Thầy hiệu trưởng bật khóc khi nói về việc cấm dạy thêm

Một hiệu trưởng ở TPHCM đã bật khóc khi nói về việc cấm dạy thêm học thêm và việc giáo viên không thể sống bằng đồng lương.

Một hiệu trưởng ở TPHCM đã bật khóc khi nói về việc cấm dạy thêm học thêm và việc giáo viên không thể sống bằng đồng lương.

Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM vào chiều 23/8 về quy định dạy thêm học thêm của thành phố, hiệu trưởng Trường Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, thầy Nguyễn Văn Lợi đã nghẹn ngào bật khóc ngay giữa cuộc họp.

Thầy lợi nói, ở tiểu học gọi là dạy thêm chứ thật ra là giữ trẻ. Phụ huynh không đón con vào giờ tan trường được, họ có nguyện vọng để giáo viên giữ trẻ thêm sau giờ học. Trường học tổ chức các sinh hoạt hội nhóm, thể dục thể thao, năng khiếu... cho các em. Em nào không thích vận động, chạy nhảy thì giáo viên sẽ tổ chức cho ôn bài.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Lợi bật khóc trước quy định cấm dạy thêm của thành phố và tâm tư giáo viên khó sống bằng nghề
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Lợi bật khóc trước quy định cấm dạy thêm của thành phố và tâm tư giáo viên khó sống bằng nghề

"Phụ huynh thì không thể đón con đúng giờ, giáo viên thì không được trông, vậy sự an toàn của các em sẽ như thế nào? Giáo viên không dạy trong trường thì người ta đi dạy bên ngoài, bên ngoài mà cũng bị cấm thì họ đi gia sư, vì đồng lương không đủ sống".

Thầy Lợi ngập ngừng rồi tiếp lời: "Bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát để kiếm tiền mà giáo viên không được sống bằng chính nghề của mình thì còn gì buồn hơn. Tôi không dạy thêm nhưng tâm tư của người thầy không sống được bằng nghề, có nhiều thứ đâu tiện nói ra", nói đến đây, ông Lợi nghẹn ngào bật khóc. Ông ngồi xuống ghế thật nhanh như hy vọng mọi người không nhìn thấy mình rớt nước mắt.

Ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD-DT quận 3 cho hay, học sinh tan trường lúc 4 giờ hoặc 4 giờ hơn, phụ huynh mong muốn giáo viên có thể giữ trẻ đến sau 5 giờ để họ tiện đưa đón.

Ngoài ra, theo ông Dũng cái gốc của dạy thêm là việc học của chúng ta lâu nay luôn đi cùng chữ thi. Học là để thi, trong khi việc học trên lớp có từng đó chưa đáp ứng được việc thi, thế là đi học thêm. Về phía giáo viên, lương không đủ sống nên họ kiếm sống bằng chính cái nghề của mình.

Ông Dũng cho biết, Phòng triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở, tuy nhiên đây là nhu cầu có thật nên đề nghị xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Vì việc học trong trường đảm bảo được về cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh và thuận lợi cho việc đưa đón của phụ huynh cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho giáo viên.

Theo ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, TPHCM, cái gốc của học thêm là do chúng ta học để thi

Còn để "triệt" dạy thêm, ông Dũng cho rằng phải giải quyết về chương trình học, thi cử và cả vấn đề lương của giáo viên. Khi những vấn đề này được giải quyết, giáo viên nào vi phạm thì mạnh tay loại khỏi ngành.

Dẫn đầu đoàn giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM cho hay thực tế là hiện nay chương trình học rất nặng. Lớp thì có đến 50 em, 45 phút thì 15 phút để kiểm tra bài chỉ còn 30 phút để chuyển tải bài mới. Nếu chỉ học theo chương trình chính khóa, các em rất khó để thi đỗ vào các trường như mong muốn. "Như con tôi cũng phải đi học thêm để thi vào trường mà cháu mong muốn", bà Nhung thẳng thắn.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra mới đây, rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi "Tại sao?" đối với quy định cấm dạy thêm học thêm của thành phố. Đoàn thực hiện khảo sát tại một số quận để có cái nhìn toàn diện hơn. Sau khi gặp gỡ các trường học, các quận huyện, đoàn khảo sát Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM sẽ làm việc với Sở GD-ĐT và lãnh đạo thành phố để lắng nghe và trao đổi lại về quy định dạy thêm học thêm, nhất là việc điều chỉnh lộ trình thực hiện sao cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Dân Trí

học thêm

dạy thêm

quy định về dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.