“Người Việt không biết xếp hàng” vào đề Văn lớp 9

Nhận xét "dường như người Việt Nam không biết xếp hàng" của một bạn trẻ ở nước ngoài được đưa vào đề thi Văn lớp 9 ở TPHCM...

Nhận xét "dường như người Việt Nam không biết xếp hàng" của một bạn trẻ ở nước ngoài được đưa vào đề thi Văn lớp 9 ở TPHCM được nhiều học sinh hào hứng khi có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề diễn ra hàng ngày với mình.

Đề nằm ở câu 2, chiếm 3 điểm với nội dung: “Một du học sinh người Nhật khi đến học tập ở Việt Nam đã từng nhận xét rằng Việt Nam có lịch sử bốn nghìn năm văn hiến, có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp khiến cho cả thế giới ai cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng dường như người Việt Nam không biết xếp hàng mà việc xếp hàng chỉ dành riêng cho học sinh tiểu học (Sưu tầm)

Em có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy) trình bày suy nghĩ của mình”.

Câu 2 đề thi Văn đề cập đến thói xấu không biết xếp hàng của người Việt
Câu 2 đề thi Văn đề cập đến "thói xấu" không biết xếp hàng của người Việt

Đề Văn trên thuộc đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 của quận Thủ Đức, TPHCM.

Kỳ thi vừa diễn ra vào ngày 27/4, nhiều học trò bày tỏ các em rất thích thú với đề Văn này. Nội dung đề cập không đòi hỏi điều gì cao xa mà là việc diễn ra hàng ngày với chính các em khi ở trường học, đi siêu thị, công viên hay ở bệnh viện. Đây là thói xấu có thể nói là tương đối phổ biến của người Việt mà chính các bạn học sinh góp phần không nhỏ.

“Em không phê phán hay chỉ trích việc không biết xếp hàng của người Việt mà suy nghĩ có thể một phần đó là hệ quả dân tộc chúng ta từng trải thời bao cấp khó khăn, từng chết vì nạn đói… Em cũng viết trong bài nhiều hoàn cảnh không biết bản thân mình có đủ kiên nhẫn để xếp hàng hay không”, cô học trò Nguyễn Thị Huyền vừa trải qua kỳ thi cho hay.

Em Huyền cũng đánh giá đề thi không rườm rà, đơn giản, vấn đề gần gũi với từng học sinh và các em có thể có nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau. Đồng thời đề cũng mang tính giáo dục cao, đánh động vào ý thức học sinh.

Huyền chỉ tiếc là câu trên chỉ được viết khoảng một trang giấy và thời lượng cho đề thi (gồm 3 câu) chỉ 90 phút nên em chưa viết chưa… thỏa sức để nói hết suy nghĩ của mình về đất nước Việt Nam lập được những kỳ tích kỳ diệu nhưng lại bị “phàn nàn” những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ.

Trước đó, đề Văn học kỳ 2 lớp 9 của quận Tân Bình, TPHCM sử dụng những hình ảnh cũng được đánh giá đề thi sáng tạo, hay, mang hơi thở cuộc sống và có định hướng mang tính giáo dục với học trò.

Đề Văn học kỳ 2 lớp 9 của quận Tân Bình, TPHCM sử dụng hình ảnh học sinh trình bày quan điểm của mình giữa việc trải nghiệm thực tế hay là chọn thế giới ảo
Đề Văn học kỳ 2 lớp 9 của quận Tân Bình, TPHCM sử dụng hình ảnh học sinh trình bày quan điểm của mình giữa việc trải nghiệm thực tế hay là chọn "thế giới ảo"

Không phê phán hay áp đặt, đề đưa ra những hình ảnh các bạn trẻ trải nghiệm thực tế và hình ảnh một bộ phận bạn trẻ “vùi mình” trong game, mạng xã hội. Đề rất ngắn gọn: Trải nghiệm cuộc sống. Hay là... để yêu cầu học trò trình bày suy nghĩ của mình.

Phần nghị luận trong đề Văn học kỳ 2 lớp 9 của quận 11, TPHCM đưa hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” (của nhà văn Lê Minh Khuê) đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho đất nước trong thời chiến. Từ đó liên tưởng đến ngày nay, bên cạnh nhiều người trẻ sống đẹp vì cộng đồng thì không ít người sống vị kỷ, chăm lo lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Từ nội dung đó, đề yêu cầu học trình bày quan điểm của mình về hiện tượng này.

Đề thi này được chia sẻ trên mạng xã hội và nhiều người cũng đánh giá đề hay, đưa ra vấn đề “nhức nhối” trong giới trẻ nhưng lại “lồng ghép” các nhân vật từ tác phẩm văn học để học trò có thể vừa văn vừa luận. Bàn về một hiện tượng trong cuộc sống gắn liền với đời sống giới trẻ nhưng cũng không “bỏ quên” những áng văn hay, nhân vật từ các tác phẩm văn học.

Đề Văn đưa hình tượng của những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa và hiện tượng bạn trẻ ngày nay nghĩ nhiều đến ích lợi bản thân của quận 11, TPHCM.
Đề Văn đưa hình tượng của những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm "Những ngôi sao xa" và "hiện tượng" bạn trẻ ngày nay nghĩ nhiều đến ích lợi bản thân của quận 11, TPHCM.

Vài năm gần đây, ngành giáo dục TPHCM có những thay đổi mạnh mẽ trong đề thi văn vào lớp 10 nhằm giảm tình trạng học tủ, học thuộc, làm bài theo văn mẫu. Đặc biệt, đề chú trọng đến các câu hỏi mở, gắn với những vấn đề thời sự, gia đình và xã hội, những vấn đề gần gũi với lứa tuổi học trò để các em bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, chính kiến của mình.

Việc xuất hiện nhiều đề thi Văn mở với những chủ đề gắn liền với đời sống ở lớp 9, có thể thấy nhiều Phòng GD-ĐT ở TPHCM đã linh hoạt dựa vào cấu trúc đề Văn tuyển sinh lớp 10 của Sở như một cách để các em “tập dượt” để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh.

Việc thay đổi đề thi môn Văn theo hướng mở là cần thiết. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều giáo viên điều quan trọng nhất của một đề mở phải đi cùng một đáp án mở, đồng thời việc truyền thụ, giảng dạy ở lớp phải thay đổi tích cực. Nếu việc học Văn còn nặng đọc - chép, thiếu trải nghiệm thì các em sẽ gặp khó khăn khi xử lý đề mở.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.