Giáo viên như “cá nằm trên thớt”?

Xoay quanh câu chuyện về một cô giáo trẻ bị phụ huynh bắt quỳ để “đền tội cho con” ở Trường Tiểu học Bình Chánh, là một giáo viên với hơn 10 năm tuổi nghề, tôi thấy chua xót thay cho nghề giáo.

Xoay quanh câu chuyện về một cô giáo trẻ bị phụ huynh bắt quỳ để “đền tội cho con” ở Trường Tiểu học Bình Chánh, là một giáo viên với hơn 10 năm tuổi nghề, tôi thấy chua xót thay cho nghề giáo.

Khi chọn con đường này, chúng tôi luôn nghĩ đến viễn cảnh sẽ được dạy con chữ, truyền kiến thức cho những học sinh thân yêu. Nhưng rồi khi lao vào thực tế, chúng tôi bị "nốc ao" vì hiện thực quá phũ phàng. Nghề giáo, từ bao giờ đã trở thành “nghề nguy hiểm nhất” xã hội hiện nay. Chúng tôi không còn được có cái quyền tự bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình trước “cái quyền uy” quá lớn mang tên “áp lực phụ huynh”.

Xã hội lên án những cô giáo đánh học sinh nhưng hãy hiểu rằng, chúng tôi đã và đang chịu quá nhiều áp lực.

Nói cho vui nhưng đầy chua xót thì tôi nghĩ rằng: giáo viên chẳng khác nào “cá nằm trên thớt”.

Chúng tôi phải chịu áp lực từ các cấp Sở, Phòng, ban giám hiệu đè xuống. Nào là chỉ tiêu chất lượng, nào là thanh kiểm tra, rồi cả hàng chục cuộc thi lớn có nhỏ có. Đó là chưa kể sổ sách nặng vai chúng tôi vẫn phải gồng gánh mỗi ngày.

Bên dưới, chúng tôi lại chịu sự đè nén của học sinh.

Học sinh bây giờ có phải như học sinh thế hệ 7X, 8X đâu. Học sinh bây giờ cái nhân quyền cao lắm! Rồi còn được bảo bọc, bảo vệ quá kĩ nên chúng tôi không dám đụng.

Thậm chí, tôi biết có rất nhiều đồng nghiệp của tôi tặc lưỡi: “Cứ lên lớp cho xong chuyện. Còn học thành tài hay không là chuyện của chúng nó. Đụng tới chúng nó là đụng tới chính bát cơm của mình”.

Vì đâu? Vì đâu giáo viên chúng tôi lại có suy nghĩ đó khi trước đây, chúng tôi yêu nghề, yêu trẻ lắm.

Và 4 bên là phụ huynh luôn sẵn sàng lao vào mỗi khi chúng tôi phạm phải một sai lầm, dù là nhỏ nhất.

Tôi có một cô bạn dạy mầm non, cô ấy tâm sự rằng: “Giờ trẻ có hư đến đâu, có ngỗ nghịch đến đâu cũng không dám lấy thước mà vụt vào tay trẻ nữa. Bởi chỉ cần trẻ về nhà kể lại với mẹ thì sẽ gặp phải rắc rối ngay”.

Đâu chỉ thế, cô ấy còn chua chát nói, nhiều khi các cô không đánh trẻ mà trẻ lười học viện cớ bị cô đánh để không đến lớp, phụ huynh cũng tới trường “quậy” cô.

Còn chuyện học sinh cấp 2 - 3 không chào chúng tôi dù chỉ bằng một cái gật đầu đã trở thành chuyện bình thường.

Vì đâu một sự lễ phép hiển nhiên cách đây 10 năm trước giờ trở thành một thứ xa xỉ?

Tôi hay nghe mọi người truyền tai nhau rằng: “Nghề giáo sướng lắm. Được mặc đẹp, được tôn trọng, thời gian rảnh lại nhiều”.

Xin thưa, cái gì cũng có cái giá của nó cả. Và nghề giáo không sướng như mọi người vẫn nghĩ đâu. Mọi người đi làm về, đêm có thể dành thời gian chơi với con hay nghỉ ngơi, còn chúng tôi, chúng tôi phải chấm bài, giáo án, phải thi cử… Chúng tôi gần như làm bất kể thời gian thì có được gọi là “rảnh lắm”?

