Các bạn trẻ Nhật trong mọi cuộc đua đều đánh bại người nước ngoài một cách dễ dàng, chúng tôi có đỏ mặt tía tai cũng không thể đuổi kịp các bạn trên những đường đua khác nhau.
Tôi vừa trải qua những ngày đầy cảm xúc khi tham dự Undoukai - ngày hội thể thao thường niên của các trường học Nhật Bản tại trường mẫu giáo của con. Dẫu đây không phải lần đầu được tham dự hội thao truyền thống này, nhưng khi con lên tới cấp mẫu giáo lớn hơn, hội thao trở nên “chuyên nghiệp” hơn, thì người mẹ như tôi cũng cảm nhận được sâu sắc và thấm thía hơn triết lý giáo dục của xã hội Nhật thấm đẫm trong từng trò chơi.
Triết lý ấy, nghe tưởng như rất trái ngược nhưng lại thật kỳ diệu: thi đấu để cùng đoàn kết hơn. Nó góp phần lý giải cho những câu hỏi mà ai cũng thắc mắc về xã hội Nhật: vì sao trẻ em Nhật mạnh khỏe, đoàn kết và kỷ luật đến vậy.
Kỳ I: Học triết lý giáo dục thể chất của người Nhật: Cạnh tranh để đoàn kết hơn
Ngày hội quan trọng nhất năm
Ngày thứ hai của tháng 10 được coi là ngày lễ thể thao của Nhật và là dịp các trường học ở mọi cấp (từ cấp mẫu giáo trở đi) rộn rã diễn ra hội thao thường niên Undoukai (Sports day). Đây là thời điểm đẹp nhất trong năm khi những cơn gió mát lạnh của mùa thu tràn về, các em học sinh đang tràn trề năng lượng sau một mùa hè vận động khỏe khoắn.
Undoukai thực sự bắt đầu từ thời Minh Trị, thời kỳ đổi mới mạnh mẽ trong xã hội Nhật về mọi mặt, trong đó có đổi mới mạnh mẽ về mặt tư tưởng. Đó là thời điểm người Nhật khát khao muốn bắt kịp xã hội phương Tây và họ đã hiểu ra rằng điều quan trọng nhất cấu thành nên những tế bào xã hội mạnh mẽ là ở thể lực tráng kiện, bền bỉ, sự kỷ luật, tinh thần cộng đồng. Vì thế, ngày hội thể thao đã trở thành ngày hội truyền thống quốc gia, là một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất của xã hội Nhật và của nền giáo dục Nhật Bản.
Nó không chỉ là hoạt động thể thao thông thường mà được coi như một hoạt động thực hiện vì tinh thần dân tộc, vì mục đích quốc gia. Tham dự vào các kỳ undoukai, bạn có thể cảm nhận sự sắp xếp tinh tế giữa các bài thi vận động vừa đòi hỏi sự phối hợp với tập thể, vừa đòi hỏi kỹ năng cá nhân đều có dụng ý. Đó là kết quả của nền giáo dục coi trọng cộng đồng là quan trọng nhất.
Dịp Undoukai cũng là thời điểm bận rộn nhất của các trường học khi các thầy cô phải dành ra nhiều tháng trời để tập luyện cho trò theo các chương trình thi đấu có sẵn, dành thời gian chế tạo đạo cụ và chuẩn bị trang trí cho ngày hội. Hội phụ huynh cũng bận rộn không kém, các bậc cha mẹ chúng tôi tích cực góp sức tham gia vào ngày hội như chuẩn bị đạo cụ, cầm cờ, chăng băng rôn bảng hiệu. Mọi sân vận động, sân chơi ở Nhật đều được chưng dụng làm sân thi đấu và đôi khi các ngày hội thao không còn là hoạt động của riêng một trường học mà còn thực sự là ngày hội của cộng đồng xung quanh đó.
