World Cup 2014: Đi tìm Vua phá lưới qua 6 quy tắc vàng

Song hành với cuộc đua vô địch, World Cup 2014 còn đáng chú ý ở cuộc đua Vua phá lưới. Hãy cùng Bóng đá số điểm mặt ứng cử viên sáng giá nhất qua 6 quy tắc vàng dưới đây…

Song hành với cuộc đua vô địch, World Cup 2014 còn đáng chú ý ở cuộc đua Vua phá lưới. Hãy cùng điểm mặt ứng cử viên sáng giá nhất qua 6 quy tắc vàng dưới đây…

1. Chủ nhà không hẳn có lợi thế

Sân nhà luôn được xem là lợi thế lớn với các ĐTQG trong hành trình chinh phục chiếc cúp vàng thế giới. Chẳng bởi thế mà trong quá khứ, đã có 5 đội bóng giành chức vô địch World Cup trên mảnh đất thân yêu của mình (Uruguay – 1930, Italia – 1934, Anh – 1966, Argentina – 1978 và Pháp – 1998).

Neymar và Fred sẽ chịu sức ép lớn từ CĐV và báo giới nhà
Neymar và Fred sẽ chịu sức ép lớn từ CĐV và báo giới nhà

Tuy nhiên, cuộc đua danh hiệu “Vua phá lưới” lại nằm trong một dòng chảy khác. Cụ thể, các tiền đạo đội chủ nhà thường thi đấu không thành công tại các VCK World Cup. Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau mà yếu tố đáng nói nhất là sức ép từ NHM và báo giới. Bạn khó có thể thi đấu đúng phong độ nếu trên khán đài, những CĐV giận dữ sẵn sàng nguyền rủa bạn nếu bạn chẳng may đá vọt xà.

Minh chứng là trong 25 cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới World Cup trong quá khứ (tính cả đồng Vua phá lưới), chỉ có 4 cái tên thuộc về nước chủ nhà (tỉ lệ 16%), bao gồm Ademir (Brazil – 1950), Leonel Sánchez (Chile – 1962), Mario Kempes (Argentina – 1978) và Miroslav Klose (Đức – 2006). Bởi vậy, rất khó để Neymar, Hulk hay Fred có cơ hội trở thành “cỗ máy săn bàn” ở Brazil năm nay.

2. Vua phá lưới thường là tiền đạo

Đây là quy tắc đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra. Đơn giản bởi các tiền đạo là người có nhiệm vụ kết thúc các pha tấn công. Đội bóng nào chơi càng đơn giản thì tiền đạo của họ lại càng có cơ hội ghi nhiều bàn thắng. Chẳng bởi thế mà cách đây 4 năm, dù lên ngôi vô địch nhưng Tây Ban Nha không giành danh hiệu Vua phá lưới (thuộc về Thomas Muller – Đức).

Trong quá khứ, 23/25 danh hiệu Vua phá lưới World Cup được trao cho các tiền đạo (tỉ lệ 92%). Hai danh hiệu còn lại thuộc về hàng tiền vệ (Garrincha – 1962 và Thomas Muller – 2010).

Thông thường, các cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới World Cup thường có 6 bàn thắng, và tỉ lệ trung bình là 7 bàn. Chỉ có đúng 2 trường hợp con số này thấp hơn và nó thuộc về hàng tiền vệ (Thomas Muller – 5 bàn và Garrincha – 4 bàn).

3. Bảng đấu càng dễ, cơ hội càng cao

World Cup là sân chơi bóng đá lớn nhất thế giới nhưng vẫn chưa đạt được sự tương quan giữa các khu vực. Các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ thường lấn lướt so với các đại diện thấp cổ bé họng đến từ châu Á, Bắc Mỹ, Trung Mỹ - Caribe hay châu Phi. Những trận đấu có tỉ số cách biệt không phải là chuyện hiếm gặp. Đó chính là cơ hội “vàng” để các tiền đạo tích điểm cho cuộc đua Vua phá lưới.

Suarez và Uruguay sẽ gặp khó ở bảng "tử thần"?
Suarez và Uruguay sẽ gặp khó ở bảng

Với lí do đó, các ứng viên cho danh hiệu Vua phá lưới World Cup 2014 sẽ có lợi thế lớn hơn những người khác nếu rơi vào các bảng đấu dễ. Minh chứng là trong lịch sử, 61% cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới ghi hơn nửa số bàn thắng của mình ở vòng bảng. Chỉ có đúng 3 người đạt danh hiệu này mà không nổ súng ở vòng bảng là Vava, Garrincha (Brazil -1962) và Mario Kempes (Argentina – 1978). Năm 1994, tiền đạo người Nga, Oleg Salenko đã giành danh hiệu Vua phá lưới với 6 bàn thắng được ghi ngay ở vòng bảng.

Về mặt này, bất lợi thuộc về Cris Ronaldo (gặp Đức, Ghana và Mỹ), Luis Suarez (gặp Anh, Italia và Costa Rica), Diego Costa (gặp Hà Lan, Chile và Australia), Van Persie (gặp TBN, Chile và Australia)…

4. Phong độ có lợi thế lớn

Phong độ là thuật ngữ nói về khả năng của 1 ngôi sao trong khoảng thời gian dài, có thể tính là cả mùa giải hay thậm chí lâu hơn thế. Đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của 1 ngôi sao trong cuộc đua Vua phá lưới World Cup. Thực tế, trong quá khứ, có hơn nửa cầu thủ (55%) giành danh hiệu này khi có hiệu suất 1 bàn/trận ở các giải VĐQG trước World Cup. Chỉ 20 % số cầu thủ giành danh hiệu này khi có hiệu suất 1 bàn/3 trận.

