Tập yoga quay Tiktok ‘câu view’, cả thầy và trò phải vào viện

Tập các động tác yoga khó để quay clip đăng lên Tiktok, một huấn luyện viên cùng học trò phải vào bệnh viện điều trị, phục hồi chức năng.

Phó giáo sư Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết các bác sĩ tại đây vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh vào cấp cứu vì tai biến do luyện tập chơi thể thao.

Cụ thể, ông cho biết yoga là bộ môn được nhiều người ưa thích nhưng lại dễ gây biến chứng nhất. Gần đây nhất, bác sĩ Kha đã tiếp nhận và điều trị cho hai bệnh nhân là huấn luyện viên người Ấn Độ cùng với học viên trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, chấn thương cấp tính cột sống thắt lưng do thị phạm động tác quá mức độ.

Bệnh nhân và học viên chia sẻ họ tập động tác vắt chân lên cổ để quay lại các clip, chia sẻ lên Tiktok với mục đích quảng cáo lớp học của mình. Bởi clip quay cảnh tập các động tác càng khó càng nhiều lượt xem.

Tập yoga quay Tiktok ‘câu view’, cả thầy và trò phải vào viện-1

Tư thế rắn hổ ở yoga được nhiều người yêu thích nhưng cũng có thể gây chấn thương cột sống. Ảnh: Freepik

Ngoài tập yoga, các bác sĩ cũng thường xuyên điều trị cho bệnh nhân bị chấn thương do chơi các môn thể thao rất phổ biến như bóng đá, gym, chạy bộ. 

Theo bác sĩ Kha, các vận động viên thể thao thường có bác sĩ và huấn luyện viên đi cùng. Tuy nhiên, người chơi thể thao quần chúng chủ yếu tự tập luyện nên thường không biết cách kiểm soát, dễ gây chấn thương. Dưới đây là những người dễ gặp nguy hiểm khi tự tập thể thao:

Thứ nhất, người có bệnh lý bẩm sinh nhưng không đi khám như dị dạng mạch máu não, bệnh liệt cơ chu kỳ. Vì vậy, trước khi tập luyện bạn cần kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Thứ hai, người tập có bệnh mãn tính nhưng không đi khám. Khi tập luyện dẫn tới quá tải cơ bắp, tim mạch.

Thứ ba, mắc bệnh tim mạch, cơ xương khớp, mạch máu nhưng không chữa triệt để. Tổ chức tế bào, chức năng chưa hồi phục nếu cố tập có thể làm trầm trọng bệnh.

Ngoài ra, khi tập luyện, một số sai lầm sau dễ khiến bạn gặp chấn thương:

- Thiếu trang thiết bị bảo hộ như nịt gối, cổ tay, đai lưng cố tập, đeo dụng cụ không đúng cách.

- Kỹ thuật tập luyện không đúng, tự học theo người khác, trên mạng, cường độ tập quá mức chịu lực của cơ bắp. Người tập quá no hoặc đói, say rượu.

Để tập an toàn, bác sĩ Kha khuyến cáo bạn cần khởi động trước khi tập và hồi phục sau tập bằng các bài tập giãn cơ. Chỉ tập theo sức khỏe của mình, không tập các động tác quá khó hoặc bắt chước người khác. Những người bị bệnh xương khớp hết sức chú ý khi tập. Người bị chấn thương dây chằng, cơ cần bình phục hoàn toàn trước khi tập.

Bác sĩ nhấn mạnh: "Chúng ta cần ghi nhớ rằng mỗi cá nhân là duy nhất và phải biết và chấp nhận những hạn chế, khả năng của mình. Sự gia tăng dần về sức nặng của bài tập tốt hơn nhiều so với đột ngột tập nặng".

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/tap-yoga-quay-tiktok-cau-view-ca-thay-va-tro-phai-vao-vien-2210923.html

Tập Yoga


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.