Để “phục vụ” hội thao của con mình, tôi phải xin nghỉ làm, 2 buổi, một buổi tới trường để ghi danh tham dự góp sức và tập luyện cùng con với các bậc cha mẹ khác. Một buổi giúp trang trí và “xí chỗ” ở sân trường vì Undoukai là dịp rất đông người tham dự, nhiều gia đình thậm chí còn có ông bà tới cổ vũ các cháu nên không nhanh chân thì tới chính hội cả nhà chỉ có thể đứng cả ngày mà nhìn con thi đấu.
Bố mẹ tới xí chỗ trước hôm khai mạc.
Ngay từ chiều hôm trước, các bậc cha mẹ đã rôm rả tới trải thảm, đóng cọc, chăng dây cho chỗ ngồi của mình, lũ trẻ tung tăng chạy chơi và hào hứng chờ đón ngày hội. Các mẹ còn í ới hỏi nhau về hộp cơm sẽ chuẩn bị ngày mai, đây là dịp bọn trẻ hãnh diện khoe với bạn bè xung quanh về sự khéo tay của mẹ mình. Chúng tôi còn tranh thủ dùng smartphone chụp lại tập chương trình dày cộp và tỉ mỉ mà nhà trường đã lập trước, nào là mẹ nào sẽ tham gia tiết mục nào, sân thi đấu được kẻ vẽ và phân bố vị trí ra sao…
Dịp tổ chức undoukai thường niên thường hay có mưa bão, nên trường học nào cũng sẽ xếp lịch sẵn, nếu ngày chính hội mưa thì hội sẽ được rời tới tổ chức vào ngày nào, các ngày sau lịch học ra sao. Thông thường các trường học sẽ chọn sẵn 3-4 ngày, hễ ngày nào không mưa sẽ tổ chức theo lịch đã định. Điều này đồng nghĩa với việc các bậc cha mẹ phải gác hết các kế hoạch khác của gia đình trong vài ngày để nhất định cùng bé tham gia Undoukai, và dành cả một ngày để hòa mình vào hoạt động của con.
Phụ huynh giúp nhà trường đi thông báo sắp tới phần thi của các ông các bà cùng các cháu.
Thành quả tuyệt với của giáo dục thể chất
Tùy thuộc vào từng cấp học mà Undoukai ở Nhật được tổ chức tăng dần mức độ chuyên nghiệp, nghiêm túc và cả độ khó của nội dung thi đấu, nhưng ngay cả với những trường nhận trông trẻ từ vài tháng tuổi cũng có Undoukai. Trẻ em Nhật được làm quen với thể thao ngay từ nhỏ như vậy.
Một trong những trải nghiệm vui vẻ nhất của tôi tại trường học của con đó là dự Undokai của cấp học bé nhất. Lớp bé tí xíu mấy tháng tuổi năm nào cũng thi bò (hai mẹ con cùng tham dự), các lớp lớn hơn có nhảy ngựa, thi chạy, chạy tiếp sức...
Có khi các em bé mấy tháng tuổi, đang bò ngon lành bỗng dưng ngồi thần ra rồi bỗng dưng mếu máo, rồi oà khóc nức nở; cũng có bạn đang bò tiến bỗng dưng quay đầu và bò lại về nơi xuất phát, mặc cho mẹ em ở vạch đích kêu gọi khản tiếng. Chưa kể đến chuyện các em đang ngồi ở khu vực của mình, nhìn thấy bố mẹ đang đứng ngoài cổ vũ, bỗng nhiên đứng lên chạy, bỏ mặc “đồng đội” ngơ ngác nhìn theo. Khi bị ngăn cản thì khóc lóc ầm ĩ làm các cô giáo muôn phần bận rộn hơn. Còn là những “xì căng đan” đang chạy điền kinh, thấy gia đình mình giơ máy chụp hình, các bạn bèn đứng lại giơ tay tạo dáng, chụp xong thi tiếp. Còn là những “vụ” tuột giày trong lúc chạy, “khổ chủ” mặc kệ chạy tiếp, trong khi “đối thủ” thì quay lại nhặt giày và đuổi theo đưa cho bạn.
Thi ném bóng vào đích, sau khi ném xong lại thi dọn bóng vào rổ như cũ. Đây là tiết mục thi phổ biến nhất trong mọi dịp undoukai.
