Dùng tiếng Anh thi hát: Kém tài hay sính ngoại?

Tại các cuộc thi tài năng ca hát trên truyền hình hiện nay, có một thực trạng đáng báo động là các thí sinh đang lạm dụng các ca khúc tiếng Anh.

Tại các cuộc thi tài năng ca hát trên truyền hình hiện nay, có một thực trạng đáng báo động là các thí sinh đang lạm dụng các ca khúc tiếng Anh.

Chọn vì dễ hát

Trung bình cứ 1 thí sinh thi hát bằng bài hát tiếng Việt thì có đến 5 thí sinh thi hát tiếng Anh. Đơn cử trong chương trình tìm kiếm tài năng Việt – Vietnam Got's Talent, ngay ở vòng loại, số lượng thí sinh đăng ký hát tiếng Anh đã chiếm 1/3 tổng số thí sinh thi mỗi vòng.

Thái Trinh- thí sinh được cả 4 huấn luyện viên chọn trong “Giọng hát Việt” cũng chọn ca khúc tiếng Anh để dự thi. Lý Võ Phú Hưng

Và càng vào sâu, thí sinh hát tiếng Anh lại càng nhiều. Tương tự, gameshow The Voice (Giọng hát Việt) chỉ mới 3 tập đầu phát sóng đã cho thấy sự “lên ngôi” của các ca khúc tiếng Anh. Những thí sinh được cả 4 vị giám khảo đồng loạt bấm nút “chọn” để đi tiếp vào vòng trong như: Đinh Hương, Phạm Thị Hương Tràm, Thái Trinh, Phương Linh, Quốc Cường…. đều là những thí sinh hát lại những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng.

“Có nhiều thí sinh hát tiếng Việt rất ổn nhưng vẫn cố tình “sính ngoại” để bằng chị bằng em khiến bản thân tự rơi vào “thảm họa âm nhạc” lúc nào không hay”.(Ca sĩ Tùng Dương)

Chương trình Vietnam Idol 2012 tuy chỉ mới ở vòng sơ tuyển khu vực nhưng theo thông tin từ phía ban tổ chức thì năm nay các thí sinh chọn ca khúc tiếng Anh để thể hiện khả năng ca hát của mình đã tăng lên đột biến.

“Chọn hát tiếng Anh đang trở thành một xu hướng mới của các gameshow mang tính thi thố về âm nhạc và Vietnam Idol không nằm ngoài xu thế đó. Có lẽ bởi ca khúc tiếng Anh dễ thể hiện, lại có nhiều ca khúc nổi tiếng nên các bạn thí sinh, nhất là đối tượng thí sinh tuổi teen rất hay chọn. Điều này phần nào tạo nên màu sắc mới nhưng cũng là một sự thách thức đối với những người cầm cân nảy mực” – một thành viên trong Ban giám khảo VietnamIdol 2012 cho biết.

Từ thực tế trên, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc lẫn công chúng yêu nhạc Việt không khỏi băn khoăn khi kho tàng nhạc Việt có không ít ca khúc hay, gần gũi, dễ hát… mà các thí sinh vẫn “nhấn nút” bỏ qua. Phải nhạc Việt đã lỗi thời?

Ca sĩ Tùng Dương – giám khảo Sao mai Điểm hẹn 2012 cho biết: “Việc các thí sinh chủ yếu chọn ca khúc tiếng Anh trong cuộc thi âm nhạc gần đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi thanh âm tiếng Anh hát dễ hơn là tiếng Việt. Tiếng Anh khi phát âm không bị đóng âm như tiếng Việt. Người hát có thể dễ lấp liếm tinh thần của mình trong cách hát. Ngoài ra, mỗi ca khúc nước ngoài thể hiện rất rõ thể loại như Jazz hay Blue, Rock…”.

Tuy nhiên, ca sĩ Tùng Dương cũng bày tỏ quan điểm mặc dù khuyến khích các bạn trẻ tự tìm ra năng lực của chính mình trong môi trường quốc tế để có cơ hội hội nhập với thế giới thì cũng không vì thế mà lạm dụng tiếng Anh để rồi quên mất những ca khúc bằng tiếng mẹ đẻ.

Chỉ nên là “gia vị”

Chia sẻ về điều này, các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và Sỹ Luân khẳng định rằng, các thí sinh thể hiện ca khúc tiếng Anh tốt chưa chắc đã hát tiếng Việt tốt. Trong khi đó những cuộc thi như: Vietnam Idol, Vietnam Got's Talent, Giọng hát Việt, Ngôi nhà âm nhạc… là để tìm kiếm tài năng Việt, giọng hát Việt cho chính những khán giả Việt nghe.

Và mặc dù tiếng Việt được cho là khó hát, thanh âm bằng, trắc khó phát âm, quãng hẹp và không có nhiều ca khúc bất hủ mang tầm quốc tế như nhạc nước ngoài thì các thí sinh chọn hát các ca khúc Việt mới thể hiện được bản lĩnh cũng như tài năng thật sự.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các gameshow muốn tìm kiếm được tài năng âm nhạc Việt Nam thực sự thì trước nhất phải khuyến khích các thí sinh phô diễn tài năng và chất giọng của mình bằng những ca khúc Việt. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, mình là người Việt, sống trong môi trường Việt thì hãy chinh phục khán giả bằng tiếng Việt trước rồi hãy hát bằng các ngôn ngữ khác.

Vẫn biết tiếng Anh đang là ngôn ngữ quốc tế mà đất nước ta lại đang trong thời kỳ hội nhập, hát tiếng Anh cũng là cách để bạn bè quốc tế biết được khả năng của mình. Tuy nhiên, xét trên tiêu chí của các gameshow là tìm kiếm “giọng hát Việt” hay “tài năng âm nhạc Việt” thì các ca khúc tiếng Việt vẫn là yếu tố chủ đạo và điều cần khuyến khích trong các cuộc thi. Muốn làm được điều này, trước tiên, Ban tổ chức các chương trình phải thể hiện vai trò kiểm soát “đầu vào”.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.