Còn để được mặc đẹp, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm thêm hay “lén lút” làm cái việc mà bị cấm cản và lên án “dạy thêm” hoặc bóp bụng bóp miệng dành dụm.

Tôi không phải đang kể khổ với mọi người, tôi chỉ muốn mọi người hiểu hơn về nghề giáo chúng tôi.

Hơn hết, với tư cách một nhà giáo, tôi chỉ mong xã hội có cái nhìn công tâm hơn với nghề của chúng tôi.

Mong các bậc phụ huynh hãy ‘cho” chúng tôi một sự tự tin để dạy dỗ con em các vị.

Giáo viên Mỹ Hạnh

Vì sao cô giáo quỳ gối?

1.Tôi đã gặp nhiều phụ huynh cho rằng con mình luôn đúng còn trường luôn sai, đặc biệt khi con em họ vi phạm lỗi và bị kỷ luật. Họ luôn tìm cách chống đối và đưa ra nhiều lý do khác nhau.

Gần đây, ở trung tâm giáo dục phổ thông của trường chúng tôi có một phụ huynh cũng làm khó giáo viên. Chị thường hay ý kiến về cách nhà trường giáo dục con mình và có những phản ứng gay gắt về việc cháu bị xử lý kỷ luật khi vi phạm.

Thậm chí, chị cho rằng nhà trường đã không biết cách giáo dục nên cháu mới phạm lỗi. Lúc bé tự ý nghỉ, chị nói do cô dạy không hiểu nên cháu chán đi học. Lúc nhà trường tổ chức bồi dưỡng thêm, chị lại bảo học nhiều vậy không tốt cho con. Mỗi lúc con vi phạm, chị thường lấy lí do khách quan để chống lại chứ rất ít khi phối hợp giáo dục. Chúng tôi hay đùa chắc chị thuộc diện "phụ huynh cá biệt".

Khi nhà trường tìm hiểu thì biết gia đình chị rất cưng và nghe lời con. Vậy nên, cháu đưa ra ý kiến về hành vi của mình gia đình luôn tin là đúng và đổ lỗi cho trường thay vì tìm hiểu kỹ. Chúng tôi biết rằng đây là trách nhiệm của cả hai bên. Phụ huynh thiếu sót trong giáo dục con em và đặc biệt không được trao đổi kỹ về phương pháp của trường để cùng phối hợp giáo dục. Còn nhà trường cũng không tìm hiểu kỹ và có các buổi chia sẻ với phụ huynh về vấn đề này. Đồng thời, khâu trao đổi thông tin giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường có vấn đề nên đôi khi giáo viên "sợ" nhà trường nên không dám chia sẻ, do đó trường không có đủ thông tin để cùng phối hợp.

2. Vì sao giáo viên quỳ gối?

Tôi nghĩ việc cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh quỳ gối không phải vì sợ phụ huynh mà vì nhiều nỗi sợ khác như nỗi lo về công việc. Áp lực công việc là quá lớn với các giáo viên, đặc biệt trong tình trạng thất nghiệp hiện nay của giáo sinh tốt nghiệp sư phạm. Đó là chưa kể hằng ngày, giáo viên lên lớp đều bị ám ảnh bởi tinh giản biên chế...

Tôi thực sự hết sức thông cảm và hiểu cho cách hành xử của cô. Với mong muốn tốt cho học sinh nhưng có thể do việc vận dụng phương pháp chưa phù hợp nên cô đã bị sự phản đối của một số em. Và sự phản đối này bị tam sao thất bản khi đến tai phụ huynh, nên họ có phản ứng mạnh.

Theo tôi, truyền thông và xã hội cũng nên hiểu một phần nào thay vì phán xét cô như một tội đồ. Đây là một sai sót do nóng nảy chứ không phải bản chất của cô là như vậy.

Phạm Sơn (Trung tâm giáo dục phổ thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)


Theo VietNamNet

phạt học sinh

phụ huynh

cô giáo

xin lỗi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.