Cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời

Mất 30 năm để vươn tới cuộc sống hạnh phúc, gạt đi sự kỳ thị, xa lánh của mọi người... chặng đường quá dài mà không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo đuổi.

Mất 30 năm để vươn tới cuộc sống hạnh phúc, gạt đi sự kỳ thị, xa lánh của mọi người... chặng đường quá dài mà không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo đuổi. Thế mà, dù phải khóc bao nhiêu lần, một người phụ nữ yếu mềm, bị câm, điếc từ nhỏ như cô Oanh vẫn cố gắng vượt qua.

>>Người cha 17 năm đưa con bị câm điếc đến với con chữ

Câu chuyện về cô giáo người điếc dạy ngôn ngữ ký hiệu - Ngô Thị Kim Oanh (SN 1979, quê Hải Phòng) có lẽ cũng giống như bao chuyện kể về những người khuyết tật khác - buồn bã và nhiều nước mắt.

Không biết, trong cuộc đời mình, bạn đã chọn cách vươn lên và làm việc, cống hiến cho xã hội này như thế nào, có khi nào chúng ta đã thực sự dám sống hết lòng, yêu như chưa từng đau, làm việc mà không vì tiền như cô Oanh hay không?

Nhiều cuộc tình tan vỡ, bạn bè xa lánh và ký ức 30 năm chìm trong nước mắt

Buổi trò chuyện giữa chúng tôi và cô được một người phiên dịch giúp đỡ, vì vậy tôi có thể hiểu được những điều cô muốn chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu của mình.

Cô Oanh sinh ra với thể chất khỏe mạnh, khả năng nghe, nói bình thường. Tuy nhiên, lúc khoảng 7-8 tháng tuổi, cô bị một căn bệnh lạ và từ đó, thế giới trong cô hoàn toàn không còn sự hiện diện của âm thanh.

"Bố mẹ đã đưa tôi đi chạy chữa rất nhiều, từ Nam ra Bắc rồi thậm chí còn đi cả nước ngoài nữa", cô chia sẻ. Công cuộc chạy chữa kéo dài nhiều năm, tiêu tốn gần cạn số tiền mà bố cô tích cóp suốt nửa cuộc đời. Gia đình cô, từ chỗ khá giả trở thành hộ có kinh tế bình thường.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 1.
Cô giáo dạy ngôn ngữ ký hiệu - Ngô Thị Kim Oanh.

Thế nhưng, sau tất cả sự cố gắng ấy, cô Oanh vẫn không thể nào nhận diện được âm thanh. Bố, mẹ cô không chấp nhận sự thật ấy, họ đưa cô đến những ngôi trường nghe, nói. "Khi đi học ở những ngôi trường như thế, tôi thấy mình rất lạc lõng, bơ vơ".

Từ nhỏ đến năm 18 tuổi, bố mẹ không dám cho cô Oanh ra ngoài một mình vì sợ bị bắt nạt, đánh đập hoặc lạm dụng tình dục. Cô từng phải sống những ngày tháng buồn bã, cô độc tưởng như bị cô lập với thế giới bên ngoài. "Ngày nhỏ, tôi thấy giữa tôi và bố mẹ luôn có một khoảng cách rất dài, không xích lại gần được", cô Oanh tâm sự.

Cho đến khi cô lên Hà Nội, theo học tại ngôi trường Xã Đàn, nơi có nhiều trẻ em có hoàn cảnh giống cô. Trong suốt 2 năm đầu ra Hà Nội, cô tự mình tìm cách học ngôn ngữ ký hiệu một cách không chính thống qua bạn bè và những người câm, điếc bẩm sinh khác.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 2.

Cô Oanh nói ngôn ngữ ký hiệu của cô không phải dạng chính thống được đào tạo bài bản mà do cô học cóp nhặt từ mỗi người một chút.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 3.

"Rồi tôi thấy thế giới mình dần mở rộng hơn. Tôi hiểu bố mẹ nhiều hơn. Nhờ có ngôn ngữ viết, biết cách giao tiếp với mọi người xung quanh bằng đôi bàn tay của mình".

Tốt nghiệp trường Xã Đàn, cô Oanh theo học nghề gội đầu và thuê cửa hàng riêng để làm việc. "Nhưng không phải ai cũng tin tôi, họ sợ người câm, điếc như tôi thì không làm được việc. Nhưng tôi cứ cố gắng và dần dần, cũng có nhiều khách quen". Thời gian đó, có nhiều người đến làm quen, tìm hiểu. Tan vỡ rất nhiều cuộc tình, thậm chí chính cô cũng không nhớ nổi mình đã yêu và chia tay bao nhiêu người. Đau khổ, khóc nhiều nhưng rồi cô lại mạnh mẽ đứng lên và khi bắt đầu quen một người mới, cô

Oanh vẫn sống nồng nàn, hết mình, y như người mới biết yêu lần đầu.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 4.
Cô Oanh nhớ lại những chuyện tình buồn trong quá khứ.

