- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Chồng Thu Phương chia sẻ cách dạy con tự lập
Ông bầu Dũng Taylor không chỉ nổi tiếng với hình ảnh một người chồng biết chia sẻ với vợ mà còn được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách giáo dục con cái.
Là chồng của một ca sĩ nổi tiếng, là ông bố của 4 đứa con, trong đó có cả con chung, con riêng, Dũng Taylor thừa nhận không thể tránh khỏi những va chạm trong cách dạy con, đặc biệt là những mâu thuẫn do sự khác biệt về văn hóa và quan điểm giáo dục.
Gia đình Dũng Taylor và Thu Phương |
Vượt qua khác biệt văn hóa
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Dũng Taylor cho biết cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” của anh và ca sĩ Thu Phương chỉ thực sự bắt đầu khi hai con riêng của vợ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. “Người Bắc, kẻ Nam, người thuận Việt kẻ thuần Mỹ, người từ 21 tuổi đã quen lối sống hôn nhân gia đình, kẻ đã từng thề sẽ sống độc thân cho đến lúc gặp Phuơng mới thay đổi suy nghĩ đó thì không thể nào một ngày một buổi hoà hợp, thống nhất quan điểm giáo dục con cái, nhất là đối với người mẹ xa các con một thời gian khá dài và muốn làm mọi thứ để bù đắp” – anh nói.
Khó khăn của anh không chỉ ở việc thuyết phục vợ mà còn phải thuyết phục cả bố mẹ vợ - người đã chăm sóc cho 2 bé từ khi còn nhỏ. Anh thừa nhận, do ông bà đã cao tuổi nên cần phải có thời gian để thích nghi và hòa hợp.
Dạy con tự lập
Quan điểm của anh là thương con có nhiều cách và cách tốt nhất là nên trang bị cho con những hành trang cần thiết để tự giải quyết vấn đề của mình trong cuộc sống khi vấp ngã, vì không phải lúc nào bố mẹ cũng ở bên cạnh để chăm sóc con. “Những ngày đầu vô cùng khó khăn đối với tôi vì sống ở Mỹ từ bé nên đã quen cách sống tự lập, tôi phải thuyết phục ông bà, và vợ tôi giáo dục cho các con ngoài việc đạo đức, học hành, ứng xử mà còn phải cho các con khả năng tự lập, không phụ thuộc và tự làm chủ tất cả những quyết định của mình” – anh chia sẻ.
Cậu con trai Barry trong một lần đi siêu thị cùng bố mẹ |
Con gái Shirley, hiện tại đã 15 tuổi từ một đứa trẻ khi ở Việt Nam không biết tự tắm, không chịu ngủ riêng lúc 8 tuổi thì bây giờ đã biết trông em khi bố mẹ vắng nhà.
“Cô gái út Hailey không chịu ngủ trưa vì không có người gãi lưng hoặc cô giáo gãi lưng em không có "hay" như bà ngoại, theo lời nhận xét của Hailey. Bây giờ cháu đã tự mang chăn gối của mình ra khi ngủ trưa và không cần có người gãi lưng nữa” – ông bố 4 con chia sẻ rất hài hước.
Theo anh, một đứa trẻ 3 tuổi đã có thể tự lập một số việc dưới sự quan sát và hỗ trợ của người lớn. Đó cũng là lý do anh thường quan sát cách giáo dục của các cô ở trường với trẻ 3 tuổi, xem có dạy các con tự đi vệ sinh, tự rửa tay chân, tự lấy và cất chăn gối của mình sau khi dùng xong hay không.
Đưa con đi chợ cùng
Để giúp con tự tin, linh hoạt hơn và tạo cơ hội giao tiếp với mọi người, vợ chồng anh thường đưa các con đi chợ cùng thay vì để các cháu ngồi nhà dùng vi tính, điện thoại chơi game… Ngoài ra, việc đưa con đi chợ hàng tuần cũng là cách để anh rèn cho con những đức tính: tự tay mua những món hàng mình yêu thích, biết và cảm nhận được giá trị đồng tiền để tránh tình trạng hoang phí, chia sẻ công việc trong gia đình với mọi người.
Để giúp con hình thành thói quen ngăn nắp, khoa học, anh còn đóng một tấm bảng riêng phía trên tủ lạnh, được đặt tên là “grocery list” mà anh vẫn gọi nôm na là “sớ Táo quân”. Mục đích của tấm bảng là để người nào tiêu thụ món đồ cuối cùng trong tủ lạnh sẽ phải viết lên “sớ” để bố mẹ mua thêm mỗi lần đi chợ hàng tuần.
"'Sớ Táo quân" để dạy các con tính khoa học |
Anh cho rằng nếu không dạy con từ bé thì sẽ muộn vì khi chúng đủ thông mình và quen lối sống được người khác phục vụ mình thì lúc đó chúng sẽ trả lời, tỏ thái độ và phản kháng khi phải tự lo cho mình. “Cái tuổi từ 8-11 là cái tuổi lý luận, phản kháng cho dù đúng hay sai và từ 11-15 tuổi là tuổi ham chơi và lười biếng trở thành thông lệ. Từ 15 đến 18 tuổi là tuổi trai gái, bạn bè là chính, không còn muốn sinh hoạt với bố mẹ và gia đình nữa và nếu bố mẹ gây áp lực thì sẽ nảy sinh ý tưởng thoát ly gia đình” – anh chia sẻ.