- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Giúp con lên kế hoạch sử dụng tiền mừng tuổi
Các con có thể gom một khoản tiền kha khá từ vài trăm nghìn đến vài triệu và hơn thế nữa. Khoản tiền này sẽ được dùng để làm gì?
Xuân về Tết đến là dịp mọi con trẻ háo hức nhận tiền mừng tuổi. Những phong bao lì xì đỏ thắm có thể đựng những tờ tiền với đủ loại mệnh giá. Các con có thể gom một khoản tiền kha khá từ vài trăm nghìn đến vài triệu và hơn thế nữa. Khoản tiền này sẽ được dùng để làm gì?
Trẻ nhỏ thường gửi tiền ở bố mẹ. Trẻ tiểu học và trung học có thể chủ động tiêu xài những đồng tiền được mặc định là của riêng mình. Nhưng để sử dụng khoản tiền mừng tuổi ấy hiệu quả và tránh hoang phí, con trẻ rất cần bố mẹ định hướng. Bạn hãy giúp con lên kế hoạch sử dụng tiền mừng tuổi một cách ý nghĩa.
1. Mua đồ chơi
Rất nhiều trẻ ấp ủ ước mơ mua những món đồ chơi yêu thích khi nhận tiền mừng tuổi. Vui chơi là mơ ước chính đáng của con trẻ. Bố mẹ đừng gạt ngang hay quay sang nạt nộ, dập tắt niềm vui thích của con. Hãy chỉ cho trẻ thấy cần mua món đồ chơi hữu dụng nào. Tuyệt đối tránh tình trạng mua tràn lan, không định hướng về chất đống làm cảnh.
Đồ chơi cũng thay đổi theo sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội. Không đơn thuần là những món đồ chơi đơn giản, ít tiền trước đây mà bây giờ con trẻ hướng đến những chiếc ô tô, máy bay, tàu thủy điều khiển từ xa đắt tiền hay những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng đa năng… Chúng có thể tiêu tốn gần hết khoản tiền con có được. Hãy phân tích cho con trẻ thấy cái được cái mất khi chi một khoản lớn cho những món đồ chơi chưa phù hợp với lứa tuổi hay có thể làm xao nhãng việc học tập của các con. Cùng con thảo luận, đặt ra mục tiêu rõ ràng: Nên mua hay không? Mua và sử dụng vào thời gian nào là hợp lí?...
2. Bỏ ống heo hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng
Đây là cách mà rất nhiều trẻ hiền ngoan sử dụng. Có những trẻ nuôi heo từ nhỏ, cho heo ăn đến mập ú mà vẫn chưa có ý định đập ống heo. Có những trẻ được bố mẹ lập tài khoản ở ngân hàng, cứ hết tết là đem tiền gửi vào đó. Việc ăn uống, học tập, sinh hoạt đã có bố mẹ lo tất cả nên các con chẳng bận tâm gì về tiền bạc. Vấn đề là bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu, những khoản tiết kiệm đó sẽ hữu ích khi nào, chẳng hạn làm chi phí học đại học hay mua máy tính, xe máy khi con vào đời…
Bằng cách này, bạn đang hướng trẻ vào bài học về sự tiết kiệm và tích lũy cho tương lai!
3. Mua đồ dùng học tập hoặc đóng học phí cho một khóa học nào đó
Con trẻ có thể san sẻ gánh nặng chi phí học hành cho bố mẹ bằng cách dùng tiền mừng tuổi mua những món đồ dùng học tập còn thiếu hoặc tham gia một khóa học ngoại ngữ, năng khiếu yêu thích nào đó. Điều này cần ý thức tự giác cao và con rất cần bố mẹ đưa ra lời khuyên, lời gợi ý hợp lí. Dùng những đồng tiền của mình phục vụ việc học của chính mình, các con sẽ cảm thấy tự hào và nỗ lực học tập.
Làm được điều này, bạn đang khơi lên tính tự lập của con trẻ!
4. Hùn “vốn” làm một việc hữu ích với mọi người trong gia đình
Gia đình là tổ ấm và tổ ấm đó rất cần sự chung tay của tất cả mọi người. Dạy trẻ biết quan tâm đến bố mẹ, ông bà, anh chị em bằng chính cách dùng khoản tiền trẻ có. Ngày sinh nhật, cùng góp tiền tặng một món quà ý nghĩa cho ai đó. Khi người thân bị ốm, góp ít tiền thăm viếng. Nếu có ý tưởng sắm một vật dụng đắt tiền cần thiết cho cả gia đình hoặc sửa sang lại mái nhà, căn bếp, cái sân…, hãy bàn luận với trẻ và “kêu gọi” trẻ đóng góp.
Hãy để con trẻ thấy vai trò xây dựng tổ ấm gia đình của mình và bắt đầu hiểu thế nào là trách nhiệm!
5. San sẻ cho những mảnh đời thiếu thốn
Sự quan tâm của con trẻ không nên chỉ bó hẹp trong mỗi gia đình. Phải để trẻ thấy rằng, ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh: những đứa trẻ lang thang thèm muốn một mái ấm, những người già khao khát nơi nương tựa, những căn nhà còn dột nát, những bữa ăn quá đạm bạc và cả những người quằn quại trong cảnh éo le do bệnh tật, tai nạn… Họ đang rất cần sự sẻ chia.
Bố mẹ có thể ươm lên mầm yêu thương trong con trẻ bằng cách cùng con dùng tiền mừng tuổi đó, dù chỉ là một phần nhỏ, để mua áo quần, sách vở, thức ăn tặng bạn nghèo và người già neo đơn. Hoặc hướng trẻ đến các địa chỉ nhân ái mà báo chí luôn cập nhật hằng ngày để trẻ biết cho đi sau khi đã nhận thật nhiều yêu thương và lời chúc phúc của bao người. Sử dụng tiền mừng tuổi đầu năm ý nghĩa mới là niềm vui đích thực!
Theo Dân trí