Học sinh bị giáo viên sỉ nhục trước lớp vì là... người đồng tính

Câu chuyện một em học sinh đồng tính bị cô giáo của mình chế nhạo ngay giữa lớp khiến chúng ta không khỏi chau mày.

Câu chuyện một em học sinh đồng tính bị cô giáo của mình chế nhạo ngay giữa lớp khiến chúng ta không khỏi chau mày.

>>5 lý do tôi luôn thành thực với con về tình dục và giới tính

Tại một buổi tọa đàm về bạo lực học đường đối với người đồng tính được tổ chức tại Hà Nội gần đây, cả hội trường gần như lặng đi trong nỗi chua xót khi những trải nghiệm về việc bị bắt nạt vì là người đồng tính lần lượt được cất lên. Câu chuyện của Thanh cũng là một trong số đó…

Bi kịch ngay trong “mái nhà thứ hai”

Không biết từ bao giờ, Thanh luôn phải nhận những lời châm chọc, trêu đùa một cách ác ý chỉ vì thân hình mảnh mai, điệu bộ ẻo lả cùng giọng nói “chua” của mình. Những biệt danh khó nghe như “Thanh gái”, “Thanh bê-đê”, những tràng cười như cứa vào lòng mỗi khi Thanh lên bảng, hay chiêutrò cô lập Thanh với bất kì ai có ý định trò chuyện cùng em,chỉ vì bị "lây bê đê" hoặc “bị nó yêu là chết”… xảy ra thường xuyên với Thanh như cơm bữa. Ngay cả khi trở về nơi tưởng như sẽ là vòng tay che chở cho mình, Thanh cũng không thể có một cuộc sống bình yên khi cha em thường xuyên rầy la vì “nhìn cái dáng đã thấy ghét”.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Không tìm được tiếng nói chung hay sự đồng cảm từ bất kì ai xung quanh, Thanh bèn trút nỗi lòng vào quyển nhật kí. Nhưng đến cả chốn riêng tư nhất của em cũng bị xâm phạm nặng nề khi những người bạn học lén đánh cắp quyển nhật kí này và nộp cho cô chủ nhiệm. Thay vì khiển trách các học sinh nghịch ngợm, xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác, cô giáo này lại đọc nhật kí của Thanh cho cả lớp nghe và hỏi: “Các em có thấy nó biến thái không?” và cả lớp đồng thanh trả lời: “Có”, kèm theo những lời bình phẩm: “Tôi không ngờ lớp tôi lại có kẻ đồi bại, bệnh hoạn như vậy. Đọc nhật kí củaanh mà tôi thấy ghê tởm, sởn gai ốc”. Có lẽ cảm giác tủi hổ và ê chề của ngày hôm ấy sẽ mãi ám ảnh Thanh cho đến khi trưởng thành.

Câu chuyện của Thanh, đáng buồn thay, không phải là ngoại lệ của phương pháp giáo dục kì lạ này mà chỉ là một điển hình trong số đó. Có em bị mẹ phát hiện lá thư bày tỏ tình cảm với một người bạn cùng giới, nhưng thay vì trò chuyện với em, người mẹ lại mang lá thư đến cho cô chủ nhiệm để nhờ cô “dạy dỗ, uốn nắn” em. Kết cuộc, cô giáo đã đọc lá thư của em này trước toàn trường.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Những câu chuyện đau lòng trong thực tế không phải khi nào cũng dẫn đến một cái kết có hậu. Trở lại trải nghiệm ê chề bị công khai những tâm tư riêng giữa cả lớp và nhận sự chế nhạo, Thanh bỏ học. Có em tự tử, nhiều học sinh khác bỏ nhà đi và bắt đầu sa vào hút chích để chứng tỏ mình thật sự “nam tính”. Bạn Lương Thế Huy– một thành viên Nhóm Chia sẻ và kết nối cộng đồng người đồng tính (ICS), chia sẻ: “Quan niệm ‘dị tính là chuẩn mực’ khiến cho nhiều người đánh mất đi sự khách quan trong việc suy xét các vấn đề. Chính vì thế, một hành động có thể chấp nhận được ở người dị tính lại thành vấn đề của người đồng tính, thậm chí bị bài xích, giễu cợt, kì thị”.

Sự kì thị đến từ những “người cha, người mẹ thứ hai”

Nghiên cứu trên 521 trường hợp LGBT về vấn đề kì thị, phân biệt đối xử và bạo lực với giới LGBT, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đưa ra những con số đáng lưu tâm với 40,7% từng bị bạo lực và kì thị. Hình thức mà họ gặp phải nhiều nhất là bị gọi một cách xúc phạm – chiếm 81%, ngoài ra, châm chọc, mỉa mai chiếm 66%. Gần 20% từng bị đánh, đá, cấu véo, hơn 18% bị sờ nắn bộ phận sinh dục khi không mong muốn. Đáng chú ý, 15% đối tượng khảo sát cho biết ngày nào cũng bị đánh chửi, miệt thị ngay tại lớp, trên sân trường.

Theo anh Huỳnh Minh Thảo - trưởng nhóm ICS, cần phải đưa chương trình giáo dục giới tính, bao gồm cả xu hướng tình dục đồng giới, chuyển giới vào chương trình giáo dục, bởi “có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và công bằng với mọi trẻ em”.

Về những đối tượng gây ra tổn thương cho các học sinh LGBT, 74% người gây bạo lực là các bạn nam, 33% là nữ, đáng chú ý có đến hơn 13% các thầy cô cũng tham gia vào số này. Về nơi diễn ra bạo lực với học sinh LGBT, 80% diễn ra trên lớp, nhưng 44% các em cho biết có báo nhưng thầy cô không làm gì, 16% thầy cô còn quay lại khiển trách chính nạn nhân về “lối sống”.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Những con số trên đã dẫn đến một loạt các hậu quả trong những con số đáng chú ý khác. 55% các em luôn cảm thấy căng thẳng, lo sợ; 50% chán ghét bản thân; 41% thay đổi tính cách. Thậm chí đã có 35% em đã từng nảy sinh ý định tự tử, hơn nửa trong số đó từng tự tử không thành, 14% tự làm đau bản thân bằng các hình thức như tự đánh, tự cắt da thịt làm mình chảy máu. 10% các em uống rượu, vài người sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người.

Kết lại những câu chuyện và số liệu thực tế về bạo lực học đường đối với học sinh giới LGBT, bà Hoàng Tú Anh – giám đốc CCIHP cho biết: “Khi bị chế giễu, dè bỉu, đánh mắng, xa lánh của bạn bè, thậm chí cả người thân trong gia đình, các em thường có xu hướng chán ghét bản thân hoặc thể hiện phản ứng một cách tiêu cực bằng các hành vi nguy cơ. Trong khi đó, những người gây bạo lực lại không thể hiểu rằng, đôi khi, chỉ bằng lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu sự tôn trọng và yêu thương, mình đã khiến một người phải bỏ mạng hoặc đánh mất tương lai”.

Theo Thế giới trẻ

giáo dục giới tính

bạo lực học đường

đồng tính

LGBT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.