Vì sao, phải làm gì khi trẻ hay đổ lỗi?

Chỉ cần cháu trượt chân ngã, bà Hoa lại vội vàng vừa đỡ cháu vừa “đánh chừa đất hư này”. Thậm chí cháu khóc vì bị bố đánh tội dám tranh đồ chơi của anh nhưng bà cũng vẫn “đánh chừa anh hư"...

Chỉ cần cháu trượt chân ngã, bà Hoa lại vội vàng vừa đỡ cháu vừa “đánh chừa đất hư này”. Thậm chí cháu khóc vì bị bố đánh tội dám tranh đồ chơi của anh nhưng bà cũng vẫn “đánh chừa anh hư"...

Mr “Tại”

Chị Mai (con dâu bà Hoa) không khỏi điên đầu với những tình huống mà bà nội dạy cháu như vậy. Chị kể, bà lúc nào cũng dạy cháu đổ lỗi cho người khác nên đến giờ thằng anh lớn năm nay học lớp 5 chưa bao giờ biết nhận trách nhiệm.
Bố mẹ cần làm gương cho trẻ

"Nếu con chẳng may làm hỏng, làm sai điều gì mặc dù bố mẹ chưa đưa ra hình thức phạt nhưng cháu đã nghĩ ra lý do để bao biện. Có lần con đánh vỡ bát cơm đang ăn, nó đổ ngay cho bà để sát mép bàn quá. Lần khác, mặc quần ngược đến trường bị các bạn trêu, tối về con ty tỷ khóc ăn vạ vì  mẹ không mặc đúng. Thậm chí, bài kiểm tra bị điểm kém, con cũng phụng phịu kêu “bài này cô không dặn học để kiểm tra”.

“Cả nhà gọi cháu là Mr “Tại”, vì kiểu gì thì cháu cũng bắt đầu bằng câu “tại nọ, tại kia”. Tôi cũng đã rất nhiều lần nói với bà về chuyện này nhưng bà luôn bỏ ngoài tai. Đôi lần bà còn dỗi dằn bảo trẻ con đứa nào chả thế, lớn lên chúng nó tự khắc sẽ thay đổi. Và bà vẫn giữ nguyên lối dạy ấy cho cháu thứ 2. Bực mình lắm, nhưng chẳng nhẽ mỗi lần có chuyện mẹ chồng con dâu lại cãi nhau”- chị Mai than thở.

Trao đổi về vấn đề này, TS tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, cách dạy cháu của bà Hoa vô tình đã tạo cho trẻ thói quen đổ lỗi, ý lại vào người khác. Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý chung của người Việt là không dám nhận trách nhiệm.

Điều này ảnh hưởng đến cách dạy con của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, mọi người nên nhìn nhận sự việc theo khía cạnh, nếu ở nhà trẻ đổ lỗi cho ông bà, bố mẹ, anh chị em thì có thể được bỏ qua nhưng nếu trẻ đi ra ngoài hoặc đi học thì rõ ràng không hẳn ai cũng thông cảm cho trẻ được. Vì thế, việc dạy cho trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và không đổ lỗi cho người khác là cách dạy con dễ hòa nhập với mọi người xung quanh hơn.

Dạy con sống có trách nhiệm

TS Quý cho rằng, để dạy con thành người tự chủ, giàu lòng tự trọng khi trưởng thành thì việc đầu tiên là phải dạy con biết sống có trách nhiệm. Khi trẻ được rèn đức tính này, chắc chắn trẻ sẽ không còn thói quen đổ lỗi.

“Khi trẻ sống có trách nhiệm cũng là lúc trẻ biết chịu trách nhiệm trước mọi hành vi con làm. Bố mẹ cần dạy con tự chịu trách nhiệm về việc mình làm, nhất là những việc mà chính các bé tự làm. Điều đó giúp các con sẽ thể sẵn sàng đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Chẳng hạn bài kiểm tra con bị điểm kém là do con không chịu học bài chứ không phải do cô giáo, con bị ngã là do không chú ý quan sát đường chứ không phải tại cái … đường hư không chịu tránh con”- TS Quý nói.

Việc dạy con là cả một hành trình dài mà ở đó cần có sự đầu tư công sức của bố mẹ qua những hành vi nhỏ nhặt từng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc giao việc phù hợp cho trẻ. Khi đặt trẻ vào nhiệm vụ cụ thể có nghĩa là bố mẹ đã trao cho con quyền tự hành động, tự chịu trách nhiệm với việc được giao.

TS Quý khuyến cáo, nhiều bố mẹ hay đánh mắng khi con không hoàn thành, hoặc làm sai một việc nào đó. Điều này hết sức sai lầm bởi hành động này khiến trẻ sợ hãi. Lần sau, nếu con mắc lỗi, lại phải vội vàng tìm cách nói dối hoặc đổ lỗi cho người khác. Như thế, con mới không bị bố mẹ mắng. Rõ ràng hành vi này vô tình tiếp tay cho thói quen không dám chịu trách nhiệm của con.

Thay vì đánh mắng, bố mẹ hãy khuyến khích con nói sự thật ngay cả khi mắc lỗi. Khi ấy, việc trẻ cần làm là xin lỗi. Một lời xin lỗi trực diện sẽ khiến con bạn có trách nhiệm hơn trước mỗi hành vi sai của chúng và cũng dạy chúng biết đồng cảm với những người bị tổn thương bởi hành động do con gây ra. 

“Việc này không hề đơn giản, nhưng bố mẹ nên kể cho con nghe những câu chuyện về thói quen xin lỗi, tự chịu trách nhiệm việc mình làm thông qua các nhân vật như bạn gấu, bạn búp bê… Những câu chuyện đó dần dần sẽ thấm vào bé mà không cần phải đao to, búa lớn”- TS Quý nhấn mạnh.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, khi trẻ hiểu chúng phải sống có trách nhiệm thì cũng là lúc chúng có lòng tự trọng lớn hơn và tự tin hơn khi thử nghiệm những điều mới. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là bố mẹ hãy làm gương cho con. Nếu bố mẹ cũng suốt ngày đổ lỗi tại người này, người khác thì cũng không thể tránh khỏi con sẽ lặp lại hành vi đó. 

Theo Ngô Châu Anh/Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.