Người phụ nữ khóc ròng khi biết dạ dày "thủng lỗ chỗ" và chảy máu chỉ vì uống thứ này như nước

Khi biết thủ phạm khiến mình nhập viện là loại đồ uống quen thuộc, cô Lâm vừa khóc vừa nói: “Dân văn phòng ai chẳng giống như tôi”.

Cô Lâm năm nay vừa bước sang tuổi 40, sống và làm việc tại Đài Trung, Đài Loan, Trung Quốc. Đồng nghiệp nhận xét rằng khi nhìn từ xa cô trông rất trẻ trung, có khí chất bởi vì vốn sinh ra trong gia đình trí thức, từng đi du học nước ngoài lại rất có gu ăn mặc. Tuy nhiên, khi đến gần sẽ cảm thấy thân hình của cô trẻ trung nhưng khuôn mặt lại thường cau có, già hơn so với tuổi.

Về phần cô Lâm, cô cho biết mình quan tâm đến duy trì sắc vóc từ khi còn rất trẻ. Cô sẵn sàng đổ nhiều tiền vào các dịch vụ chăm sóc da, đồ ăn giữ dáng. Tuy nhiên, vì công việc quá bận rộn và áp lực, lại kết hôn và sinh con muộn nên mấy năm gần đây lúc nào cô cũng có cảm giác mình trong trạng thái quá tải.

Một ngày thứ hai đầu tuần và cô Lâm có một cuộc họp quan trọng. Thế nhưng, trong khi họp cô thường xuyên lấy tay ôm bụng, đập nhẹ lên ngực giống như bị khó thở và buồn nôn. Cuối cùng vì quá khó chịu mà phải nhờ nhân viên khác tiếp tục giải thích về dự án. Trong 10 năm cùng làm việc, đây là lần đầu tiên cấp trên thấy cô Lâm như vậy nên dù khá tức giận bởi đánh mất đối tác quan trọng nhưng vẫn hỏi han và cho cô nghỉ phép để đi khám sức khỏe ngay chiều hôm đó.

Người phụ nữ khóc ròng khi biết dạ dày thủng lỗ chỗ và chảy máu chỉ vì uống thứ này như nước-1
Tưởng chỉ bị khó tiêu, cô Lâm vô cùng hối hận vì biết mình bỏ lỡ dấu hiệu viêm loét dạ dày (Ảnh minh họa)

Lúc đầu, cô Lâm liên tục từ chối ý tốt của cấp trên và cho rằng mình chỉ bị khó tiêu, cộng thêm chăm con nhỏ nên thiếu ngủ. Tuy nhiên, nghĩ lại cảm giác đau đớn, khó chịu này đã xuất hiện không phải một sớm một chiều nên cô quyết định bắt xe tới bệnh viện.

Bác sĩ Peng Yanjun, thuộc Khoa Gan mật và Tiêu hóa tại Bệnh viện đa khoa Lee chi nhánh Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) là người thăm khám và điều trị cho cô Lâm. Ông nói: “Không biết làm cách nào bệnh nhân có thể chịu đựng được trong nhiều ngày với tình trạng như vậy. Kết quả kiểm tra cho thấy dạ dày của cô ấy lỗ chỗ những vết loét và còn xuất huyết, thành ruột bị bào mòn, tá tràng bị viêm loét. Bệnh nhân có dấu hiệu đau thắt ngực, suy nhược do mất máu, sốt cao và cần đưa vào phòng cấp cứu”.

Thủ phạm là thứ đồ uống phổ biến ở người trẻ, nhất là dân văn phòng

Khi được giải thích về tình trạng bệnh của mình, cô Lâm bàng hoàng tới mức nói lắp bắp không thành câu. Cô chỉ nghĩ mình bị mệt mỏi do mất ngủ và khó tiêu. Hơn nữa, từ trước đến nay hễ cứ căng thẳng quá độ là cô lại thấy đau dạ dày, giống như một kiểu phản ứng tạm thời và có thể tự khỏi sau vài ngày.

