặt lên chờ sẵn… Chúng nó cứ thế, đâm ra mình lại càng thích, càng vui. Làm giáo dục có mặt này mặt kia, nếu chỉ làm quản lý sẽ không chịu nổi.

Chị có trao đổi với phụ huynh điều này không?

- Mình đứng đón ở cổng trường, cũng gặp gỡ phụ huynh, nhưng không thể nhắc nhở hay căn dặn họ được, mà chỉ nói khéo “Con đang chờ được nựng đó”.

Ngoài thiếu sự âu yếm vuốt ve, điều gì các bé còn thiếu mà chị cho rằng đáng báo động?

- Đó là kỹ năng mềm, các em thiếu rất nhiều. Tôi thấy rằng kiến thức học vừa thôi, cần học kỹ năng nhiều hơn.

Ở những trường tôi từng dạy, có những em con nhà giàu lên tới lớp 2, lớp 3 mà đi vệ sinh không biết cách sử dụng bồn cầu, không biết tự cài khuy quần áo… chứ đừng nói tới những kỹ năng khác. Và không quá hiếm những học sinh như vậy.

Còn ở trường này, điều kiện gia đình học sinh ở đây khó khăn, chúng tôi dạy các em nấu ăn, nhặt rau, gấp quần áo, cách tự phục vụ… Những việc này con em nhà lao động rất cần phải biết, cũng khác với những trường gia đình học sinh có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Tôi còn rất quan tâm đến việc dạy các em phòng chống bị xâm hại. Hay giao tiếp thông thường rất quan trọng, nhưng trẻ cũng bị hổng rất nhiều… Và cả sự chia sẻ.

Chị dạy chia sẻ như thế nào vậy?

- Quan điểm của tôi là sống và chia sẻ, và có nhiều cách để dạy các bé điều này. Nếu như ở trường cũ, trường vận động các em đóng góp đồ chơi, bánh trái, quần áo cũ… để chia sẻ với các bạn cơ nhỡ, đang ở nhà mở.

Nhưng ở đây các em gia đình đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không làm thế được. Nên dịp lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa qua, chúng tôi cho học sinh xem các hình ảnh và cho học sinh viết chia sẻ về nỗi đau của các bạn vùng lũ.

Gặp cô hiệu trưởng được học sinh dặn “ngoan, đừng khóc”

"Tôi cảm thấy con nít bây giờ cần được ôm hôn, vuốt ve rất nhiều"

Các em viết bài rất dễ thương. Có những bài viết mộc mạc theo suy nghĩ của trẻ. Có những bài viết thấy rõ là có thêm bàn tay của người lớn. Nhưng tôi nghĩ rằng các em cứ viết ra được như thế là đã thành công, cho dù đó là suy nghĩ của các em hay là suy nghĩ đi cóp nhặt, hoặc người lớn thêm vào cho.

Cứ từ từ như vậy nhân cách hình thành tốt hơn, vì không thể nghĩ và viết những điều tốt đẹp mà sau đó lại làm ngược lại.

Không thể nói nhận hoa mới là đúng

Phụ huynh vẫn chỉ dẫn nhau một năm thường phải có phong bì hay quà tặng cho giáo viên vài lần, con cái họ mới được quan tâm. Chị có cảm thấy chạnh lòng, hay bị xúc phạm khi nghe tới điều này?

- Vừa rồi, trường tôi họp hội đồng sư phạm, tôi cũng có nói rằng gần đến ngày 20-11, theo "luật bất thành văn", phụ huynh sẽ tặng quà cho giáo viên để thể hiện tình cảm. Không thể nói nhận quà đúng hay nhận hoa mới là đúng, quan trọng là cách trao quà.

Là người thầy giáo, nhân dịp này cũng phải dạy các em cách thể hiện tình cảm. Thầy cô phải dạy các con nói lời chúc như thế nào, thể hiện tình cảm ra sao… Điều này ở nhà có khi không ai dạy các em đâu, cha mẹ có khi chỉ bỏ phong bì bảo con đem đến tặng cô.

