Học sinh ba miền đều hát “sai” Quốc ca là không đúng?

Một số chuyên gia cho rằng cần đưa vấn đề đọc đúng, viết đúng tiếng Việt vào mục tiêu chương trình. Các vị này còn viện dẫn chứng học sinh cả ba miền hát sai bài Quốc ca.

Mới đây, một số chuyên gia của hội tâm lí giáo dục ở tỉnh cho rằng cần đưa vấn đề đọc đúng, viết đúng tiếng Việt vào mục tiêu chương trình. Các vị này còn viện dẫn chứng học sinh cả ba miền hát sai bài Quốc ca. 

Theo tôi, ý này chưa hẳn đã đúng vì vấn đề âm sắc vùng miền.

Giọng nói mỗi vùng miền khác nhau tạo nên nền văn hóa đa âm, đa sắc

Tôi không có trình độ về ngôn ngữ học nên tôi chỉ biết nói thế. Ngay trong một xã, giọng nói của hai làng đã khác nhau. Trong một huyện, có xã lại có cách phát âm rất đặc biệt. Trong một tỉnh, một vùng, một dải đất thì chuyện đó là đương nhiên.

học sinh, hát quốc ca, đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Ảnh Thanh Hùng

Ai có dịp về xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương sẽ được nghe giọng nói rất riêng biệt của người dân xã này. Người dân ở đây nói hụt hẳn đi âm chính, “ua” thành “u”, “tỏi” thành “tuổi”, “quyết” thành “quýt”. Chẳng hạn, nhà có khách, họ nói “Chú cứ ở đây chơi, tui đi mu mớ rau muúng về luục, ăn canh cu mãi chán rùi”. Ai mới đến đây lần đầu, thấy buồn cười nhưng về sau lại thấy đáng yêu vì đó mới là người Cổ Dũng. Trời cho họ tiếng nói ấy, giọng nói ấy.

Mỗi miền Bắc, Trung, Nam có giọng nói riêng, khiến ta yêu quý từng vùng đất ấy. Miền trung nằng nặng mà đằm thắm, miền Nam lệch vần mà dễ thương, miền Bắc có vẻ chuẩn hơn nhưng khô khan không mấy ấn tượng…

Nói chung, mỗi vùng, mỗi miền có giọng nói riêng, tất cả những giọng nói đó tạo nên nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc quê hương. Nói nôm na đó là nền văn hóa đa âm, đa sắc rất quý.

Cần rèn học sinh đọc đúng, viết đúng nhưng đừng cố nắn cách phát âm

Nếu theo ý kiến của ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục tỉnh Tiền Giang và những người ủng hộ ông thì đi dạy học, chúng ta cứ phải nắn giọng cho học sinh đọc và nói chuẩn theo ý mình sao. 

Chẳng hạn, dạy học ở Nam Bộ, khi học sinh đọc “Đêm nay, ăng đứng gaác ở trại, trăng ngàng và gió núi bao la khiếng lòng ăng mang mác…” thì giáo viên cứ phải chỉnh a. Nếu thế thì ông Phạm Văn Khanh nghe biên tập viên Hoài Anh đọc thời sự trên VTV1 toàn là sai cả. Ông có biết rằng biên tập viên Hoài Anh được yêu mến còn nhờ có giọng đọc pha chút Nam Bộ.

Người ta có câu “chửi cha không bằng pha tiếng”. Câu nói này có ngụ ý hãy tôn trọng giọng nói riêng vùng miền.

Trong quá trình dạy tiếng Việt, các thầy cô giáo luôn chú ý sửa lỗi đọc và lỗi chính tả cho học sinh, giúp các em đọc đúng, viết đúng. Nhưng ai cũng ngầm hiểu có thể giọng nói vùng miền không chuẩn - thực ra cái chuẩn ở đây rất khó xác định vùng nào chuẩn nhưng chẳng qua ta nghe quen và thuận tai theo số đông - nên các em đọc “ngọng” nhưng các em viết chuẩn âm, chuẩn nghĩa là đạt yêu cầu.

Giả sử, học sinh Nam Bộ đọc “Sa Pa là moóng quà tặng dêệu kì mờa thiêng nhiêng dềnh cho đâấc nưước ta”, thì giáo viên đừng cố nắn các em. Nếu nắn các em đọc “Sa Pa là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta” thì các em không còn là dân Nam Bộ nữa, và điều đó là không hay. 

Sách giáo khoa hiện hành luôn coi trọng chính tả vùng miền

Nếu ai quan tâm tới chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học thì sẽ thấy tiết chính tả luôn có bài tập chính tả phương ngữ. Các bài tập này có mục tiêu là luyện viết đúng âm đầu, vần dễ lẫn cho học sinh. Các bài tập chính tả này có kí hiệu riêng để từng vùng lựa chọn. 

học sinh, hát quốc ca, đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Một bài chính tả trong sách Tiếng Việt 3 tập 1

Chẳng hạn, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chọn bài tập 2a để phân biệt l/n, s/x, ch/tr,… Còn các tỉnh Nam Bộ và nam Trung Bộ thì chọn bài tập 2b để viết đúng v/d, an/ang… Lại có bài tập phân biệt dấu hỏi, dấu ngã dành cho những địa phương phát âm lệch hai thanh điệu đó…

Không thể dạy học sinh cả ba miền hát cùng giọng, nói cùng giọng

Ông Phạm Văn Khanh viện dẫn học sinh cả ba miền hát quốc ca sai như ông dẫn chứng là không đúng.Thứ nhất, ông cho rằng vùng Hà Nội mà hát ngọng l/n là hoàn toàn sai. Hà Tây (cũ) thì có thể.

Vấn đề lệch chuẩn âm đầu nặng nhất ở Bắc Bộ phải nói là là Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh… Quả đúng là rất cần rèn cho học sinh những tỉnh này đọc và nói đúng các âm đầu l/n. s/x… Mấy năm trước, giáo dục Hải Dương đã từng phát động phong trào tránh phát âm lệch chuẩn. 

Thứ hai, ông cho rằng Quảng Nam, Đà Nẵng hát “Đoèn quên Việt Nem đi…” là cũng hoàn toàn không đúng. Các tỉnh miền Trung có giọng riêng nhưng không phải như ông Khanh tả.

Thứ ba, khu vực Sài Gòn, thường hát là “Đoàng quââng Diệc Naam đi chung long cứu quốc, bước chân dồn dang trên đường gập gâầng xa…” chứ không như ông nói.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là những điều bao quát chứ không thể đưa vào đó chi tiết nhỏ là dạy phát âm chuẩn giọng. Nếu dạy học sinh ba miền phát âm chuẩn giọng theo ý kiến ông Phạm Văn Khanh và một số người đồng quan điểm, thì vài chục năm nữa, từ Bắc xuống Nam, nước ta chỉ có một giọng nói thôi hay sao?

Tóm lại, chương trình dạy học có mục tiêu giúp học sinh đọc hay, viết đúng nhưng cần phải giữ bản sắc văn hóa vùng miền. Bài viết này vừa là để trao đổi, vừa là tham gia góp ý với chương trình giáo dục của nước nhà. 

Theo VietNamNet


học sinh

hát Quốc Ca


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.