- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Mắng con cũng phải “học”
Đòn roi có thể loại bỏ nhưng mắng mỏ thì trên 90% phụ huynh vẫn đang sử dụng. Nhưng “mắng” thế nào cho hiệu quả, bé nào có thể mắng, bé nào không nên mắng…. là điều không phải phụ huynh nào cũng đã lưu tâm đến.
Dù là một ông bố, bà mẹ yêu con đến mấy thì trong quá trình nuôi dạy con cũng khó tránh khỏi những lúc cáu giận, bực bội. Đòn roi có thể loại bỏ nhưng mắng mỏ thì trên 90% phụ huynh vẫn đang sử dụng. Nhưng “mắng” thế nào cho hiệu quả, bé nào có thể mắng, bé nào không nên mắng…. là điều không phải phụ huynh nào cũng đã lưu tâm đến.
Mắng trẻ cũng phải lựa tính cách
Bác sỹ tâm lý Akehashi Daiji, tác giả cuốn Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản cho rằng, khi con làm việc sai trái thì bố mẹ phải nghiêm khắc dạy bảo, tuy nhiên có tuýp trẻ ta có thể mắng được và tuýp trẻ ta phải thận trọng khi mắng, phụ huynh nên biết để điều chỉnh.
Cụ thể, với trẻ có trạng thái tinh thần ổn định, tự tin vào bản thân hoặc trẻ cởi mở, vô tư, không hay để ý thì bố mẹ có mắng một chút cũng được. Những tuýp trẻ như vậy dù có chuyện gì cũng dễ cho qua hoặc tiếp thu một cách tích cực.
Chỉ nên mắng nhanh và không nhắc lại
Một điều rất quan trọng mà cha mẹ cần ghi nhớ, đó là chỉ nên mắng con trong vòng một phút. Nếu dai dẳng nói đi nói lại nhiều lần, con sẽ không muốn nghe nữa.
Bị mắng một hoặc hai lần, thì con sẽ nhận ra mình sai, cảm thấy hối hận và muốn thay đổi. Nhưng nếu hở một tý mẹ lại lôi lỗi lầm cũ của con ra mắng mỏ, con sẽ cho rằng mẹ chỉ đang ghét mình mà thôi.
Bản thân người lớn cũng vậy, khi mắc lỗi rồi chỉ muốn sự việc nhanh qua đi, mọi người xung quanh quên càng nhanh càng tốt. Việc nhắc lại lỗi nhiều lần chỉ khiến bé cảm thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí ác cảm với người khơi lại lỗi lầm của mình.
Mắng đúng người, đúng tội
Bị la mắng nhiều, con sẽ mất dần sự tự tin, thu mình lại trong vỏ ốc, hay nói dối và luôn sợ sệt, chống đối. Chẳng bố mẹ nào muốn điều đó xảy ra. Bố mẹ chỉ nên mắng con khi con phạm phải những lỗi lầm thật sự như: Đánh lại người thân, bắt nạt bạn bè. Nghĩ mình là "ông vua" trong nhà, mặc nhiên mè nheo, mặc nhiên hờn dỗi. Khi con lén lấy đồ của người khác.
Ngoài ra, người lớn rất hay mắc lỗi giận cá chém thớt, khiến trẻ nhỏ bị vạ lây rất thiếu công bằng. Chẳng hạn bố mẹ giận nhau, con cái chẳng có tội gì, vậy mà có những đứa trẻ vẫn phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của cha, những câu “nói kháy” của mẹ, nói con nhưng để nhằm vào bố.
Nhiều bậc làm cha, làm mẹ khi mắng con xong rồi mới thấy mình sai, mình vô lý. Có người ngại xin lỗi con nên bỏ qua, có người thì chủ động xin lỗi con nhưng cũng không bù đắp được tổn thương đã gây ra trong lòng chúng.
Nghiêm khắc nhưng yêu thương, không nhiếc móc
Khi phát hiện ra con làm những điều sai, ngay lập tức, tại địa điểm đó, mẹ phải nghiêm khắc nói với con: "Con không được làm như vậy. Điều đó là sai!". Sau đó, sắp xếp thời gian khi chỉ có hai mẹ con, rồi nói với con rằng: "Những điều con làm ban nãy là không được. Lần sau con đừng làm thế nữa nhé."
Mẹ đừng nhiếc móc con bằng những câu "xấu xí" phủ nhận nhân cách của trẻ như: "Sao mày ngu thế, tao có để mày thiếu thốn cái gì", "mày làm xấu mặt tao, đúng là của nợ"...
Trẻ nhạy cảm khi bị mắng dễ trở nên tuyệt vọng, chán chường và bất mãn, thế nên nhiếc móc chỉ làm mọi chuyện tồi tệ thêm mà thôi.Tiếp đó, mẹ nên thể hiện tình cảm và sự công nhận của mình dành cho con: "Mẹ rất yêu con, mẹ đã rất vui khi con làm việc này/việc kia..." rồi nêu những việc tốt mà con đã làm để khen ngợi.
Thật tốt khi chỉ cần khen ngợi và yêu thương con, không cần la mắng nhiều, không cần làm tổn thương con mà con vẫn ngoan ngoãn.
Bạn nghĩ sao về việc này? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline bằng cách gửi mail tới địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. |