Khổ sở vì lệch lạc tình dục

Những rối loạn tâm thần liên quan đến tình dục nếu không được can thiệp thường khiến người bệnh gặp rắc rối trong đời sống gia đình, có khi còn phải đối mặt với pháp luật.

Những rối loạn tâm thần liên quan đến tình dục nếu không được can thiệp thường khiến người bệnh gặp rắc rối trong đời sống gia đình, có khi còn phải đối mặt với pháp luật.

Dù rất đau khổ vì cú sốc tinh thần khiến cái thai trong bụng suýt bị sẩy, chị N.T.H (32 tuổi) vẫn cố tìm đến bác sĩ (BS) tâm thần để hỏi bệnh cho ông chồng mà nhiều người xem là “hết thuốc chữa”. H. cho biết chị lấy ông M. cách đây 2 năm, khi ông đã 45 tuổi. Ban đầu khi yêu nhau, dù họ hàng bên H. chê người bạn trai già, sợ khó có con nhưng chị không hề ngại bởi biết sức khỏe của ông M. rất tốt và cũng rất “cuồng nhiệt” trong chuyện chăn gối. Nhưng càng về sau, chị càng mệt mỏi bởi tần suất “đòi hỏi” kỳ lạ của chồng. Thậm chí, chị còn nghe râm ran người chồng sinh tật với vài phụ nữ nào đó...

Triệu chứng đa dạng

Bà Ng.A.N (42 tuổi) đã khóc hết nước mắt vì người con trai tuổi vị thành niên của mình từ khi phát hiện cậu ta hay trộm quần áo của những phụ nữ hàng xóm đem về cất giấu, thậm chí có lần còn bị họ bắt được. Dù bà N. mắng mỏ thế nào, cậu ta cũng chỉ khóc, xin lỗi rồi lại tái phạm khiến bà vừa xấu hổ với hàng xóm vừa đau lòng vì con trai mình không bình thường. Nghe lời khuyên của người quen, bà đưa con đến một chuyên viên tâm lý với hy vọng đó chỉ là một chứng bệnh về đầu óc và có thể khắc phục được.

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, cho biết những rối loạn tâm thần liên quan đến hoạt động tình dục, sở thích tình dục rất đa dạng, hầu hết đều gây ra những thương tổn cho bệnh nhân cũng như người thân. Họ thường khó có cuộc sống lứa đôi bình thường khiến người bạn đời không thể chấp nhận. Thậm chí, ông từng giám định cho những người gây án chỉ vì các rối loạn tâm thần dạng này.

Tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM


Theo BS Quang, những hành vi tình dục bất thường - mà chúng ta hay gọi là “lệch lạc”, “biến thái”… - trong IDC-10 (phân loại bệnh quốc tế) thường được xếp vào nhóm bệnh tâm thần, mục “rối loạn sở thích tình dục”, với rất nhiều dạng: Loạn dục đồ vật, loạn dục phô trương (phô dâm), loạn dục nhìn trộm, loạn dục gây đau chủ động và bị động (bạo dâm), đa rối loạn… Ngoài ra, xu hướng tình dục quá độ (cuồng dâm) thuộc nhóm “rối loạn chức năng tình dục không do rối loạn hay bệnh thực thể” cũng là một dạng rối loạn hay được nhắc đến. Nhìn chung, khi mắc các chứng bệnh này, người bệnh thường bị xã hội cho là “có vấn đề” về nhân cách nhưng đúng hơn, họ đang gặp các vấn đề thuộc về tâm thần.

Hãy coi đó là bệnh!

“Những rối loạn tâm thần về mặt tình dục có thể khiến người bệnh bị chính những người thân thiết nhất cảm thấy ghê sợ, xa lánh. Thực ra, đừng nên lên án họ mà hãy coi đó là người có bệnh cần chữa” - BS Quang khuyên.

Theo ông, mối nguy hiểm lớn nhất của những lệch lạc về mặt tình dục là người bệnh có thể có các hành động vi phạm pháp luật, như hành hạ người khác trong loạn dục gây đau, gây ra những vụ tấn công tình dục khi mắc xu hướng tính dục quá độ, quấy rối người khác khi mắc loạn dục phô trương, loạn dục nhìn trộm… Khả năng xảy ra những hiện tượng này là không thấp trong đời sống hiện nay.

“Hành vi lệch chuẩn xuất phát từ ý thức lệch chuẩn nảy sinh do rối loạn tâm thần. Những bất thường về hành vi, nhận thức liên quan đến tình dục muốn được điều trị thì phải có sự phối hợp giữa hai bên: điều trị của BS và sự hỗ trợ về tâm lý. Mục đích của điều trị tâm lý là tìm ra những ý thức lệch chuẩn và dần đưa nó về gần với chuẩn mực chung của xã hội” - chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa, đơn vị tâm lý của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, giải thích.

Bà Hòa lưu ý những người mắc bệnh dạng này thường bị ám ảnh về sự đổ vỡ trong các mối quan hệ hiện tại, đặc biệt là quan hệ với vợ (hoặc chồng), người yêu, dễ ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung cũng như quá trình điều trị.

“Chúng tôi thường gặp cả vợ/chồng, người yêu của bệnh nhân để tư vấn, cho họ thời gian suy nghĩ xem có đủ sức thông cảm và đồng hành với người bệnh trong quá trình điều trị hay không vì đây là một chặng đường dài và khó khăn. Đương nhiên, không phải ai cũng đủ sức ở bên người thân bị mắc chứng bệnh thường bị xã hội lên án này nhưng nếu có sự hỗ trợ của người bạn đời thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều” - bà Hòa cho biết.

Sau điều trị, cần giúp người bệnh hòa nhập

Theo chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa, quá trình điều trị không chỉ ngừng ở giai đoạn giúp người bệnh lấy lại ý thức và hành vi chuẩn mà còn phải giúp họ trở về cuộc sống bình thường.

“Nhiều người bệnh khi “tỉnh ra” thấy rất xấu hổ và hối hận vì những hành động trước đó của mình nên rất khó hòa nhập. Vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia và cả người thân, bạn bè để bắt đầu lại cuộc sống mới, dẹp bỏ mặc cảm. Hãy giúp họ trở lại với công việc và có đời sống tinh thần lành mạnh” - bà Hòa khuyên.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.