Nhiều học sinh mang phong bì đến đưa rồi nói “Cô, mẹ con bảo trong này có ngần này tiền”. Những  trường hợp như vậy không thể gọi là quà, mà chỉ là phụ huynh cảm thấy có trách nhiệm phải làm cho xong việc, nên dạy dỗ con mình không ổn. Giáo viên, có thể trả lại phong bì cho các em mang về, nhưng sẽ phải nói kỹ hơn cho các em này về cách bày tỏ cảm xúc, cách trao và nhận.

Mà cũng không chỉ dạy các em cách thể hiện nhân dịp này đâu. Như tôi đã nói, các em hổng nhiều về kỹ năng giáo tiếp, nên dịp lễ tết, thầy cô cũng phải dạy các em biết nói lời chúc Tết, cách nhận lì xì, biết nói lời cảm ơn khi được nhận quà...Tôi chỉ cần cách thể hiện trân trọng là đủ, chứ giá trị món quà không nằm ở giá trị vật chất. Nhất là đối với nghề giáo, yêu cầu về giá trị tinh thần rất cao.

Có món quà nào phụ huynh, học sinh tặng mà chị còn nhớ và lưu giữ?

- Ở nhà tôi có một cái hộp, trong đó bỏ những tấm bưu thiếp học sinh tự làm, những bài thơ nho nhỏ các em viết tặng, những bức vẽ nguyệch ngoạc còn phải ghi chú cẩn thận nhân vật trong tranh là “cô Phượng”… Những món quà này tôi nhận được vào các dịp như mùng 8/3, ngày 20/10, ngày 20/11 hàng năm. Lâu lâu tôi lại bỏ ra coi.

Nhưng có một món quà mà tôi nhớ mãi: khi tôi mới đi dạy được 1, 2 năm, trước lúc nghỉ tết có cậu học sinh mang đến cho một đòn bánh tét. Cậu học sinh bé xíu, nhỏ con hơn hẳn các bạn học trong lớp, đòn bánh tét nhà em gói đã dài, ba mẹ còn buộc thêm cái lạt ở đầu đòn bánh cho em đeo.

Cậu trò bé nhỏ đeo đòn bánh dài quệt đất mang đến tặng cô giáo là hình ảnh tôi không bao giờ quên.

Gặp cô hiệu trưởng được học sinh dặn “ngoan, đừng khóc”

"Những người lựa chọn ở lại với nghề đa phần là do bị học sinh thu hút"

Sự nhìn nhận nghề giáo như vậy là không ổn

Trước những thông tin không tốt về việc làm cho sư phạm nhưng vẫn có những người trẻ bước tiếp vào nghề, chị có cho rằng có phải họ không còn đường nào khác?

- Tôi thấy rằng thực ra lỡ yêu nghề, ham thích với nghề thì làm thôi. Lương giáo viên mới vào nghề, nhân chia cộng trừ các khoản, mỗi tháng thầy cô như ở trường tôi được lĩnh khoảng 1,7 triệu đồng. Trong năm học có thêm tiền phụ cấp, các thầy cô được khoảng 2,4 triệu, nhưng mấy tháng hè là chỉ vẻn vẹn có 1,7 triệu đồng đó.

Ở đây, vấn đề không phải là lương, mà sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề giáo như vậy là không ổn.

Còn việc có những người vẫn đến và ở lại với nghề, thì phải đi dạy rồi mới biết. Khi tiếp xúc với học sinh, ai không chịu nổi thì sẽ rất nhanh chóng bỏ đi. Những người lựa chọn ở lại với nghề đa phần là do bị học sinh thu hút.

Nhất là ở bậc tiểu học, học sinh càng gắn bó với thầy cô hơn. Có chuyện gì cũng mang đến kể, chuyện tế nhị trong gia đình cũng kể, rất thích kể... rất vui và dễ thương.

Xin cảm ơn chị. Chúc chị Ngày 20-11 nhiều niềm vui!

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.