Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1: Hậu của giáo dục "giả dối"

Câu chuyện những học sinh lớp 5 phải học thêm kiến thức lớp 1 là minh chứng cho những thành tích giả dối, sự áp đặt của những người làm giáo dục "vô cảm".

Câu chuyện những học sinh lớp 5 phải học thêm kiến thức lớp 1 là minh chứng cho những thành tích giả dối, sự áp đặt của những người làm giáo dục "vô cảm".

Câu chuyện dở khóc, dở cười về những học sinh lớp 5 phải học lại kiến thức lớp 1 có lẽ vẫn còn tìm thấy nhiều ở nhiều trường, là nỗi đau chung của toàn ngành giáo dục.

Bao giờ “căn bệnh thành tích”, những chỉ tiêu giả dối thay thế bằng sự trung thực được đề cao để hướng các em đến một nền giáo dục thực học?

Ngày 24/10/2016, trên báo Thanh niên có đăng bài “Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1” của tác giả Lam Ngọc, phản ánh về một ngôi trường tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục học sinh sáng học lớp 5 nhưng chiều phải chuyển xuống học lớp 1 vì không làm, đọc được các phép tính từ số 1 – 20.

Tuy nhiên, có một điều lạ là trong số những em này đã từng được xếp loại “giỏi”.

Ngược lại thời gian, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế, vì câu chuyện trên tưởng là “chuyện lạ” nhưng hóa ra lại không hề “lạ” một chút nào.

sang hoc lop 5, chieu hoc lop 1: hau cua giao duc "gia doi" hinh anh 1

Lên lớp - chạy theo bệnh thành tích (Ảnh: thanhnien.vn).

Không biết tự bao giờ, “bệnh thành tích” đã trở thành một “căn bệnh” vô cùng khó chữa của ngành Giáo dục Việt Nam.

Ở đâu cũng có nhiều học sinh giỏi nhưng rồi khi “lòi” ra thì mới biết nhiều em có sức học vô cùng bết bát, tuy nhiên, chuyện học sinh học yếu kém thì thời nào chẳng có. Điều mà dư luận không đồng tình là những học sinh như thế mà hàng năm vẫn lên lớp bình thường, còn được gắn thêm danh hiệu như “học sinh giỏi”; “học sinh tiên tiến”?

Trong trường hợp trên, chỉ riêng khối 5 đã có tới 21 em trong tình cảnh tương tự thì lớp 4, lớp 3, lớp 2 còn bao nhiêu em?

Thêm một góc nhìn việc học sinh lớp 6 phải học lại từ lớp 1

Trở thành thông lệ, năm nay, các em học lớp 5 buổi sáng - buổi chiều xuống học lại kiến thức lớp 1, vậy sang năm lên lớp 6 - buổi chiều học lại lớp mấy?

Hay các em sẽ phải bỏ học để bơ vơ, mặc cảm bước vào đời mà tương lai là một vùng trời xám xịt, vô định như trường hợp học sinh lớp 6 không viết được tên mình ở tỉnh Sóc Trăng?

Nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh - người ta nghĩ ngay đến một vùng đất có điều kiện kinh tế xã hội tốt nhất cả nước, một số huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ thì so với các vùng khác trong cả nước cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

Ngành giáo dục ở đây cũng là một trong những điểm sáng nhất của ngành giáo dục nước nhà.

Song, qua sự việc này chúng ta cũng thấy rõ được những gam màu tối đang đang định hình rõ rệt trong bức trang giáo dục nước nhà.

Một thực tế đáng buồn là “tư duy máy lạnh” vẫn đang hiện hữu trong những người làm công tác giáo dục hiện nay.

Một bộ phận không nhỏ này thường thích nghe báo cáo nhiều hơn thực tế, lãnh đạo đi cơ sở cũng chỉ dừng lại ở mức ghé đến văn phòng và nghe điểm qua báo cáo.

Các chủ trương đổi mới, các buổi tập huấn chỉ dừng lại trên những bài giảng lí thuyết rồi tập huấn xong là mạnh ai nấy làm.

Giáo viên mơ hồ, bất lực trong giảng dạy, lãnh đạo thì cứ chỉ đạo… và báo cáo cấp trên là cái nọ được, cái kia tốt. Cuối năm tổng kết cũng chỉ dừng lại những bề nổi của đơn vị, của ngành.

Những khó khăn, hạn chế cũng chỉ là những lát cắt nhỏ được lướt qua; chỉ tiêu thì ấn định từ đầu năm, giáo viên nào không đạt thì phê bình, cắt thi đua.

Trong khi chất lượng thật thì thấp, lớp dưới đẩy lên lớp trên và cứ thế đẩy lên cao mãi, chuyện ngồi nhầm lớp đâu còn cá biệt với một vài trường hợp mà đã phổ biến khắp cả các trường học rồi.

Chuyện thi cử của học trò cũng chỉ là chuyện làm lại những bài tập giáo viên đã dạy, đã giải trên lớp nên kì thi nào học sinh cũng dễ dàng vượt qua; không qua, thì nhà trường cũng tìm mọi cách để cho qua.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định “giáo dục là động lực để phát triển đất nước” nhưng những “động lực” mà học lớp 5 - 6 chưa biết viết tên mình, chưa đọc thông viết thạo và làm phép tính trong phạm vi 20 thì liệu đất nước sẽ ra sao trong tương lai?

Chúng ta chưa có chế tài để xử lí những trường hợp cụ thể để quy trách nhiệm cho một người cụ thể.

Cụm từ “rút kinh nghiệm” đã rút hoài nhưng sau đó lại cũng đâu vào đấy, nhiều cá nhân dám làm nhưng chưa dám chịu trách nhiệm, mỗi khi sự việc bị phanh phui thường đổ lỗi cho nhau để rồi tất cả lại “đánh trống bỏ dùi”.

Đất nước sẽ ra sao, xã hội sẽ ra sao khi hàng ngày chúng ta cứ thấy cái ác, cái xấu lởn vởn, cái giả dối được lặp đi lặp lại và trở thành quen thuộc?

Ngành giáo dục có nhất thiết phải giả dối và cần bệnh thành tích không khi mà những “căn bệnh” ấy đang làm lung lạc niềm tin của xã hội?

Cần lắm sự dũng cảm của những người thầy và các lãnh đạo ngành giáo dục phải nhìn vào sự thật, chấp nhận sự thật để những “mầm non” của đất nước không phải rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” như trong thời gian qua!

Theo Thầy giáo Nguyễn Cao/ GDVN

bệnh thành tích

ngồi nhầm lớp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.