Hãy mím môi lại ngay trước khi nói ra 6 điều này với bé

Nếu để cơn giận lấn át và nói ra những điều này, bạn có thể sẽ gây cho bé những chấn thương tâm lý suốt đời.

Nếu để cơn giận lấn át và nói ra những điều này, bạn có thể sẽ gây cho bé những chấn thương tâm lý suốt đời.

Bạn đã bao giờ để cơn giận lấn át bản thân và vô tình nói ra những lời khiến bé tổn thương sâu sắc? Thừa nhận đi, ngay cả khi bạn hiểu rõ rằng con mình vẫn còn là một đứa trẻ, thật khó để kiểm soát bản thân khi bé hét lên với bạn, nói những điều làm bạn đau lòng. Rồi sau khi bạn ngồi xuống suy nghĩ một lát thì mới nhận ra đã quá trễ để rút lại điều mình nói.

Điều này không chỉ xảy ra với một mình bạn. Hầu hết mọi phụ huynh đều ít nhất một lần nói với con những điều không nên nói. Sau đó ai cũng ân hận và quả quyết lần sau sẽ suy nghĩ kỹ càng trước khi lên tiếng. Để tránh phải hối tiếc về sau, các mẹ hãy nhớ đừng bao giờ nói ra những lời này với bé.
Những lời bạn nói trong lúc nóng giận có thể gây cho bé những tổn thương vĩnh viễn.

1. Vớ vẩn, chuyện đó có gì mà phải buồn

Nếu bé nhà bạn đang ở tuổi mới lớn, bé có rất nhiều điều lo nghĩ mà với bạn, chuyện đó chỉ là chuyện vặt vãnh. Chẳng hạn, bé nóng nảy đóng sầm cửa lại vì cô bạn gái không chịu trả lời tin nhắn của mình. Hẳn bạn sẽ muốn đi thẳng vào phòng bé và nói ngay cho bé biết rằng hành vi đó là không chấp nhận được. Nhưng hãy suy nghĩ một lát, tự đặt mình vào hoàn cảnh của bé để tưởng tượng đến lúc mình có chuyện buồn bực mà người khác lại đổ thêm dầu vào lửa. Khi cảm xúc của bé không nhận được sự đồng cảm, bé không chỉ tổn thương mà còn trở nên bướng bỉnh hơn.

Tương tự, nếu bé nói “Mẹ không bao giờ bênh con, mẹ chỉ toàn bênh em con”, thay vì nói “Không phải thế”, bạn nên nói “Mẹ không làm thế. Nói mẹ nghe sao con lại nghĩ vậy?”. Bạn thường không muốn hỏi bé khi đang tranh cãi vì bé sẽ có cơ hội để nói lại bạn. Nhưng hãy thử làm khác đi, một câu hỏi nhẹ nhàng sẽ khiến bé bình tĩnh hơn để nói chuyện thay vì cãi vã.

2. Đúng là bố nào con nấy/ Sao con không được như anh (chị, em) con?

Dù nghe có vẻ vô hại nhưng đây là một đòn công kích cực mạnh cho cả bé và người bị so sánh. Dù cha bé có ở đó hay không, điều này vẫn sẽ gây tổn hại cho anh ấy. Bé sẽ tin rằng mọi điều về cha mình đều không tốt và giảm bớt sự tôn trọng đối với anh ấy. Tương tự, nếu bạn nói “Sao con không được như anh con”, bạn đã vô tình phá hỏng mối quan hệ từng rất thân thiết giữa hai bé, thổi bùng lên ngọn lửa đố kỵ và cạnh tranh không đáng có trong gia đình.

3. Con đúng là chẳng được việc gì

Có lẽ bạn nghĩ mắng bé là đương nhiên khi bé mắc sai lầm, bé cần phải bị phạt một cách đích đáng để cảm thấy hối lỗi. Đúng ra, xấu hổ và ăn năn là một cảm xúc lành mạnh. Những cảm xúc này sẽ khiến bé có trách nhiệm hơn trong lần tiếp theo. Nhưng thực tế, dùng lời lẽ để làm bé cảm thấy xấu hổ không hề thúc đẩy bé rút kinh nghiệm mà chỉ khiến bé thụt lùi. Lâu dài, bé sẽ không còn tự tin vào những quyết định của mình nữa, và sẽ chẳng có “lần sau” nào nữa. Thay vì chỉ ra cái sai, bạn nên dạy bé cách làm sao cho đúng.

4. Mẹ phát chán với con rồi

Thường ai cũng có cảm giác mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc khi bé liên tục hất văng thìa thức ăn mà bạn cố gắng đút cho bé. Tuy nhiên, nói ra câu “Mẹ phát chán với con rồi” sẽ là một đòn tấn công tâm lý vô cùng khủng khiếp và đe dọa mối quan hệ của bạn và bé về lâu về dài. Thử nghĩ xem, bé đang phụ thuộc vào bạn. Bé cần bạn cung cấp thức ăn, quần áo, nhà ở và cả sự che chở, yêu thương. Khi bạn, người đang có trách nhiệm nuôi dưỡng bé, phũ phàng thốt ra câu trên, nó giống như bạn tuyên bố rằng sẽ cắt bỏ mọi thứ bạn cung cấp cho bé. Điều này sẽ gây ra một cú sốc lớn và khiến bé bị tổn thương sâu sắc.

Nói với con

5. Mẹ ước chưa bao giờ có con

Nếu nói ra câu này, bạn quả thực là một người mẹ tồi. Người mẹ nào cũng có khoảng thời gian chịu nhiều áp lực khi phải lo toan cả công việc xã hội lẫn gia đình. Có thể bạn cũng từng ước được quay lại quãng thời gian son trẻ để được bay bổng thỏa thích, thay vì chôn chân trong nhà với cả núi công việc không tên. Tất nhiên bạn cũng hiểu rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời mà thôi, và bạn không hề có ý muốn đó thực sự. Nhưng khi cảm xúc đó chuẩn bị tuôn ra đầu lưỡi, bạn hãy mím môi mình lại ngay. Khi bé nghĩ rằng mình đã chẳng còn gì để mất, mọi chuyện sau đó sẽ rất khó lường.

6. Mẹ cũng ghét con

Nếu bạn dùng câu “Mẹ cũng ghét con” để thắng bé trong một cuộc tranh cãi, khi bé nói “Con ghét mẹ”, bạn đã mất đi vị trí của một người mẹ và hạ mình xuống ngang bằng bé. Khi lớn lên, bé có thể hình thành suy nghĩ “Mẹ ghét tôi thì tôi cũng thế”. Nếu bạn đã trót nói ra điều đó trong lúc nóng giận, hãy quay lại và nói với bé rằng “Mẹ nói rằng mẹ ghét con nhưng thật ra không phải vậy đâu, mẹ xin lỗi. Mẹ đã sai khi nói thế vì mẹ quá nóng giận. Mẹ hứa lần sau sẽ không nói thế nữa”. Bạn nhất định phải làm điều đó, không cần giải thích dài dòng.

Lời nói của cha mẹ tác động đến tâm lý trẻ rất nhiều nhưng đôi khi chúng ta lại quên đi điều đó. Việc này xảy ra với mọi bậc phụ huynh. Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ chỉ lắng nghe lời răn dạy khi ta dạy thứ chúng muốn học. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng cùng cực đến mức chỉ muốn bùng nổ, hãy hít thật sâu để cho mình thêm thời gian suy nghĩ về lời sắp nói ra cũng như hậu quả của chúng.

Theo Trí Thức Trẻ


kỹ năng làm cha mẹ

mắng con

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.