Kể từ năm 1982 tới nay, Davor Suker là trường hợp duy nhất giành danh hiệu Vua phá lưới (World Cup 1998) khi có hiệu suất 1 bàn/2,5 trận ở màu áo CLB trước World Cup. Điều đó lí giải vì sao Torres, Balotelli, Van Persie,… không được đánh giá cao ở giải đấu năm nay.

5. Khác biệt không đến từ chấm phạt đền

Đá phạt đền rõ ràng là cơ hội quá tốt để các tiền đạo tích điểm cho cuộc đua Vua phá lưới không chỉ ở World Cup mà còn ở bất cứ các giải đấu khác. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử và những thay đổi mang tính thời đại, đây lại không phải là yếu tố mang tính quyết định.

Ronaldo không có nhiều cơ hội thể hiện khả năng đá phạt đền ở World Cup năm nay?
Ronaldo không có nhiều cơ hội thể hiện khả năng đá phạt đền ở World Cup năm nay?

Minh chứng là trong lịch sử World Cup, 75% số cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới không thực hiện bất cứ cú đá phạt đền nào. Chẳng nói đâu xa, 3 cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới gần nhất (Muller, Klose, Ronaldo) không phải là những người được “chọn mặt gửi vàng” trên chấm 11m.

Hơn nữa, cách đây 4 năm, chỉ có đúng 9 quả phạt đền được thổi trong 64 trận đấu ở World Cup 2010 (tỉ lệ 1 quả phạt đền/7 trận). Đây cũng là tỉ lệ chung của lịch sử World Cup. Như vậy, rõ ràng cơ hội tạo nên sự khác biệt ở chấm 11m là không nhiều. Trong quá khứ, chỉ có 2 Vua phá lưới đi ngược quy tắc này là Eusebio (4 quả phạt đền ở World Cup 1966) và Hristo Stoichkov (3 quả phạt đền ở World Cup 1994).

6. Vua phá lưới phải vào bán kết

Vua phá lưới là danh hiệu được trao cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải chứ không phải cầu thủ có hiệu suất ghi bàn tốt nhất. Bởi vậy, việc tham dự nhiều trận đấu là điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên gia tăng số bàn thắng cho cuộc đua thú vị này.

Nếu vào tới vòng bán kết, các ứng cử viên sẽ có tổng cộng 7 trận đấu (kể cả chung kết hoặc tranh hạng 3 sau đó). Chỉ cần ghi bàn với hiệu suất 1 bàn/trận, họ gần như chắc chắn sẽ trở thành “kẻ dội bom” của giải đấu.

Minh chứng là trong lịch sử World Cup, 83% Vua phá lưới đều đi tới vòng bán kết. Trong đó, chỉ có 5 người vừa giành danh hiệu Vua phá lưới, vừa giành cúp vô địch (Ronaldo là người gần nhất). Ở World Cup 1994, Oleg Salenko (Nga) là trường hợp duy nhất giành danh hiệu Vua phá lưới mà không vượt qua vòng bảng.

Và người chiến thắng là…

Từ 6 quy tắc vàng trên, chúng ta có thể lọc ra ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu Vua phá lưới World Cup 2014. Đó chính là Lionel Messi, người hội tụ khá đầy đủ các yếu tố để trở thành kẻ dội bom trên đất Brazil.

Thứ nhất, Argentina của Messi rơi vào bảng đấu khá nhẹ với các đối thủ là Iran, Nigeria và Bosnia. Đặc biệt, trong 2 trận đấu với các đối thủ yếu là Iran và Nigeria, tiền đạo Barca hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc đua Vua phá lưới. Thứ hai, Argentina của Messi có cơ hội tiến xa ở World Cup 2014 do họ chỉ ngại Pháp ở vòng 1/8.

Messi và các ngôi sao Argentina đang nắm lợi thế lớn trong cuộc đua Vua phá lưới
Messi và các ngôi sao Argentina đang nắm lợi thế lớn trong cuộc đua Vua phá lưới

Thứ 3, Messi đang là người được HLV Sabella giao vị trí trung phong của Argentina. Ở vị trí này, El Pulga hoàn toàn có cơ hội nổ súng đều đặn bởi bên cạnh anh là rất nhiều vệ tinh giỏi kiến tạo như Aguero, Di Maria, Lavezzi,… Thực tế, ở vòng loại World Cup 2014 khu vực Nam Mỹ, Messi đã có 10 bàn thắng, chỉ kém Suarez (11 bàn).

Thứ 4, dù dính chấn thương, Messi vẫn ghi được 41 bàn thắng ở mùa giải vừa qua cùng Barca. Sự thất bại của Blaugrana càng khiến El Pulga thêm phần quyết tâm ở World Cup 2014, giải đấu mà anh và các đồng đội được thi đấu trên điều kiện khí hậu quen thuộc.

Ngoài Messi, còn phải kể tới các ứng cử viên sáng giá khác của Argentina như Aguero hay Gonzalo Higuain, người vừa có 1 mùa giải không tồi cùng Napoli. Hay Edin Dzeko cũng được đánh giá là ứng cử viên bất ngờ nếu Bosnia tiến sâu ở giải đấu năm nay.

Tất nhiên, đó chỉ là những dự đoán dựa theo những quy tắc mang tính tương đối. Còn thực tế, cuộc đua Vua phá lưới World Cup luôn diễn ra với nhiều kịch bản khó lường và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như chấn thương, thẻ phạt, chiến thuật,…

Theo Duy Nam
Bongdaso



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.