Thanh Hóa: Giáo viên phổ thông bức xúc vì bị điều chuyển xuống dạy mầm non

Vừa qua, báo Infonet nhận được phản ánh của một số giáo viên Thanh Hóa khi họ đang dạy các môn Văn, Sử, Toán tại các trường THCS thì bỗng nhiên bị điều chuyển xuống dạy mầm non theo kiểu “một đi không trở lại”.

Vừa qua, báo Infonet nhận được phản ánh của một số giáo viên Thanh Hóa khi họ đang dạy các môn Văn, Sử, Toán tại các trường THCS thì bỗng nhiên bị điều chuyển xuống dạy mầm non theo kiểu “một đi không trở lại”.

Theo đơn, các giáo viên này cho biết: “Chúng tôi là những giáo viên THCS và bị điều chuyển xuống dạy mầm non từ ngày 22/9/2015 trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa).

Hôm nay, ngày 7/3/2017, chúng tôi lại tiếp tục nhận được quyết định của ông Lê Văn Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc về việc cử giáo viên đi bồi dưỡng giáo viên điều chuyển từ năm học 2015 – 2016.

Xin hỏi chúng tôi tham gia khóa đào tạo này để làm gì? Chi phí đi lại, ăn ở chúng tôi tự lo? Chúng tôi không tự nguyện đi học.

Đó là chưa kể, việc điều chuyển chúng tôi là những giáo viên THCS xuống dạy mầm non đã khiến chúng tôi rất bức xúc trong thời gian qua trong khi Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương dừng việc điều chuyển này”.

Việc điều chuyển giáo viên mầm non gây nhiều bức xúc (ảnh:SGGP)

Chia sẻ với PV báo Infonet, một giáo viên giấu tên cho hay: “Năm 2015 khi bị điều chuyển từ dạy THCS xuống dạy mầm non, thú thực tôi cũng hơi hoang mang nhưng vẫn nuôi hi vọng một ngày được quay trở về dạy đúng chuyên môn và ngành mình yêu thích.

Xuống dạy mầm non, thực chất là công việc dỗ trẻ, nấu cơm, rửa bát… Nó không hề đúng với những gì mà tôi đã được học ở trường sư phạm sau bao năm học hành.

Sau bao nỗ lực, phấn đấu để thi và được tuyển dụng vào năm 2008, tưởng rằng từ đây sẽ được sống với đam mê và sở thích. Đúng là đời không ai đoán được chữ ngờ, năm 2015 tôi đột ngột bị điều chuyển xuống dạy mầm non, ngày ngày chỉ cho trẻ ăn, ngủ và dường như “không còn đường quay trở lại” để được sống với nhiệt huyết thực sự”.

Quyết định cho 28 giáo viên bị điều chuyển đi bồi dưỡng

Cùng hoàn cảnh, một giáo viên khác chia sẻ: “Trong danh sách hiện nay có 28 giáo viên đi học lớp bồi dưỡng giáo viên theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc.

Theo đúng quy định, hôm nay ngày 9/3, toàn bộ số giáo viên có trong danh sách này phải nhập học. Nhưng sáng nay tại địa điểm tập trung là ĐH Hồng Đức (trung tâm TP. Thanh Hóa), có rất ít giáo viên tới tập trung. Phần vì thông báo quá gấp, nhiều giáo viên chưa sắp xếp được công việc, phần vì nhiều người bức xúc nên không tới.

Từ khi bị điều chuyển là năm 2015, chúng tôi chỉ là giáo viên phụ của lớp. Rất có thể sau khi học xong lớp bồi dưỡng 6 tuần này chúng tôi sẽ bị giao đứng lớp chính. Nhưng có một điều tôi không hiểu, trong vòng 6 tuần học được những gì mà chúng tôi có thể đứng lớp chính được?”.

Giáo viên này cũng chia sẻ thêm: “Theo quy định, đi học lớp bồi dưỡng mỗi ngày chúng tôi sẽ được trợ cấp 50 nghìn đồng. Địa điểm học cách nhà tôi 80km, không hiểu với 50 nghìn đồng chúng tôi sẽ ăn ở ra sao?

Vốn là giáo viên dạy Văn nên tôi luôn tha thiết được dạy văn và chuyển tải những cái hay, cái đẹp tới học sinh. Cứ thế này, không biết tới bao giờ tôi mới được trở lại làm công việc mình mơ ước.

Khi thừa giáo viên, tôi đồng ý với quyết định điều chuyển. Tuy nhiên, phải cho chúng tôi biết sẽ điều chuyển trong bao lâu chứ không thể vô thời hạn thế này được. Đó là chưa kể, mới đây Bộ GD&ĐT đã có quyết định dừng việc điều chuyển giáo viên. Vậy nên để chúng tôi quay trở lại dạy cấp THCS”.

Trước đó, Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 ngày 14/1, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên trên toàn quốc đang có sự thiếu hợp lý, thể hiện ở tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" ở tất cả cấp học.

Tổng số giáo viên công lập cả nước dôi dư là 26.750, trong đó có 3.190 giáo viên tiểu học, 21.000 giáo viên trung học cơ sở, 2.550 giáo viên trung học phổ thông.

Trong khi đó, tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.050, gồm 32.640 giáo viên mầm non, 7.820 giáo viên tiểu học... Một số địa phương chuyển giáo viên phổ thông sang dạy mầm non, cho dù họ chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo.

Theo Infonet

giáo viên

giáo viên mầm non

Giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.