- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Những lời khuyên tưởng tốt mà rất nhiều bố mẹ vẫn đang vô tình nói với con
Với cha mẹ, điều quan trọng là dạy dỗ con cái trở thành người tốt. Nhưng đôi khi, có những lời khuyên dành cho con lại không thực sự tốt như chúng ta nghĩ.
Với cha mẹ, điều quan trọng là dạy dỗ con cái trở thành người tốt. Nhưng đôi khi, có những lời khuyên dành cho con lại không thực sự tốt như chúng ta nghĩ.
Theo Emma Seppälä, giám đốc khoa học Center for Compassion and Altruism Research and Education - Đại học Stanford, không ít phụ huynh đã từng cho con những lời khuyên sai. Không những thế, nhiều lời khuyên còn quá chung chung và phổ biến tới nỗi chúng tạo nên tâm lý chống đối ở trẻ, kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Cùng tham khảo một số lời khuyên "sai" mà cha mẹ vẫn vô tình trao cho con, theo tổng kết của Emma Seppälä:
1. Con cần tập trung cho tương lai, nhắm tới phần thưởng sẽ đạt được!
Cha mẹ nên nói: Hãy sống và làm việc hết mình ở thời điểm hiện tại.
Thật khó để lúc nào cũng duy trì sự tập trung cao độ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, tâm trí của chúng ta có xu hướng "lang thang" trong khoảng 50% thời gian chúng ta thức. Và đó chính là lúc con người ưu tư về quá khứ hay lo lắng cho tương lai. Kết quả, làm xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, nuối tiếc, stress.
Chắc chắn sẽ tốt cho trẻ khi chúng đặt ra những mục tiêu mà trẻ nỗ lực để hướng tới và đạt được. Nhưng thay vì luôn khích lệ trẻ tập trung vào những việc tương lai trong danh sách cần làm, hãy giúp trẻ tập trung vào nhiệm vụ hoặc cuộc trò chuyện ngay trong thời khắc hiện tại.
2. Stress là không thể tránh khỏi. Con hãy nỗ lực hết mình!
Cha mẹ nên nói: Con cần học cách bình tâm lại!
Nhiều đứa trẻ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, ngay từ khi tuổi còn nhỏ. Trẻ lo lắng về điểm số, cảm thấy áp lực phải thể hiện tốt ở trường. Tồi tệ nhất trong số đó là những trường hợp trẻ tự tử do bị stress hành hạ.
Chúng ta không thể thay đổi yêu cầu công việc và cuộc sống mà mình phải đối mặt ở trường, ở cơ quan. Nhưng chúng ta có thể áp dụng những kỹ thuật như thiền, yoga và hít thở để xử lý tốt hơn những áp lực.
3. Hãy luôn bận rộn!
Cha mẹ nên nói: Tìm thấy niềm vui trong những lúc không làm gì.
Có đứa trẻ hiếu động trong bất cứ tình huống nào, cho dù đang ngồi trong phòng chờ hay đi bộ tới trường. Mọi tình huống đều trở thành cơ hội để chúng chơi đùa. Có đứa trẻ chọn các hoạt động mang tính trầm hơn như đọc sách, dắt chó đi dạo hay đơn giản là nằm dưới một gốc cây, ngắm mây trời trôi qua.
Vấn đề không phải là không bao giờ thử thách trẻ hoặc lấy đi của trẻ cơ hội học hỏi, khám phá. Vấn đề là không để trẻ bị quá tải bởi các thể loại lịch trình hoặc quá bắt buộc trẻ tới mức trẻ không còn cơ hội học cách tự chơi, cách là chính mình và mơ mộng nữa. Hay đơn giản là học cách để vui vẻ, hạnh phúc, thay vì lúc nào cũng phải tất bật làm một việc gì đó.
4. Hãy làm việc mà con có sở trường!
Cha mẹ nên nói: Hãy phạm sai lầm và học cách thất bại.
