- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Làm gì khi con ăn vạ mấy tiếng đồng hồ không dứt?
Con mới 2-3 tuổi nhưng đòi gì là đòi bằng được, không được thì lăn ra khóc hờn cả vài tiếng đồng hồ không dứt. Phải sửa tính hờn dỗi của con như thế nào đây?
Con mới 2-3 tuổi nhưng đòi gì là đòi bằng được, không được thì lăn ra khóc hờn cả vài tiếng đồng hồ không dứt. Phải sửa tính hờn dỗi của con như thế nào đây?
>>6 sai lầm mẹ cần tránh khi trị trẻ bướng bỉnh
Stress vì con hay khóc ăn vạ
“Tưởng là đến tuổi lên 3 thì con đỡ ốm, đỡ quấy chăm sẽ nhàn hơn. Ai dè còn thêm đau đầu, mệt óc”, chị Ngân, Ba Đình, Hà Nội than thở.
Chị Ngân kể, con trai 3 tuổi rưỡi của chị đi học thì rất ngoan nhưng cứ về nhà là mè nheo, khóc lóc, quấn lấy mẹ không chịu buông. Chị đi làm về chưa kịp thay quần áo đã phải bế con. Con thì nặng, mẹ đi làm về mệt nhưng cứ đòi bế, thả xuống chơi là khóc lóc, ai giỗ cũng không được.
“Đi làm về mệt, lại phải đánh vật với con 3-4 tiếng đồng hồ cho đến tận khi con đi ngủ. Lúc đó mình mới được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân. Nhiều hôm mệt, không thể bế con nổi thì con lăn ra khóc hờn, giỗ thế nào cũng không nín”, chị Ngân chán nản.
Bé đòi cái gì là phải đòi bằng được, không được là lăn ra sàn gào khóc. (ảnh minh họa) |
Cũng mệt mỏi về thói khóc lóc, ăn vạ của con chị Hà, Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ: “Bé nhà mình mới 2 tuổi thôi. Đi nhà trẻ thì ngoan nhưng cứ về nhà là rất hay ăn vạ. Bé đòi cái gì là phải đòi bằng được, không được là lăn ra sàn gào khóc. Mình chủ trương không chiều con nên quyết nói không là không. Nhưng bé cứ khóc được khoảng 5-10 phút là bà nội xót, lại ra dỗ dành rồi đưa đồ bé đòi cho. Bé quen rồi nên giờ không biết sửa như thế nào nữa”.
Người mẹ này nói, chị không muốn chiều con nhưng mẹ chồng lại không đồng quan điểm với cách dạy con của chị. Bà thích chiều cháu nên mỗi lần chị nghiêm với con, phạt con thì bà lại bao bọc, nói đỡ. Chị không biết phải xử trí thế nào nên rất stress.
“Trị” con ăn vạ, mẹ phải sắt đá
Bà mẹ có con gái 5 tuổi Hoài Anh, tác giả những cuốn sách dạy con nổi tiếng như “Trái tim của mẹ”, “Nim – những câu chuyện nhỏ”, cho rằng muốn “trị” con mè nheo, ăn vạ cha mẹ phải sắt đá, đôi khi phải bỏ mặc con.
“Tốt nhất là cứ để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát tháo con. Thường trẻ con vẫn “thử” người lớn bằng cách ăn vạ nếu mình càng quan tâm, các con càng tăng mức độ và tần suất ăn vạ. Con sẽ không thể khóc được mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó bố mẹ hãy bày ra trò chơi gì đó bình thường con vẫn thích thú thì thậm chí con còn “quên” mất là mình đang ăn vạ, để lân la tiến đến chơi cùng. Những lúc đó cha mẹ không cố chấp mà vui vẻ cho con tham gia, đồng thời lờ đi vụ ăn vạ”.
Khi con "ăn vạ", tốt nhất là cha mẹ cứ để mặc con, không dỗ dành cũng không mắng chửi. (ảnh minh họa) |
Chị Hoài Anh cũng chia sẻ, chị không sống cùng bố mẹ hai bên nên không bị can thiệp trong cách dạy con. Với những gia đình sống chung với người lớn tuổi thì nên thống nhất với nhau về cách dạy trẻ, tránh tình trạng người phạt, người bênh.
“Để sửa tính ăn vạ của con thì bố mẹ phải kiên định, dũng cảm, không được sợ tiếng khóc gào của con. Khi con đòi gì, không được thì mình cũng giải thích rõ ràng cho con tại sao lại không. Sau cứ để mặc con thích khóc thì khóc, đừng ai dỗ dành, một thời gian sau con sẽ thôi ăn vạ. Mình cứ đối xử tôn trọng con như một người lớn, thì con sau sẽ không hành xử kiểu trẻ con nữa”, chị Hoài Anh chia sẻ.
Họa sĩ Mai Hoa, bà mẹ nổi tiếng đưa 3 con đi phượt khắp châu Âu, cũng đồng ý rằng cha mẹ phải kiên quyết thì mới “trị” được tính ăn vạ của con.
Kinh nghiệm của chị là khi con khóc đòi gì đó mà chị không đồng ý thì chị để mặc con đứng đó khóc, chị sẽ vào bếp nấu nướng món gì đó mà con thích. Thấy mẹ kỳ cạch trong bếp và mùi thơm nổi lên, đứng đó khóc một lúc là con sẽ chán và “mon men” đến xem mẹ làm gì. Lúc này chị sẽ không nhắc đến vụ ăn vạ vừa rồi của con, sẽ làm con ngượng, chị sẽ bảo con cùng làm, con sẽ vui vẻ lại ngay.
Chị Mai Hoa cũng chia sẻ kinh nghiệm thống nhất cách dạy con trong gia đình khi ở cùng với người lớn tuổi.
“Mình không chiều con nhưng bà nội thì quý cháu, chiều cháu. Nhưng mình nhất quyết là phải dạy con theo cách của mình nên mình thống nhất với mẹ chồng là khi con dạy các cháu thì mẹ đừng can thiệp vào. Mình sẽ đưa con vào phòng và đề nghị mẹ chồng để 2 mẹ con “tự xử” với nhau. Bà cho cháu ăn thì hay vừa cho ăn vừa cho chơi, cho xem tivi, mình không đồng ý với cách đó mình cũng nói luôn với mẹ chồng. Đến bây giờ thì chính mẹ chồng cho rằng cách dạy con của mình như vậy là đúng”, chị chia sẻ.