Phần thi khản cổ vì cổ vũ nhất: chạy tiếp sức.
Xem các lớp mẫu giáo thi đấu dường như được xem hoạt cảnh hài chứ không phải là buổi thi thể thao nữa, nhưng coi vậy mà các em cũng phải luyện tập ra trò trước khi thi đấu.
Tôi cũng từng có trải nghiệm tham gia Undoukai với các em học sinh cấp 3 của Nhật. Cùng thi đấu với tôi có các em du học sinh Việt Nam, trong đó có nhiều em xuất thân từ nông thôn, sức chịu đựng hơn các bạn thành phố rất nhiều vì còn phải làm việc đồng áng, nhưng vào thi đấu thật mới thấy, sức bền và năng lực phối hợp mới là điều quan trọng. Các bạn trẻ Nhật trong mọi cuộc đua đều đánh bại người nước ngoài một cách dễ dàng, chúng tôi có đỏ mặt tía tai cũng không thể đuổi kịp các bạn trên những đường đua khác nhau.
Sự đánh bại không hề có ý nghĩa tự mãn, nó là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ luyện tập và bồi dưỡng thể chất của đa phần học sinh Nhật ngay từ nhỏ. Quan sát các phần thi Undoukai, đa phần đều phổ biến và giống nhau ở nhiều cấp học, bạn có thể nhận ra các phần thi cơ bản và phổ biến nhất đều đòi hỏi tinh thần kỷ luật và sự phối hợp ăn ý.
Các bé 4-5 tuổi đang đồng diễn thể dục và tạo tháp người.
Các bé đang tạo hình domino.
- Thi chạy 3 chân.
- Tập thể dục, tạo hình tập thể, tạo tháp người.
- Relay (chạy tiếp sức) - phần thi được mong đợi nhất.
- Ném bóng vào rổ (trò chơi tập thể).
Các phần thi này được rèn luyện và thi đấu liên tục qua các kỳ Undoukai, tăng dần theo độ khó, tạo cơ hội để trẻ em Nhật hình thành tính kỷ luật, sự tập trung và phối hợp ăn ý với nhau thông qua vận động thể chất. Các em bé ngay từ khi còn rất nhỏ đã có thể cùng phối hợp thành các tháp người, sóng người khá phức tạp, có thể khiến người nước ngoài như chúng tôi trầm trồ.
Ngoài ra cũng có những phần thi đòi hỏi sự khéo léo và bền bỉ như cá nhân thi đấu các môn phối hợp. Tôi đã từng ngạc nhiên quá đỗi khi chứng kiến các bé 4-5 tuổi nhào lộn, nhảy ngựa và lăn lộn thoăn thoắt thành thục, nhưng rõ ràng thể chất của một em bé 4-5 tuổi có thể làm được nhiều điều hơn chúng ta nghĩ, và trẻ em Nhật đã được khuyến khích luyện tập hết mức để phát huy năng lực của mình.
Lớp 5 tuổi đang thi phần thi phối hợp, nhào lộn rất siêu.
Các bạn 5 tuổi sắp vào lớp 1 nên có phần thi đeo cặp randoseru (cặp của học sinh tiểu học) chạy tới đích, tìm bảng tên viết bằng chữ Hán của mình rồi cùng mẹ về đích.
Chợt nhớ tới những lần đón con trong kỳ nghỉ hè vẫn thấy các anh chị lớn hơn nhào lộn huỳnh huỵch trong phòng thể chất, hay có những hôm nắng chang chang lũ trẻ vẫn vận động ngoài sân trường, hoặc có những hôm giá rét căm căm đi ngang qua nhiều trường học vẫn thấy học sinh vừa chạy vừa hô hào, mới thấy người Nhật đề cao rèn luyện thân thể như thế nào trong chương trình giảng dạy.
Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ
Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất
nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao bắt đầu đi học, mẹ Masao còn có
thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu
giáo. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao hẳn sẽ khiến
chúng ta có một cái nhìn khác về giáo dục Nhật Bản. |
Theo Trí Thức Trẻ