"Tôi gặp rất nhiều người nghe, nói bình thường. Thời ấy còn không có điện thoại, giao tiếp với nhau đều qua mảnh giấy nhỏ ghi chi chít chữ. Họ đến với tôi, thời gian dài, ngắn khác nhau, có mối tình kéo dài cả năm trời nhưng rồi không đi đến đâu vì vấp phải sự phản đối từ phía gia đình".

Rồi cô Oanh quen người chồng hiện tại, anh cũng là người câm điếc bẩm sinh. Họ gặp nhau, hiểu nhau và yêu nhau chân thành. "Nhưng gia đình anh ấy phản đối dữ lắm và điều ấy khiến tôi rất buồn". Thậm chí, khi cô Oanh và chồng quyết tâm đến với nhau, lúc cô trót mang thai con gái đầu lòng, phía gia đình nhà chồng vẫn chỉ chấp nhận làm đám cưới chứ không cho phép cô đăng ký kết hôn với con trai họ.

"Phải mất 5 năm sau, khi tôi và chồng chứng minh được khả năng tài chính, sinh con là người nghe, nói bình thường và có cuộc sống hạnh phúc, bố mẹ chồng mới dần chấp nhận tôi và cho phép tôi cùng chồng kết hôn hợp pháp".

Tinh thần vươn lên và sự cống hiến vì cộng đồng người câm điếc

Tốt nghiệp trường Xã Đàn, cô Oanh lâm từng lâm vào cảnh thất nghiệp trong một thời gian khá dài. Không muốn sống dựa dẫm vào gia đình, cô theo đuổi rất nhiều công việc khác nhau, từ gội đầu thuê, đi múa rồi dạy ngôn ngữ ký hiệu. Điều đặc biệt là dù làm gì, cô Oanh đều lao động hết mình và dành cho chúng tình yêu chân thành.

"Lúc tôi làm nghề gội đầu và quen anh xã, anh nhiều lần muốn tôi bỏ nghề nhưng tôi không chịu. Tôi nghĩ mình lao động chính đáng thì không có gì phải sợ".

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 5.

Cô Oanh từng làm nhiều việc và với nghề nào, cô đều rất hết lòng.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 6.

"Còn về tình yêu, tôi yêu nhiều người nhưng đều đã hết lòng vì nó nên khi mất đi, không tiếc nuối và khi tôi yêu ai, tôi chỉ yêu được một người duy nhất".

Có một khoảng thời gian cô Oanh theo học múa. Lúc đó, tất cả giáo viên và bạn bè đều nhìn cô bằng con mắt khác thường, cho rằng cô không đủ khả năng để theo đuổi lĩnh vực này. Nhưng với sự quyết tâm, cô Oanh miệt mài học gấp 2-4 lần so với bạn bè. Cô trở thành người múa giỏi nhất nhì lớp, được đi múa ở những sự kiện lớn trong và ngoài nước.

Khi lấy chồng, cô xin vào làm nhân viên văn phòng ở công ty Điện lực miền Bắc. Thời gian đầu, đồng nghiệp luôn bày tỏ thái độ hoài nghi ra mặt. Nhưng rồi với sự cố gắng, luôn hoàn thành tốt công việc, cô Oanh cũng dần xóa nhòa sự xa lánh của mọi người cùng công ty.

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 7.

Bây giờ cuộc sống của tôi rất hạnh phúc, tôi có thể kiếm tiền và làm những điều mình thích...

Chuyện về cô giáo câm điếc và hành trình suốt 30 năm xóa bỏ sự kì thị, xa lánh của người đời - Ảnh 8.

... Tôi nghĩ người điếc hay người nghe, nói đều giống nhau, điều quan trọng là ý chí vươn lên và khả năng nắm bắt cơ hội của mỗi người".

Cô Oanh từng có một khoảng thời gian 4-5 năm dạy ngôn ngữ ký hiệu miễn phí cho người câm điếc. Hiện cô là giáo viên của Trung tâm ngôn ngữ ký hiệu tại Hà Nội. Học sinh của cô hầu hết đã lớn tuổi, họ học loại ngôn ngữ này vì muốn hiểu về một ai đó hoặc đơn giản là có thể làm nghề phiên dịch viên, tham gia các hoạt động cộng đồng dành cho người điếc.

Thu nhập từ công việc này không cao và khiến cô Oanh thêm phần bận rộn. "Nhưng tôi vẫn rất vui vì có thể đem ngôn ngữ ký hiệu truyền đến nhiều người. Mong rằng, những học viên ở đây rồi sẽ trở thành nhiều cây cầu nối, gắn kết cộng đồng người điếc và nghe gần lại nhau hơn", cô Oanh nói thêm.

Theo Trí Thức Trẻ

người khuyết tật

những tấm gương vượt khó

câm điếc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.