Sắp nghỉ hưu, tôi vẫn không gọi học trò là “con”

Nhiều học sinh cũng xưng “con” với tôi nhưng đáp lại, tôi thì dứt khoát gọi bằng “em”.

Nhiều học sinh cũng xưng “con” với tôi nhưng đáp lại, tôi thì dứt khoát gọi bằng “em”.

Suốt cả thời học sinh phổ thông, tôi và bạn bè đồng trang lứa đều được thầy cô, dù ở bất cứ độ tuổi nào, gọi là “em”. Tương ứng, chúng tôi cũng xưng “em” với thầy cô.

Sắp nghỉ hưu, tôi vẫn không gọi học trò là “con”Trước đây, thầy cô giáo thường gọi học trò là "em" (Ảnh TL)

Thầy giáo gọi trò là “em”, theo tôi như là một sự mặc định, có tính chất truyền thống trong nhà trường nói chung nhất là ở các trường phổ thông.

Cũng có vài trường hợp khác biệt, như năm tôi học lớp tám, có một thầy người Sài Gòn mới ra trường về dạy môn Toán luôn gọi học sinh bằng “anh - chị”. Cách gọi này làm cho lũ học trò nhà quê chúng tôi dù vẫn xưng “em” nhưng cảm thấy bỡ ngỡ, xa cách, sợ và phải rất lâu mới thân thiện với thầy.

Sau này, khi học ở trường sư phạm cũng có nhiều thầy cô, nhất là các  thầy cô trẻ,  gọi chúng tôi là “anh - chị”, nhưng chúng tôi vẫn cứ xưng “em”.

Người khác thế nào không biết, chứ riêng tôi thì cả thời đi học chưa bao giờ gặp một thầy cô giáo nào gọi tôi bằng “con”, dù thực tế có những thầy, cô tuổi đã cao, có con học cùng lớp với tôi hoặc có khi là lớn hơn tuổi tôi. Cho đến bây giờ, những thầy cô cũ dạy tôi hồi tiểu học tuổi đã ngoài 80, còn tôi thì đã bước qua tuổi 60, vậy mà khi gặp nhau thầy cô vẫn gọi tôi bằng “em” và tất nhiên tôi cũng xưng “em” như mấy chục năm về trước.

Sắp nghỉ hưu, tôi vẫn không gọi học trò là “con”

Hiện nay, ngoài cách xưng "em", học sinh còn có cách xưng "con" với thầy cô giáo  (Ảnh Đinh Quang Tuấn)


Gần 40 năm làm nghề dạy học, dạy cả cấp 2 và cấp 3, tôi vẫn gọi học trò của mình bằng “em” dù đang học lớp 6 hay lớp 12. Nếu có xuống dạy cấp tiểu học, với học trò 6 - 7 tuổi thì chắc chắn tôi vẫn gọi học sinh là “ em”.  

Ngay cả đối với con ruột của mình, trong giờ lên lớp tôi vẫn gọi là “em”.

Cũng có trường hợp do thói quen hoặc do ảnh hưởng cách xưng hô với thầy cô khác, nhiều  học sinh cũng xưng “con” với tôi nhưng đáp lại, tôi thì dứt khoát gọi bằng “em”.

Có ý kiến cho rằng gọi học sinh bằng “con” và tất nhiên học sinh cũng phải xưng “con” mới thể hiện sự thân thiện, sự quan tâm đúng mực của thầy, cô đối với học sinh, xem học sinh như con cháu trong nhà. Hoặc cao hơn thì đó là sự thể hiện sinh động truyền thống “tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam”. Gọi học sinh là “em” là thầy, cô tự hạ thấp mình…(!?)

Tôi thì lại nghĩ khác. Nhà trường khác với gia đình, quan hệ thầy - trò khác quan hệ cha, mẹ - con cái. Gọi học sinh là “con” khiến cho thầy, cô dễ trở thành gia trưởng, độc đoán và trò thì dễ bị rơi vào sự phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại hoặc ngược lại là sợ sệt thầy cô.

Chỉ còn mấy tháng nữa là nghỉ hưu, tôi vẫn gọi học sinh là “em” như thời còn trẻ. Học sinh cấp 2, từ 11-15 tuổi, nhiều em là cháu nội, cháu ngoại của những người bạn, tôi vẫn gọi là “em”, kể cả khi đến chơi nhà với ông, bà nó.

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.