- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Trẻ học tiếng Anh hiệu quả hơn khi có cha mẹ đồng hành
Cha mẹ cần theo sát để nhận biết và đánh giá sự tiến bộ hàng ngày của trẻ, có lịch trình học tập tuần tự từ thấp đến cao. Tuyệt đối không cùng lúc học nhiều chương trình...
Ý thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ học tiếng Anh từ sớm, nhiều bậc phụ huynh đã cho con vào học các trường quốc tế, các trung tâm tiếng Anh uy tín cũng như tìm mua các phần mềm, sách... Tuy nhiên, các yếu tố đó mới chỉ tạo ra môi trường và công cụ, cha mẹ đồng hành cùng con mới là điều quan trọng nhất.
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra một buổi hội thảo về Học tiếng Anh cùng con thu hút đông đảo phụ huynh tham dự. Thầy Nguyễn Đức Quang (Thạc sĩ ĐH Sư phạm Hà Nội, Tiến sĩ tại Nhật Bản) - người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục sớm mảng tiếng Anh chuyên sâu cho trẻ và chị Vũ Thị Thúy Hằng - 1 phụ huynh tâm huyết và thành công trong việc cùng con học tiếng Anh đã chia sẻ kinh nghiệm với các phụ huynh khác.
Thời điểm trẻ nên bắt đầu học Tiếng Anh
Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng trẻ chỉ có thể thực sự học tiếng Anh khi đã biết đọc biết viết tiếng Việt, tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Qua hội thảo, nhiều phụ huynh hiểu ra rằng, bằng phương pháp giáo dục sớm, trẻ có thể học tiếng Anh từ khi mới chào đời, thậm chí là từ trong bào thai (thai giáo). Trẻ nhỏ chưa biết chữ vẫn có thể học và đọc được tiếng Anh bằng cách “chụp hình”: chụp hình bằng thính giác và chụp hình bằng thị giác.
Trẻ nghe bằng tai (thính giác) rồi sau đó bắt chước và phát âm lại như những gì nghe được, trẻ nhìn bằng mắt những từ đơn giản rồi ghi nhớ từ đó khi nào gặp từ đó là sẽ đọc cũng như hình dung ý nghĩa của từ đó. Ví dụ, trẻ nhiều lần nhìn thấy từ Apple bên cạnh quả táo lần sau khi thấy từ Apple trẻ cũng biết phát âm từ đó và hiểu đó là quả táo.
Cách thức giúp trẻ tập trung
Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn làm sao cho trẻ nhỏ tập trung vào việc học vì ở lứa tuổi của các em chưa thể ý thức được việc học. Chị Thúy Hằng chia sẻ: “Tôi luôn phải ngồi cùng còn mỗi khi con học, tôi lên lịch cho con học vào buổi tối, mỗi ngày học khoảng 15-20 phút và đặt ra nguyên tắc là học thì phải thật nghiêm túc. Sau khi học xong, con có thể chơi thoải mái nhưng khi học phải ngồi một chỗ cùng mẹ.”
Nhiều phụ huynh cũng nói rằng các bé ban đầu ngồi học chăm chú nhưng không chịu phát âm rồi dần mất tập trung và một lúc sau thì bỏ đi chơi trò khác.
Về vấn đề này, thầy Đức Quang khuyên rằng nên tạo ra một nhóm các bé cùng học trong đó có “cài cắm” một vài bé lớn giỏi và mạnh dạn để tạo động lực cho những đứa nhỏ cùng học theo. Học theo nhóm tạo phong trào sôi nổi, khi đứa lớn đọc thì đứa bé cũng đọc theo.
Cũng không ít ý kiến băn khoăn: “Làm sao cho trẻ học trên máy tính mà không đòi chơi game hay chỉ thích xem hình và những thứ vui nhộn trong bài học mà chưa ý thức phải phát âm theo hoặc ghi nhớ các từ tiếng Anh?”.
Điều này cũng rất phổ biến vì trẻ nhỏ nếu đã từng chơi trò chơi trên máy tính thì khi mở máy tính lên là nghĩ ngay đến chơi chứ không phải học. Để khắc phục việc này cha mẹ cần mở những bài học hoặc video clip vui nhộn cho trẻ làm quen dần và quên game.
Một số lưu ý khi đồng hành với con
* Học đều đặn, không học dồn dập
Theo thầy Quang, trong việc học ngoại ngữ thì “tần số” quan trọng hơn “cường độ”: nghĩa là cần duy trì đều đặn hàng ngày (chỉ cần mỗi ngày 5-15 phút) còn hơn việc học dồn dập vào một thời gian sau đó lại bỏ bẵng; hoặc chỉ học 1 tiếng trong một ngày cuối tuần còn các ngày trong tuần không học. Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo điều kiện để các con được “tắm” trong môi trường tiếng Anh để thấm và ngấm dần như thường xuyên mở cho trẻ nghe những bài hát tiếng Anh, cho trẻ xem phim hoạt hình tiếng Anh. Trong lúc trẻ chơi các trò chơi khác, bố mẹ cũng xem các kênh nước ngoài không có phiên dịch tiếng Việt.
* Nói và tư duy bằng tiếng Anh
Nên khuyến khích trẻ nói tiếng Anh cho dù ban đầu trẻ nói sai ngữ pháp hoàn toàn. Bé chủ động nói và thích nói tiếng Anh đã là một thành công. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tư duy bằng tiếng Anh. Mỗi khi gặp một từ chưa biết cần yêu cầu trẻ đọc lại toàn bộ đoạn văn hoặc các đoạn phía trước và phía sau, hỏi trẻ đoán nghĩa từ đó là gì chứ không nên dịch nghĩa tiếng Việt cho con.
* Có lịch trình và đánh giá thường xuyên
Cha mẹ cần theo sát để nhận biết và đánh giá sự tiến bộ hàng ngày của trẻ, có lịch trình học tập tuần tự từ thấp đến cao. Tuyệt đối không cùng lúc học nhiều chương trình. Đặc biệt, không nên so sánh con với các bạn cùng trang lứa mà tạo áp lực học tập cho con. Thành tích của trẻ ngày hôm nay là sự tiến bộ hơn so với ngày hôm qua chứ không phải trên cơ sở so sánh với trẻ khác.
Tóm lại, trẻ học tiếng Anh không phải để phục vụ thi cử, kết quả học tập của con chính là sự chủ động giao tiếp tiếng Anh hằng ngày của trẻ, từ việc bắt chước đến đọc hiểu, đến việc nói lên suy nghĩ của mình trước các sự vật, hiện tượng bằng tiếng Anh.