Ngừng ngay việc thưởng cho trẻ khi có điểm tốt vì những lý do sau

Theo nhiều nghiên cứu, việc dùng phần thưởng cho những điểm tốt của trẻ có hại nhiều hơn có lợi.

Theo nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của C. Kirabo Jackson, một giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell cho thấy việc dùng phần thưởng cho những điểm tốt của trẻ có hại nhiều hơn có lợi.

Con học giỏi vốn là niềm tự hào của tất cả các bậc làm cha mẹ, của gia đình, của dòng họ. Mọi người tin rằng có học giỏi thì mới có thành công nên hầu như cha mẹ nào cũng háo hức khi nhận những cuốn sổ liên lạc của con được trường gửi về và tìm kiếm trong đó những điểm 10, những đánh giá loại A. Thậm chí, có những cha mẹ sẵn sàng dùng tiền, phần thưởng để khích lệ con mình học tập tốt hơn. Nhưng việc làm này có thật sự tốt không?

Theo nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của C. Kirabo Jackson, một giáo sư kinh tế tại trường Đại học Cornell cho thấy việc dùng tiền, phần thưởng cho những điểm tốt của trẻ có hại nhiều hơn là có lợi vì kết quả cuối cùng mà cha mẹ nhận được lại trái ngược hoàn toàn với những gì cha mẹ mong đợi. Tại sao lại thế? Có 4 lý do sau đây:

Phần thưởng là điều không cần thiết

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phần thưởng cho những điểm tốt là điều không cần thiết vì nó làm giảm động lực phấn đấu của trẻ. Khi cha mẹ đong đưa một “củ cà rốt” trước mặt, thay vì phấn đấu học giỏi hơn vì tương lai của mình thì trẻ sẽ làm mọi cách để đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ để có được “củ cà rốt” đó. Trẻ bắt đầu học vì phần thưởng chứ không phải vì tò mò, vì ham học hỏi và cầu tiến. Trẻ mất dần những đam mê, hứng thú với sách vở, học hành.

Trẻ “trả giá” về phần thưởng

Trẻ em rất tinh ý và nhanh nhạy, chúng sẽ sớm nhận ra rằng chúng có quyền “ra giá” với cha mẹ. Trẻ sẽ cho cha mẹ thấy 5.000 đồng cho một điểm A dường như là một cái giá quá hời khi mà trẻ đang phải học suốt cả ngày, chịu đủ mọi áp lực từ bài vở, thầy cô. Vì vậy trẻ sẽ thỏa thuận. Có thể là 5.000 đồng cùng với một bộ phim mà trẻ thích hoặc 10.000 đồng cộng thêm một đôi giày thể thao mới chẳng hạn. Thậm chí nếu môn toán là môn trẻ ghét nhất thì chúng có thể yêu cầu cha mẹ nâng giá lên 20.000 đồng để làm động lực cho những điểm A của môn này. Đó là những vết trượt dài, và cuối đường có thể là vực sâu.

Phần thưởng cho trẻ
Trẻ em rất tinh ý và nhanh nhạy, chúng sẽ sớm nhận ra rằng chúng có quyền “ra giá” với cha mẹ.(Ảnh minh họa).

Phần thưởng trở thành một phần của vấn đề quyền lợi

Trả tiền công cho trẻ khi trẻ làm một việc gì đó mà trẻ bắt buộc phải làm vì nghĩa vụ và trách nhiệm như học tập chăm ngoan ở trường hoặc làm công việc nhà là cách cha mẹ đang nuôi dưỡng thói quen đòi hỏi của trẻ. Trước khi biết mình cần phải làm gì thì “con sẽ nhận lại được gì?” là thái độ chiếm ưu thế. Và tất cả mọi thứ trẻ làm như: kính trọng ông bà cha mẹ, có hành vi tốt, làm công việc nhà, chơi với em, hoàn thành bài tập về nhà… đều có một cái giá.

Liệu tiền hay phần thưởng có thật sự khuyến khích trẻ học tốt hơn?

Đối với một số trẻ em, điểm A là một thứ xa vời, ngoài tầm với. Thậm chí cho dù trẻ có làm mọi cách như đọc thêm sách, lắng nghe giáo viên giảng bài, làm tất cả bài tập về nhà hay đi học thêm đi chăng nữa thì trẻ cũng chỉ có được những bước tiến ngắn. Còn điểm A thì nằm xa vời vợi. Điều này làm cho trẻ cảm thấy mình đã làm không tốt, mình đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của cha mẹ. Và cảm giác tự ti mà trẻ đang vướng phải là môi trường tuyệt vời cho những ganh ghét, đố kỵ, oán giận mà trẻ dành cho những người anh chị em khác trong gia đình (nếu trẻ có) phát triển vì họ đã làm tốt hơn trẻ.