Cha mẹ có xu hướng phân loại con cái mình dựa theo đặc điểm sở trường/điểm mạnh của trẻ và các hoạt động diễn ra một cách tự nhiên với trẻ. Họ cho rằng, con mình là "một đứa trẻ giỏi toán", "một người hòa đồng" hay mang phẩm chất "một nghệ sĩ". Nhưng nghiên cứu của Carol Dweck - Đại học Stanford cho thấy, lối tư duy này thực sự đóng khung con bạn, biến trẻ thành người thiếu sự thay đổi, bứt phá. Bởi trẻ ít có nhu cầu thử những điều mới mà trẻ nghĩ mình sẽ không giỏi hoặc không thể làm tốt.
Trong khi đó, não bộ con người được lập trình để học những điều mới mẻ. Khi còn trẻ, học hỏi từ sai lầm chỉ mang lại những điều tốt đẹp. Do đó, thay vì xác định điểm mạnh/sở trường/ưu thế của trẻ, hãy dạy con rằng, trẻ thực sự có thể học bất cứ thứ gì - chỉ cần chúng dám thử mà thôi.
5. Con cần biết được điểm yếu của mình và đừng tỏ ra mềm yếu.
Cha mẹ nên nói: Hãy đối xử tốt với bản thân con.
Cha mẹ thường có xu hướng cho rằng phê bình, chỉ trích đóng vai trò quan trọng để giúp con tự hoàn thiện chính mình. Tự ý thức về bản thân cũng là một việc cực kỳ quan trọng nhưng cha mẹ thường vô tình dạy con trở nên quá khắc nghiệt với bản thân. Nếu một người làm cha, làm mẹ nói con mình nên cố gắng cởi mở hơn nữa, hòa đồng hơn nữa, đứa trẻ có thể chủ quan cho rằng, đó là lời chỉ trích cho bản tính sống thiên về nội tâm vốn có của mình.
Thay vào đó, cha mẹ nên khích lệ trẻ phát triển thái độ trân trọng bản thân. Điều này có nghĩa là đối xử với chính mình như cách bạn đối xử với một người bạn thân dù qua khốn khó hay đau buồn. Điều này không có nghĩa là trẻ nên chiều chuộng bản thân hay buông xuôi khi gặp phải rắc rối. Đơn giản, trân trọng bản thân nghĩa là trẻ cần học cách không làm tổn thương chính mình.
6. Thế giới này mạnh được, yếu thua, vì vậy con hãy luôn cố gắng để giành vị trí số 1!
Cha mẹ nên nói: Con cần biết quan tâm tới người khác và đặt mình vào vị trí của người khác.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, từ thời thơ ấu trở đi, các kết nối xã hội là dự báo quan trọng nhất cho sức khỏe, hạnh phúc và thậm chí, cả tuổi thọ của con người. Sở hữu những mối quan hệ tích cực với người khác có ý nghĩa thiết yếu đối với hạnh phúc toàn vẹn và nó còn ảnh hưởng tới cả khả năng trí tuệ và thành công sau cùng của chúng ta.
Trẻ bẩm sinh mang trong người sự tử tế, tốt bụng và lòng trắc ẩn. Nhưng theo nhà tâm lý học Jean Twenge trong cuốn sách "Generation Me", người trẻ đang ngày càng trở nên "chỉ biết tới mình". Vì vậy, quan trọng là khích lệ bản năng tự nhiên của con: biết quan tâm tới cảm xúc của người khác và học cách đặt mình vào vị trí của người khác.
Chẳng cần khuyên bảo, chỉ cần giúp đỡ trẻ
Đôi khi, chúng ta không cần phải dạy trẻ cách tiến về phía trước như thế nào. Chúng ta chỉ cần trao cho trẻ thứ chúng cần, giúp trẻ tận hưởng tuổi ấu thơ. Chúng ta chỉ cần trò chuyện, xây dựng lòng tin và cho trẻ thấy chúng được yêu thương nhiều tới mức nào. Khi dạy con điều gì là quan trọng, để trở thành người tốt nghĩa là gì, bạn đã giúp trẻ vững vàng cho cuộc sống mai sau.
Theo Helino