Nằm trên giường bệnh sau ca phẫu thuật, nước mắt cô Lâm cứ trào ra mỗi lần nghĩ tới nguyên nhân khiến mình bệnh nặng như vậy. Hóa ra, cô rất thích uống cà phê mà theo cách nói của cô thì là “nghiện cà phê” mới đúng.

Cô kể, ngày còn con gái biết cà phê không tốt cho da nên cô không dám uống nhiều. Nhưng mỗi khi công việc quá áp lực, cần sự tập trung cô lại không thể thiếu nó. Đến khi sinh con, cơ thể mệt mỏi lại hay thiếu ngủ nên cô bắt đầu chuyển hẳn từ cà phê gói sang cà phê đen. Ngay cả lúc biết cà phê chính là thủ phạm gây bệnh, cô vẫn uất ức nói với bác sĩ: “Tôi không tin uống cà phê lại nghiêm trọng như vậy. Dân văn phòng ai chẳng giống như tôi”.

Bác sĩ Peng Yanjun giải thích, vấn đề nằm ở cách mà bệnh nhân uống cà phê. Đầu tiên, cô Lâm uống quá nhiều cà phê mỗi ngày, thậm chí là uống hoàn toàn thay nước lọc trong nhiều ngày. Lượng cà phê trung bình cô uống là 1 lít, càng buồn ngủ sẽ càng pha đặc, không thêm đường và còn thường xuyên uống khi bụng rỗng.

“Theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), lượng caffeine an toàn dùng hàng ngày không nên vượt quá 400 mg. Một tách hoặc gói cà phê thông thường có khoảng 70 - 100 mg caffeine. Như vậy, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 4 - 5 tách mỗi ngày” - ông nhắc nhở.

Người phụ nữ khóc ròng khi biết dạ dày thủng lỗ chỗ và chảy máu chỉ vì uống thứ này như nước-2
Uống cà phê điều độ mang lại một số lợi ích sức khỏe, nhưng uống quá độ rất dễ gây bệnh dạ dày (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, ông giải thích rằng cô Lâm bị áp lực quá mức, sinh hoạt không đúng giờ giấc dẫn tới rối loạn axit dạ dày. Cô cũng thường ăn vội vàng, không đúng bữa và ăn kiêng quá mức để giảm cân. Khi có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, khó chịu ở bụng liền tự ý dùng thuốc giảm đau nhiều lần. Cứ như vậy, tất cả các yếu tố kể trên cùng hiệp đồng lại dẫn tới viêm loét, xuất huyết dạ dày.

May mắn là sau khi nằm viện 1 tuần và điều trị ngoại trú 2 tháng bằng thuốc, kết hợp điều chỉnh ăn uống tình trạng của cô Lâm đã cải thiện gần như hoàn toàn. Thông qua trường hợp này, bác sĩ Peng Yanjun cũng đưa ra cảnh báo không nên chủ quan với các triệu chứng viêm loét dạ dày bao gồm:

- Đầy hơi, khó tiêu.

- Đau bụng lan lên ngực.

- Buồn nôn hoặc nôn.

- Dễ cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn vì cơn đau.

- Ợ hơi, ợ chua hoặc trào ngược axit.

- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc.

- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

- Đi cầu phân đen hoặc máu.

- Sụt cân.

“Sở dĩ bệnh nhân có cảm giác đau tức ngực là bởi vị trí và lan truyền cảm giác đau trên da của bệnh loét dạ dày - tá tràng không trùng khớp với vị trí giải phẫu học của dạ dày. Đau thường ở thượng vị (dưới mỏ ác) kèm theo cảm giác nóng rát cơ thể lan lên ngực và ra hai bên sườn, ra sau lưng như kiểu thắt dây lưng quá chặt. Điều này cũng dễ dẫn tới bệnh nhân chủ quan, kiểm tra ban đầu có thể nhầm lẫn” - ác sĩ Peng Yanjun chia sẻ.

Nguồn và ảnh: ETtoday, Sohu, Health 2.0

Theo Phụ nữ mới

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunumoi.net.vn/nguoi-phu-nu-khoc-rong-khi-biet-da-day-thung-lo-cho-va-chay-mau-chi-vi-uong-thu-nay-nhu-nuoc-d305228.html

đau dạ dày


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.