Bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ - việc nên làm từ lâu

Chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng lẽ ra quy định bãi bỏ việc thi và cấp chứng ngoại ngữ trình độ A, B, C nên thực hiện từ lâu.

Chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng lẽ ra quy định bãi bỏ việc thi và cấp chứng ngoại ngữ trình độ A, B, C nên thực hiện từ lâu.
 

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Thông tư số 20/2019-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên, tại Quyết định số 30/2008/QĐ của Bộ trưởng GD&ĐT quy định về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.

26 năm tồn tại nhiều bất hợp lý

Điều này đồng nghĩa các trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ phải dừng tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (trình độ A, B, C) từ ngày 15/1/2020. Còn các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng.

Bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ - việc nên làm từ lâu-1

Chứng chỉ ngoại ngữ từ lâu không còn phù hợp. Ảnh minh họa: VTC News.


Được biết, chứng chỉ ngoại ngữ ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/1/1993 của Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C) dùng đánh giá trình độ Anh ngữ tại Việt Nam. Sau này, dù ban hành các quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ cho người Việt tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng loại chứng chỉ A, B, C vẫn tồn tại.

Như vậy, sau 26 năm, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C bị khai tử do không còn phù hợp thực trạng xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Động thái tích cực của Bộ GD&ĐT nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giáo viên, sinh viên và dư luận xã hội.

Cô giáo Nông Thị Lùng, trường Tiểu học Nậm Pắc B (Điện Biên), vui mừng khi biết được thông tin bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ. Không chỉ cô mà nhiều giáo viên vùng cao thở phào nhẹ nhõm, như tháo được một gánh nặng về bằng cấp trên vai.

"Thú thật, đa phần giáo viên vùng cao như chúng tôi không sử dụng tiếng Anh, nó không cần thiết kể cả trong giảng dạy lẫn ngoài đời sống. Nhưng 'cực chẳng đã' vì quy định, vì yêu cầu xét nâng hạng, vào biên chế… nên phải đi thi. Những tấm chứng chỉ này là 'giấy thông hành' để viên chức, đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, sau đó gần như không dùng đến, thậm chí một nét bẻ đôi cũng không biết”, cô Lùng chia sẻ

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, trường Tiểu học Kim Bài (Hà Nội), cho rằng lẽ ra phải bỏ thi chứng chỉ này từ lâu rồi. Bởi chúng ta chứng kiến quá nhiều bất cập, thực sự làm khổ giáo viên vì nó không xuất phát từ nhu cầu của bản thân mỗi giáo viên, chỉ làm đẹp hồ sơ.

“Muốn xét thăng hạng, chúng tôi còn bao nhiêu tiêu chuẩn, phải đủ năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải nỗ lực không ngừng trong quá trình giảng dạy… Đó mới là những tiêu chuẩn thực chất nhất chứ không phải mấy chứng chỉ học và thi cấp tốc”, thầy Tuấn cho hay.

Bắt nguồn từ nhu cầu của giáo viên

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, việc bỏ gánh nặng thi các chứng chỉ sáo rỗng nên nên làm từ 5-7 năm trước.

"Cứ cho việc học, thi thực chất, các chuẩn đều đạt và người học được cấp chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ, nhưng thử hỏi nếu không có điều kiện sử dụng, liệu các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) có bị mai một, thui chột không? Như vậy việc học, đào tạo trở nên vô cùng lãng phí vì học xong rồi để đó", giáo sư Dong đặt câu hỏi.

Tồn tại song song cùng chứng chỉ này còn có đề án ngoại ngữ quốc gia, việc học và sử dụng cần xuất phát từ chính bản thân các giáo viên. Dù có bỏ chứng chỉ, chính các thầy cô giáo cũng nên tự trau dồi, tự đánh giá về năng lực ngoại ngữ của bản thân, không nên để học sinh giỏi tiếng Anh trong khi người dạy không biết gì.

“Chúng ta không nên coi việc học tiếng Anh là gánh nặng, mà phải biến nó thành nhu cầu và điều hiển nhiên cần có cho mình và cho học sinh”, GS Dong nói.

TS Nguyễn Thị Dinh, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng một em nhỏ bán hàng rong nhưng lại nói tiếng Anh "như gió" vì em có nhiều cơ hội tiếp xúc với du khách nước ngoài. Động lực và mục đích giao tiếp ở đây là bán được hàng nên các em tự học, tự tìm hiểu, mặc dù không qua trường lớp nào mà chỉ thông qua thực tế.

Vậy việc học ngoại ngữ cho giáo viên phải tạo mọi điều kiện giao lưu, học hỏi với giáo viên, học sinh nước ngoài; là những dịp tham quan, học tập ở nước ngoài… hoặc đơn giản chỉ là nhưng hội thi cấp trường về giáo viên nói tiếng Anh.

"Bỏ chứng chỉ là điều rất đáng mừng, nhưng cũng nên có cách đánh giá mới về năng lực và trình độ ngoại ngữ của giáo viên. Không thể bỏ khoảng trống này được, vì bản thân giáo viên là người gương mẫu đi đầu, trình độ kém hơn học sinh là điều không nên. Đặc biệt, cách đánh giá mới phải xuất phát từ chính nhu cầu của mỗi giáo viên, phải linh hoạt không nên đặt ra một quy định cứng nhắc, không để tình trạng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, TS Dinh chia sẻ thêm.
 


Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/bo-thi-chung-chi-ngoai-ngu-viec-nen-lam-tu-lau-post1018131.html?fbclid=IwAR1FnBaIPL5n-5NUVfZx1qycF_6MKpGKiIOBgrneoje0yBSaTT00NoFCgZM

bằng cấp

Chứng chỉ ngoại ngữ

ngoại ngữ

ngành giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.