Vậy cha mẹ phải làm gì để khuyến khích con học tốt hơn mà không cần dùng tới phần thưởng? Hãy thử bốn bước sau:

1. Tập trung vào quá trình cố gắng của trẻ hơn là điểm 10 hay xếp hạng loại A

Thay vì chỉ tập trung vào điểm số thì cha mẹ nên tập trung vào hành động, hành vi và thái độ cũng như sự tiến bộ từng chút một của trẻ. Hãy khen ngợi những nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra khi cha mẹ thấy trẻ học thuộc từ vựng mỗi tối, kiên trì tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc và những thách thức mà thầy cô đưa ra. Bởi vì, đó mới là những hành vi và thói quen tốt dẫn đến thành công trong cuộc sống sau này của trẻ. Nếu con bạn được điểm tốt trong bài kiểm tra hóa học của mình, hoặc biết cách liên kết các bạn trong lớp lại thành một đội đoàn kết trong đợt cắm trại của trường thì 2 việc này đều được xem là thành công.

Bằng cách tập trung vào hành động, quá trình chứ không phải dựa vào điểm số là cách cha mẹ thông minh nuôi dạy con và trẻ sẽ không phải phụ thuộc vào phần thưởng thì mới nỗ lực phấn đấu.

2. Thực thi nguyên tắc “khi – thì” thường xuyên

Để giúp trẻ phát triển thói quen học tập tốt, cha mẹ hãy áp dụng công thức đơn giản "khi – thì". Ví dụ “khi con làm xong hết các bài tập của mình thì con có thể đi chơi”. Đây là cách nói ra kỳ vọng những việc cần trẻ làm của cha mẹ. Cách nói này cho thấy cha mẹ và trẻ đang thỏa thuận và không có gì phải tranh luận vì nó rất rõ ràng, cụ thể.
Phần thưởng cho trẻ
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phần thưởng cho những điểm tốt là điều không cần thiết vì nó làm giảm động lực phấn đấu của trẻ (Ảnh minh họa).

3. Giúp đỡ nhưng không được làm thay trẻ

Thật khó để cha mẹ có thể “bình chân như vại” khi con mình đang gặp khó khăn và rất cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ muốn nuôi dưỡng thói quen làm việc tốt cho trẻ, thì cha mẹ hãy đứng bên ngoài, hướng dẫn trẻ cách tìm lối đi, lời giải cho những vấn đề trẻ đang mắc phải. Cha mẹ tuyệt đối không được làm thay trẻ.

Cha mẹ có thể nói với trẻ rằng: “Mẹ rất sẵn lòng chỉ cho con cách giải các bài tập về nhà nhưng mẹ chỉ làm điều đó sau khi con đã thử tất cả mọi cách mà con biết và nói cho mẹ nghe những suy nghĩ của con trong quá trình đi tìm câu trả lời”.

Một điều nữa cha mẹ nên lưu ý là “giờ nào việc nấy”. Khi đến giờ ngủ mà trẻ vẫn chưa làm xong bài tập thì cũng cương quyết yêu cầu trẻ đi ngủ, để trẻ học cách sắp xếp công việc buổi tối của mình sao cho hợp lý.

4. Đặt ra chính sách “không giải cứu”

Nếu trẻ là người hay quên hoặc thường xuyên nhờ vả “mẹ làm giúp con đi” thì có lẽ đã đến lúc cha mẹ nên đặt trẻ vào vòng tròn “chịu trách nhiệm”. Hãy nói cho trẻ biết con đang lớn dần và cần phải học cách ghi nhớ những hoạt động, những kế hoạch của mình ở trường, ở nhà, lịch học ngoại khóa và các hoạt động khác.

Cha mẹ cũng cần nói rõ là sẽ không làm bài tập về nhà thay trẻ, cũng sẽ không soạn cặp cho trẻ mỗi sáng, không nhắc trẻ giờ đi học hoặc mang đến cho trẻ những thứ để quên ở nhà. Nghe có vẻ “ác” nhưng đây là cách để trẻ tự tìm giải pháp để khắc phục chứng hay quên của mình đồng thời rút ra được kinh nghiệm sửa chữa những sai lầm của mình. Trẻ cũng học được cách chịu trách nhiệm với những sai lầm đó.

Nếu cha mẹ cương quyết, có niềm tin vào trẻ và chấp nhận sai lầm, thất bại của trẻ thì hãy thực hiện theo 4 bước như trên. Sau một thời gian, trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, không ỷ lại người khác, có niềm đam mê với tri thức, và kết quả học tập được tốt hơn. Đây là những điều giúp ích cho cuộc sống của trẻ sau này hơn là những tờ tiền, phần thưởng dành cho một điểm 10 hay đánh giá loại A trong hiện tại.

Theo Trí Thức Trẻ


kỹ năng làm cha mẹ

khen thưởng trẻ

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.